Lời khai chủ doanh nghiệp ‘dúi’ phong bì cho cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

23/04/2021 10:09:52

CQĐT đánh giá, việc chủ doanh nghiệp tiếp xúc với các lãnh đạo tại Bệnh viện Bạch Mai, biếu các khoản phong bì tiền “đối ngoại”, góp phần thúc đẩy hành vi của cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và đồng phạm.

 

Như VietNamNet đã đưa, CQĐT vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh cùng Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Công nghệ y tế BMS Phạm Đức Tuấn và đồng phạm.

Theo kết luận điều tra, ông Tuấn thừa nhận, tổng giá trị hệ thống robot Rosa cộng với chi phí vận chuyển, lắp đặt cho đến khi vận hành tại Bệnh viện Bạch Mai chỉ là hơn 7,4 tỷ đồng.

Nhưng bằng thỏa thuận, thống nhất với ông Quốc Anh và việc hợp thức hóa thủ tục định giá Robot Rosa 39 tỷ đồng, Công ty BMS đã được Bệnh viện Bạch Mai cho hưởng số tiền khấu hao thiết bị không đúng thực tế là hơn 23 triệu đồng/ca.

Với 551 ca đã được Bệnh viện Bạch Mai thanh toán, Tuấn và Công ty MBS đã được hưởng lợi số tiền khấu hao chênh lệch không đúng quy định hơn 9,1 tỷ đồng.

Lời khai chủ doanh nghiệp ‘dúi’ phong bì cho cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai
Nguyên Giám đốc bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh

Chủ tịch BMS khai, đã chi cho ông Quốc Anh 3.000 USD vào tháng 5/2016. Sau đó, vào các dịp lễ, tết, ngày truyền thống 27/2 năm 2017- 2019 (trước khi ông Quốc Anh nghỉ hưu), Tuấn đưa cho nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai 50 triệu đồng/lần, có một vài lần đưa số tiền 1.000- 2.000 USD/lần.

Ngoài ra, khoảng tháng 6/2018, ông Tuấn đưa cho ông Quốc Anh 5.000 USD để đề xuất đưa các hệ thống robot vào danh mục trang bị cho Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai.

Từ tháng 5/2016 đến cuối năm 2019, ông Tuấn đưa cho ông Quốc Anh nhiều lần với số tiền khoảng 400 triệu đồng và 10.000 USD.

Theo lời khai của ông Tuấn, việc chi tiền cho lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai để duy trì mối quan hệ, “ngoại giao” để lãnh đạo bệnh viện giúp thúc đẩy triển khai đề án, đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả công ty và bệnh viện.

Còn theo lời khai của ông Quốc Anh, bị can chỉ nhận 100 triệu đồng và 10.000 USD từ Phạm Đức Tuấn.

Đánh giá về nguyên nhân và điều kiện xảy ra tội phạm, kết luận điều tra cho rằng, Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế công lập hạng đặc biệt, áp lực đổi mới, kỳ vọng của người bệnh, của gia đình bệnh nhân là rất lớn.

Bị can Nguyễn Quốc Anh đã chỉ đạo thành lập các khoa ngoại chuyên sâu nhằm phát triển toàn diện, thu hút bệnh nhân, tăng cường nguồn thu cho bệnh viện và thu nhập của đội ngũ y bác sỹ.

Do vậy, cựu giám đốc Bệnh viện đã nóng vội, quyết liệt thống nhất với Phạm Đức Tuấn, Công ty BMS lắp đặt robot hỗ trợ phẫu thuật tại bệnh viện; đồng thời chỉ đạo, yêu cầu cấp dưới thực hiện các thủ tục để ký kết, đưa thiết bị vào triển khai đúng dịp 27/2/2017, bỏ qua các quy trình, thủ tục theo đúng quy định.

Mặt khác, việc Phạm Đức Tuấn và nhân viên Công ty BMS trong quá trình tiếp xúc với các lãnh đạo tại Bệnh viện Bạch Mai đã biếu các khoản phong bì tiền “đối ngoại”, cũng góp phần thúc đẩy hành vi của các bị can.

CQĐT cho rằng, trách nhiệm chính đối với sai phạm trong vụ án thuộc bị can Nguyễn Quốc Anh, người có thẩm quyền cao nhất, quyết định chủ trương, thống nhất giá thiết bị với Công ty BMS, ký kết các thủ tục liên doanh, liên kết.

Các bị can khác tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và Công ty VSF đồng phạm với vai trò giúp sức.

Thiệt hại thuộc về người bệnh

Căn cứ vào thông tin, số liệu do Bệnh viện Bạch Mai cung cấp, CQĐT đã xác minh, làm việc, ghi lời khai đối với những người bệnh, người nhà người bệnh tại 15 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, ủy thác điều tra đối với công an 17 tỉnh.

Kết quả, những người bệnh, người nhà người bệnh khi đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai đều được giải thích về các phương pháp điều trị phẫu thuật thần kinh- sọ não.

Trong đó, hình thức phẫu thuật thông thường, không có sự hỗ trợ bằng robot thì chi phí rẻ hơn, được bảo hiểm y tế chi trả một phần.

Còn hình thức phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot, là điều trị dịch vụ không được bảo hiểm chi trả, chi phí cao hơn khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ca (tùy thuộc vào số ngày giường, vật tư tiêu hao... trong quá trình phẫu thuật), nhưng người bệnh sẽ giảm biến chứng, ít đau đớn, phục hồi nhanh hơn.

Người bệnh, gia đình bệnh nhân không được biết, thiết  bị robot do đối tác liên doanh, liên kết lắp đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, không được giải thích cụ thể từng loại chi phí trong quá trình phẫu thuật, không được biết chi phí khấu hao thiết  bị robot.

Nhưng với mong muốn nhanh lành bệnh, người bệnh và người nhà bệnh nhân đã lựa chọn phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot, ký giấy cam đoan sử dụng dịch vụ.

Qúa trình làm việc với CQĐT, người bệnh, gia đình bệnh nhân được biết vi phạm trong quá trình liên danh, liên kết, nâng giá thiết bị robot, Bệnh viện Bạch Mai thu chi phí khấu hao chênh lệch cao hơn thực tế hơn 16 triệu đồng/ca. Họ đều có đề nghị được cơ quan tiến hành tố tụng được nhận lại số tiền này.

 

Theo T.Nhung (VietNamNet)

Nổi bật