khi vụ nhóm thương lái dàn dựng cảnh, lấy trộm nhiều tấn tôm trị giá hàng trăm triệu đồng của một hộ dân ở huyện Đầm Dơi bị phanh phui. Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đến cơ quan chức năng tố cáo những hành vi tương tự. Là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng tôm nuôi nên dễ hiểu tại sao dư luận Cà Mau một phen xôn xao trước vấn nạn này. Mới đây, ông Lê Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã tiếp công dân để lắng nghe tâm tư và chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ vụ việc.
Trộm cả tấn, thiệt hại hàng trăm triệu
Vào tháng 5 vừa qua, gia đình anh Lê Duy Châu (xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi) gọi thương lái đến thu hoạch tôm nuôi. Mọi việc diễn ra bình thường cho đến khi tính tiền thì anh Châu thấy sản lượng tôm thấp một cách kỳ lạ. Gia đình anh đã trích xuất camera và phát hiện “cách tổ chức chiêu trò” của thương lái để trộm tôm. Qua tính toán của người đàn ông đã gắn bó với nghề nuôi tôm thâm canh nhiều năm thì lượng tôm bị mất hơn 5 tấn.
Sau khi vào cuộc, Kết luận điều tra ban đầu của Công an huyện Đầm Dơi thể hiện, nhóm trộm đã lấy của gia đình anh hơn 2,6 tấn, trị giá hơn 340 triệu đồng. Số lượng tôm trên được bán cho một công ty thủy sản tại Cà Mau. Tuy nhiên, theo hồ sơ vụ việc, bị can Đỗ Huệ Tánh có khai nhận, hơn 2,6 tấn tôm đã được bán tại chợ Bình Điền, TP Hồ Chí Minh. Anh Lê Duy Châu cho biết, tổng số lượng tôm bán ở hai nơi, phù hợp với tính toán của gia đình nhưng kết luận điều tra chưa làm rõ tình tiết bán tôm tại chợ Bình Điền. Từ đó, anh đề nghị phải làm rõ, nếu vượt thẩm quyền thì chuyển cơ quan điều tra công an tỉnh Cà Mau thụ lý: "Việc trộm tôm trên camera thể hiện rất rõ. Ngoài ra, số lượng tôm mất trộm chưa đúng thực tế. Lời khai ban đầu của bọn trộm là bán trên chợ Bình Điền 1 xe. Khi cơ quan điều tra kết luận thì chỉ bán cho 1 mình Minh Phú thôi. Từ đó, Công an tỉnh cần vào cuộc điều tra, làm rõ, bảo vệ quyền lợi cho tôi và nhiều người khác là nạn nhân".
Liên quan vụ việc nêu trên, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Đầm Dơi đã ra quyết định truy tố 14 bị can tội “Trộm cắp tài sản” và 5 bị can tội “Không tố giác tội phạm”. Tuy nhiên, trước ngày Tòa án đưa vụ việc ra xét xử, Viện kiểm sát nhân dân huyện đã rút hồ sơ để xem xét bổ sung thêm chứng cứ.
Nỗi lòng người nuôi tôm
Sau vụ việc của gia đình anh Lê Duy Châu, hàng chục người dân đã đến cơ quan chức năng các địa phương trình báo bị mất trộm tôm. Ngày 7/10, ông Lê Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã trực tiếp ngồi lắng nghe bà con chia sẻ về vấn đề này trong buổi tiếp công dân. Nhiều người dân đã gửi gắm tâm tư, mong muốn Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các cơ quan liên quan nhanh chóng làm rõ, bảo vệ quyền lợi của họ. Trong đó, có những vụ việc có căn cứ, bà con đã trình báo từ rất lâu nhưng chưa có kết quả.
Bà Nguyễn Thị Xuông (xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) nghẹn ngào trình bày, sau khi bị mất trộm, gia đình bà lâm cảnh khó khăn. Hàng trăm triệu đồng thiếu ngân hàng chưa trả được. Bản thân bà hằng đêm phải đi làm lao công, kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Đáng nói, ngay sau khi có người trong nhóm trộm tôm cung cấp thông tin và đồng ý đứng ra làm chứng, gia đình bà đã trình báo đến cơ quan chức năng.
Nhưng sau gần 5 tháng, gia đình vẫn chưa biết kết quả vụ việc như thế nào? Ông Hồ Văn Lực chồng bà Xuông nêu rõ: "Nhận được tin báo bị lấy trộm tôm 81 giỏ. Tôi đi lên trên đó gặp người cho báo tin, rồi về trình báo công an xã, lập biên bản. Lên công an huyện trình báo vậy thì cũng ghi nhận lại. Công an xã, huyện liên hệ với người làm chứng thì cũng được cung cấp lấy làm sao, bao nhiêu giỏ, lấy như thế nào. Có ghi vào biên bản đàng hoàng".
Trong buổi tiếp công dân, ông Lê Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau bày tỏ sự đồng cảm trước mất mát của bà con. Ông Quân chỉ đạo Công an tỉnh Cà Mau và chính quyền các địa phương quan tâm làm rõ. Ngược lại, bà con cũng cần thấu hiểu khó khăn của cơ quan hành pháp: "Tôi chia sẻ với bà con, mất của thì ai cũng rất là tiếc. Nhưng mong bà con cũng hiểu cho các cơ quan hành pháp là làm sao phải đủ chứng cứ, chứng minh được tội phạm. Còn về phía chính quyền, chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng công an và chính quyền địa phương quyết liệt vào cuộc giải quyết vấn đề, đẩy lùi tệ nạn này. Bà con cũng cần chia sẻ kinh nghiệm với nhau để tránh bị qua mặt, phòng chống tệ nạn tốt hơn".
Toàn tỉnh Cà Mau có 280.000 ha đất nuôi tôm, chiếm hơn 1/3 diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước và đứng đầu về sản lượng tôm nuôi. Thủy sản, trong đó chủ lực là con tôm chính là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau. Từ đó, nạn mất trộm tôm rất được quan tâm. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm những sai phạm để răn đe và cũng là để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, giúp người nuôi tôm yên tâm sản xuất./.
Theo Trần Hiếu (VOV.vn)
https://vov.vn/xa-hoi/lat-tay-chieu-dan-canh-trom-hang-tan-tom-tri-gia-ca-tram-trieu-dong-785395.vov