Gần đây, liên tục hình ảnh ô tô đánh võng, lạng lách xuất hiện trên mạng xã hội gây bức. Cộng đồng mạng cho rằng thực tế điều này gây nguy hiểm cao độ cho các phương tiện.
Liên tục khởi tố
Mới đây, Công an tỉnh Long An cho biết Công an TP Tân An đang điều tra, củng cố hồ sơ để làm cơ sở khởi tố vụ hai ô tô tải chèn ép, rượt đuổi trên cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Theo công an, ngày 17-10, mạng xã hội xuất hiện clip hình ảnh xe container mang biển số TP HCM lạng lách, chèn ép không cho xe tải mang biển số tỉnh Bắc Giang vượt qua. Clip cũng cho thấy xe tải lạng lách định vượt qua xe container đoạn đường rất dài với tốc độ rất nhanh.
Hai xe đã lạng lách, rượt đuổi, chèn ép nhau trên đoạn đường hơn 200m từ làn khẩn cấp ra hai làn xe còn lại, các xe phía sau không thể vượt qua.
Ở tỉnh Vĩnh Phúc, đầu tháng 11, Công an huyện Bình Xuyên đã khởi tố, tạm giam Đồng Khắc Mạnh Cường (37 tuổi, ngụ TP Hà Nội) để điều tra về tội "Gây rối trật tự công cộng". Theo cơ quan chức năng, khoảng 12 giờ ngày 19-10, trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cường đã lái ô tô khách tạt đầu và ép xe tải vào làn dừng khẩn cấp.
Công an quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng) cũng vừa khởi tố Đường Văn Thiệp (34 tuổi, ngụ TP Hải Phòng) tội "Gây rối trật tự công cộng". Trước đó, Thiệp chạy ô tô mang biển số tỉnh Nam Định đánh võng, chèn ép ô tô cũng mang biển số tỉnh Nam Định trên đường Nguyễn Hữu Cầu.
Phân định trách nhiệm
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng luật sư Hà Hải và Cộng sự, đánh giá tình trạng ô tô, container đánh võng, lạng lách trên đường, đặc biệt là đường cao tốc rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho xã hội.
Hành vi này cũng có nguy cơ gây rủi ro, xâm phạm đến tài sản, sức khỏe và tính mạng của người tham gia giao thông khác. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, hậu quả gây ra khó có thể khắc phục được.
Các hành vi đánh võng, lạng lách trên đường, đặc biệt là những đường cao tốc của ô tô có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và dân sự theo quy định pháp luật.
Cụ thể về xử phạt hành chính thì khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi lạng lách, đánh võng có thể bị phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng, tái phạm thì từ 3 tháng đến 5 tháng.
Về hình sự thì quy định hành vi ô tô tải, container lạng lách, đánh võng trên đường cao tốc là hành vi gây rối, ảnh hưởng đến trật tự công cộng khi tham gia giao thông đường bộ, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. Theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì những hành vi trên là "Gây rối trật tự công cộng".
Trong trường hợp ô tô tải và container có hành vi đánh võng, lạng lách trên đường như trên mà gây thiệt hại thì còn bị xử lý theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ .
Theo đó sẽ bị phạt tiền từ 5 đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Đặc biệt, việc gây rối trật tự công cộng mà gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng như hậu quả mà việc lạng lách, đánh võng của ô tô tải, container trên đường cao tốc mang lại thì có thể bị xem xét hình phạt tù lên đến 7 năm.
Luật sư Đào Thị Bích Liên đề xuất cơ quan có thẩm quyền có thể cân nhắc tăng cường việc giám sát các tuyến đường có khả năng vi phạm, lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các tuyến đường trọng điểm để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Việc xử lý triệt để các hành vi vi phạm sẽ góp phần răn đe các hành vi này không tái phạm.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa các vấn nạn này xảy ra, cần thiết phải nâng cao ý thức, chấp hành luật lệ an toàn giao thông của người tham gia giao thông là hoạt động cần được ưu tiên chú trọng, là giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm.
Theo Anh Vũ (Nld.com.vn)