Hai vụ lừa đảo gây xôn xao dư luận
Mới đây, Lương Gia Huy khiến công chúng chú ý khi đăng đàn thông tin anh bị lừa đảo hơn 450 triệu đồng. Theo đó, nam ca sĩ nhận được cuộc gọi của người tự xưng là "nhân viên ngân hàng" liên hệ nhằm phổ biến cho anh về thủ tục nâng hạn mức thẻ tín dụng.
Lương Gia Huy chia sẻ, do quá bận rộn nên anh đã đưa điện thoại để trợ lý xử lý. Do mất cảnh giác, người này làm theo các yêu cầu của kẻ lừa đảo, hoàn tất thủ tục như chụp ảnh căn cước công dân, thẻ visa, cung cấp mã OTP cho đầu dây bên kia… Phía nam ca sĩ không phát hiện bất thường do trước đó đã được dặn rằng, khi trừ xong sẽ được hoàn tiền lại. Đến nửa đêm, kẻ lừa đảo rút 200 triệu đồng từ thẻ của Lương Gia Huy và 200 triệu đồng từ thẻ của vợ anh thì nam ca sĩ mới phát hiện, lập tức khóa thẻ.
Dù bị rút số tiền lớn trong thẻ nhưng Lương Gia Huy vẫn tiếp tục "sa bẫy". Theo những gì anh chia sẻ, hôm sau, bọn lừa đảo tiếp tục liên lạc, thúc giục phía nam ca sĩ nộp thêm 50 triệu đồng để đủ điều kiện nâng hạng mức thẻ. Sau khi mất 450 triệu, anh mới bắt đầu tỉnh ngộ.
Trước đó, vào tháng 3/2022, ca sĩ Đức Phúc cũng bị một nhóm đối tượng đã giả danh Minh Hải (bạn trai cũ Hòa Minzy) và Erik để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 32 triệu đồng. Đầu tiên, người giả danh Minh Hải lấy số điện thoại nam ca sĩ từ quản lý, sau đó nhắn tin viện cớ sắp về Việt Nam và ngỏ ý mua đồ giúp. Tiếp đó, người này tạo một nhóm trò chuyện có thêm một người mạo danh Erik với lý do "2 đứa sẽ nhắn đồ muốn mua bên Úc vào nhóm này để tổng hợp cho dễ".
Sau khi trao đổi, kẻ mạo danh đề cập chuyện nhờ chuyển tiền vé máy bay cho đại lý ở Việt Nam. "Khi chuyển xong, Phúc vẫn chưa biết mình đã bị lừa. Cho đến 30 phút sau, khi nói chuyện với Erik thì Phúc mới phát hiện. Tuy nhiên, Phúc vẫn giữ một thái độ bình thường trong nhóm chat đó và dần im lặng nhưng 2 đối tượng giả danh vẫn tiếp tục hành vi lừa đảo của mình", ca sĩ Đức Phúc chia sẻ.
Đáng nói, sau bài đăng của Đức Phúc, người mẫu Trà Ngọc Hằng cũng cho biết, cô bị lừa với phương thức tương tự, số tiền lên tới 500 triệu đồng.
Tình trạng lừa đảo qua các phương tiện công nghệ ngày càng nhức nhối
Trao đổi với PV Dân Việt, một quản lý cấp cao ngân hàng Vietinbank khẳng định: Vụ việc của ca sĩ Lương Gia Huy không phải là chuyện hi hữu. Thời gian qua, ngày càng nhiều người bị lừa đảo bởi cung cấp thông tin cá nhân cho kẻ xấu, với những nguyên nhân khác nhau. "Trong các tin nhắn cũng như thông tin cảnh báo mà các ngân hàng liên tục gửi tới khách hàng, luôn có khuyến cáo không cung cấp mã OTP cho người khác, chỉ sử dụng khi chính chủ thẻ giao dịch. Bởi vậy, việc quản lý nam ca sĩ trên tự ý gửi mã OTP đã là sai quy định, đồng thời tạo nguy cơ cho chính chủ tài khoản".
