Năm 1970, cụ Trần Văn Thêm bị bắt tại Phú Thọ khi đang đi buôn quả trám, do bị tình nghi là giết người em họ của mình (khi đó cụ mới 34 tuổi). Năm đó, bà Trần Thị Xuân mới 12 tuổi. Dù mới chỉ được học hết lớp 3, nhưng bà đã nhiều lần tự tay viết đơn gửi đến Công an tỉnh Phú Thọ, kêu oan cho bố. “Tôi không có nhiều chữ nghĩa, tôi nhớ là mình chỉ biết viết đi viết lại là, bố cháu không bao giờ giết người, các chú các bác minh oan cho bố cháu”, bà Xuân hồi tưởng.
Từ năm 1970 đến năm 1975, cụ Thêm ở trong tù, cụ bà Tô Thị Gái dành dụm được đồng nào lại gói ghém hộp bánh, quả cam lên thăm chồng. Xe cộ khó khăn, cụ chỉ có thể đi bằng tàu hỏa, lần nào cũng phải ngồi co rúm trong một toilet hôi thối trên tàu vì không có ghế.
Một mình một nách 5 đứa con, đứa nhỏ nhất mới có 1 tuổi, cụ Gái làm đủ các công việc nặng nhọc nhất để các con không chết đói, trồng lúa, trồng ngô, mót thóc khoai, buôn rau củ. “Năm 1971, nước lụt đến ngang nhà, căn nhà lá của chúng tôi xiêu vẹo. Mẹ thì ở ngoài đồng, tôi bế các em đi chạy lụt rồi cất thóc. Không cực khổ nào chúng tôi không trải qua, sau này tôi nói với các con, đời ông bà bố mẹ như chị Dậu, chỉ có khác là không bán con mình thôi”, bà Xuân kể.
Bà Xuân lau nước mắt khi kể về nỗi khổ của gia đình hơn 4 thập niên qua |
Năm 1975, cụ Thêm được ra tù, nhưng bệnh tật và nghèo túng vẫn bủa vây ngôi nhà. Năm 1976, 2 cụ sinh thêm một người con út, đặt tên Trần Văn Sáu. Nghèo đói, thiếu thốn, làm quần quật để nuôi con, chăm nom, kiệt quệ cả kinh tế và tinh thần, năm 1982, cụ Tô Thị Gái qua đời vì lao lực, hưởng thọ 50 tuổi. Nhắc về cuộc đời mẹ mình, bà Trần Thị Xuân khóc nức nở: “Tôi không thể nào quên đêm trước khi mẹ tôi mất, mái nhà xác xơ, tôi phủ phục ở cuối giường, mẹ tôi cứ nhắc đi nhắc lại, các con phải minh oan cho bố. Mẹ còn giục tôi cứ về bế cháu, mẹ không chết đêm nay đâu, sáng mai mẹ vẫn còn sống. Sáng mai tôi chạy qua, mẹ tôi nhìn tôi rồi trút hơi thở cuối cùng”.
Ngày cụ Gái mất, người con trai út Trần Văn Sáu mới 6 tuổi, ngơ ngác chạy ngoài đường như gà lạc mẹ, các chị phải gọi về, bảo là mẹ chết rồi. “Cả đời mẹ tôi khổ, chết vẫn còn khổ. Nhận được kết luận của Tòa án nhân dân tối cao rằng bố tôi đã bị kết án oan sai, tôi thắp hương cho mẹ ngay, thế là từ giờ mẹ tôi đã được ngậm cười nơi chín suối”, bà Xuân bộc bạch.
Mái nhà nghèo xác xơ của cụ Thêm |
Ngôi nhà không có tài sản gì đáng giá |
“Bố phải cố sống đến ngày được minh oan con ạ”
Năm 1975, cụ ông Trần Văn Thêm được ra tù nhưng chỉ được cấp tờ giấy cho về nhà vì miễn lao động nặng, hơn 40 năm qua, bản án tử hình vì giết người cướp của vẫn treo nặng trên đầu ông, không một phút giây cho người đàn ông sự thảnh thơi. Năm 1982, vợ mất, sự khốn khổ càng trút lên đầu người đàn ông bệnh tật quanh năm và có án “giết người”.
Cụ Thêm làm đủ các nghề, trồng lúa, gánh phân, có thời gian đi làm thuê, bảo vệ để có tiền nuôi con và đi kêu oan. Cứ dăm bữa nửa tháng, để dành được một khoản tiền, cụ Thêm đều lặn lội đi tìm các nhân chứng sống, gửi đơn từ kêu oan khắp Phú Thọ, Hà Nội. Lần nào về, cụ cũng nói với các con, “bố sắp được minh oan rồi”.
Ông Trần Văn Sách, em họ của cụ Thêm chia sẻ về gia cảnh cụ Thêm |
“Bố tôi bị trĩ nặng, đi đâu xa phải đóng bỉm vì máu chảy rất nhiều, có thời gian ông bị xuất huyết dạ dày. Từ ngày ra tù, ông bị đau đầu, đau xương khớp triền miên. Có thời gian ông bị hoảng loạn, nói trước quên sau, lúc nào cũng kể việc mình ở trong tù khổ sở, bị đánh đập ra sao. Năm ngoái, tôi tưởng bố không sống nổi, nhưng may sao lại khỏe. Ông lúc nào cũng bảo với tôi, bố phải cố sống con ạ, sống đến lúc bố được minh oan chứ”, bà Xuân xúc động.
Những ngày này, thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh cũng mừng rỡ lây vì chuyện cụ Trần Văn Thêm, người chịu án tử tù suốt 43 năm được khẳng định là án oan. Từ người vá xe đầu làng tới bà bán thịt trong chợ, biết chuyện cụ Thêm được minh oan cũng đều mừng. Bà Nguyễn Thị Xuyên, 48 tuổi, hàng xóm của cụ Thêm nói: “Mừng cho nhà ông ấy quá cô ạ. Ông cụ hiền lành đức độ, cả đời không làm hại ai, tối ngày lủi thủi, đi gặp ai cũng níu áo bảo “tôi bị oan” đến giờ đã được giải oan rồi”.
Theo Thúy Hằng - Lê Nam (Thanh Niên Online)