Vị này cũng cho rằng, việc trợ lý của Lương Gia Huy lần lượt cung cấp OTP khiến kẻ xấu rút tiền từ tài khoản của cả nam ca sĩ và vợ anh nhiều lần, sau khi khóa thẻ lại tiếp tục yêu cầu nam ca sĩ chuyển khoản 50 triệu đồng là khá vô lý và kỳ lạ. "Tuy nhiên, điều này cũng tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, cần tới sự kết luận của cơ quan chức năng", quản lý cấp cao ngân hàng Vietinbank xin được giấu tên cho hay.
Trong khi đó, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: "Việc những nghệ sĩ bị lừa đảo một số tiền khá lớn là điều đáng tiếc. Khi họ không ngần ngại công khai sự việc và cảnh báo cho cộng đồng, đó cũng là điều tốt để mọi người có thông tin để cảnh báo, tránh phạm phải những sai lầm tương tự".
Cũng theo ông Đặng Văn Cường, phương thức lừa đảo trong vụ Lương Gia Huy không mới: "Các đối tượng mạo danh ngân hàng, các cơ quan tổ chức có thẩm quyền để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, từ đó chiếm đoạt quyền điều khiển rồi rút tiền từ tài khoản của nạn nhân. Nạn nhân bị giả mạo không phát hiện ra các đối tượng lừa đảo, lại bị các đối tượng thao túng tâm lý, yêu cầu cung cấp các thông tin, khi thông tin đầy đủ thì nạn nhân mất quyền điều khiển và bị truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng để chuyển tiền".
Luật sư Đặng Văn Cường đánh giá, tình hình tội phạm lừa đảo có sử dụng công nghệ cao đang gây nhức nhối trên không gian mạng và phát triển rộng khắp thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Do đặc điểm của hoạt động trên không gian mạng là giao tiếp gián tiếp, việc mạo danh cơ quan tổ chức cá nhân khá dễ dàng. Các đối tượng lừa đảo Lương Gia Huy, Đức Phúc hoàn toàn có thể đang sinh sống ở nước ngoài, sử dụng người Việt Nam như một công cụ theo các kịch bản có sẵn để gọi điện, nhắn tin về nước phải thực hiện các phương thức thủ đoạn lừa đảo theo kịch bản mà các đối tượng đã làm việc. Điều đáng chú ý là các đối tượng phạm tội có tổ chức phải có kịch bản rõ ràng, có phân công vai trò khiến cho nạn nhân rất khó có thể phát hiện ra đâu là thật, đâu là giả cho đến khi mất tiền.
Cần trang bị sự hiểu biết khi sử dụng các phương tiện công nghệ
"Để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, mỗi người cần phải trang bị cho mình những kiến thức, hiểu biết nhất định khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng. Đặc biệt, khi sử dụng dịch vụ của ngân hàng, người dùng cần phải hết sức thận trọng, xác định đúng cơ quan tổ chức cá nhân có thẩm quyền thì mới thực hiện các thao tác theo hướng dẫn. Đối với các hoạt động mua sắm, thương mại điện tử thì cần xác định rõ đối tác, đơn vị bán hàng thì mới chuyển khoản; phải chuyển khoản đúng vào tài khoản có đăng ký của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà mình giao dịch.
Một điều đáng chú ý nữa là các đối tượng lừa đảo đánh cắp thông tin người dùng hoặc mua thông tin của người dùng trên mạng internet làm căn cứ để thực hiện các hoạt động lừa đảo. Chính vì vậy, để tránh trở thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, việc quản lý thông tin cá nhân, bảo mật thông tin cá nhân là một trong những yếu tố có tính chất phòng ngừa tích cực" - Luật sư Đặng Văn Cường khẳng định.
Ông Cường cũng thông tin thêm, theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Người thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự. Với phương thức thủ đoạn là mạo danh cơ quan tổ chức để chiếm đoạt tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên thì hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 174 Bộ Luật hình sự. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên thì đối tượng thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Trong trường hợp bắt giữ được các đối tượng này, có căn cứ chứng minh các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền của nạn nhân là 450.000.000 đồng, ngoài ra không chứng minh được hành vi phạm tội với các tổ chức cá nhân khác thì các đối tượng này cũng sẽ đối mặt với hình phạt là phạt tù từ 7-15 năm.
Theo Kienthuc.net.vn