Tháng 5/2010, trinh sát Lường Tiến Quân được lãnh đạo Phòng 5 (nay là Phòng 4) Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) phía Nam giao xác minh một lá đơn trình báo từ người em của bà Trần Thị Nga sinh sống tại TP.HCM bị mất tích.
Lá đơn được gửi từ Hải Phòng, nơi người em của bà Nga sinh sống. Ngoài lá đơn trình báo không hề có bất kỳ tài liệu, thông tin nào kèm theo.
Lá đơn trình báo từ đất cảng
Nhận nhiệm vụ, trinh sát Lường Tiến Quân lên ngay kế hoạch xác minh. Trong quá trình nắm các mối quan hệ của bà Nga, trinh sát tiếp nhận thông tin trước khi bị mất tích, chồng bà Nga nhận được một tin nhắn từ một sòng bạc tại Campuchia với nội dung: “Em đi sang Campuchia ít ngày có công chuyện”.
Mất khoảng năm ngày xác minh, anh Quân có báo cáo ban đầu các mối quan hệ của bà Nga trước, trong và sau khi bà mất tích. Trong đó anh đặc biệt lưu ý đến người em chồng của bà Nga là Châu Kim Huynh (sinh năm 1972, là Việt kiều Mỹ bị trục xuất về Việt Nam).
Người này cho vay nặng lãi ở khu vực quận Tân Phú, Tân Bình. Đặc biệt, trước khi bà Nga mất tích, Huynh có mượn của bà Nga 1,5 tỷ đồng. Anh nhận định có khả năng bà Nga bị sát hại chứ không phải mất tích thông thường.
Lãnh đạo Cục CSHS đã phê chuẩn kế hoạch đấu tranh để làm rõ việc mất tích của bà Nga.
Trên cơ sở phê duyệt của lãnh đạo Cục, anh Quân cùng các trinh sát phối hợp với Đội CSHS quận Tân Phú đeo bám Huynh và tiếp tục xác minh các mối quan hệ trước đó của Huynh. Cục CSHS cũng phát công văn đến các địa phương truy tìm tung tích bà Nga. “Nếu bà Nga bị giết thì cũng phải tìm thấy xác…” - trinh sát Quân kể.
Hơn 20 ngày sau, Công an tỉnh Đồng Tháp báo cáo phát hiện một tử thi trong bao bố trôi trên sông ở huyện Lấp Vò, Cục Hình sự chỉ đạo xác minh nhân thân người này. Từ kết quả khám nghiệm tử thi, tổ công tác của Cục CSHS xác định nạn nhân là bà Nga đã bị sát hại trước khi bị bỏ xuống sông.
Lập tức Huynh được mời về trụ sở Cục CSHS. Tại đây, trinh sát Lường Tiến Quân trực tiếp lấy lời khai nhưng Huynh chối bay, cho rằng mình không liên quan đến cái chết của nạn nhân.
Trinh sát Quân đã chất vấn về nội dung cuộc điện thoại mà Huynh gọi cho bà Nga vào sáng 7/5/2010, Huynh khai là “gọi cho bà Nga ra quán uống cà phê”. Anh tiếp tục đưa ảnh của Trần Văn Trung (ngụ quận Tân Bình) và Phan Minh Thành (ngụ quận Tân Phú) cho Huynh xem mặt. “Nhìn thấy ảnh của Trung và Thành, Huynh tái mặt và khai nhận toàn bộ hành vi giết bà Nga” - anh Quân kể.
Lập kế hoạch đánh lạc hướng điều tra
Ngay sau đó, Trung và Thành bị bắt giữ. Khi “vô tình” nhìn thấy Huynh ở trụ sở công an, cả hai đã khai nhận hành vi cùng Huynh giết bà Nga để xù nợ.
Trung và Thành khai nhận trước đó, họ vay của Huynh 850 triệu đồng, lãi suất 8%/tháng để cho người khác vay lại với lãi suất 15%/tháng. Được một thời gian, các con nợ bỏ trốn đúng lúc Huynh đòi lại tiền. Quá bí, lại sợ đàn anh nên khi nghe Huynh bàn kế hoạch sát hại bà Nga để xóa hết nợ nần, cả hai đồng ý.
Theo kế hoạch, Huynh sẽ rủ bà Nga sang Campuchia đánh bạc. Trên đường đi sẽ ra tay, mang xác phi tang. Sau đó sang Campuchia nhắn tin về cho chồng bà Nga để đánh lạc hướng điều tra của công an. Huynh cho rằng công an sẽ không nghi ngờ vì thời điểm này các casino ở Campuchia liên tục bắt giữ người để chuộc mạng.
Thực hiện kế hoạch này, sáng 7/5, Huynh gọi điện thoại rủ nạn nhân đi casino. Thành thuê ôtô 15 chỗ chở Trung đến đón Huynh và bà Nga ở một quán cà phê khu cư xá Bắc Hải.
Lên xe, bà Nga ngồi băng giữa. Khi xe đến địa bàn huyện Củ Chi, Huynh ra ám hiệu, Trung ngồi phía sau dùng dây chuẩn bị sẵn siết cổ bà Nga, Huynh trợ giúp…
Huynh lục túi lấy vàng, tiền, điện thoại của bà Nga và xuống xe giữa đường, về quán cà phê lấy xe máy của nạn nhân mang gửi đi rồi về nhà sinh hoạt như không có chuyện gì.
Trung và Thanh đi mua bao bố, đá hộc chở xác bà Nga đi lòng vòng qua nhiều tỉnh thành, đến nửa đêm mang vứt xuống sông ở Đồng Tháp.
Sau khi trả xe, hai người này sang Campuchia mua sim điện thoại nhắn tin cho chồng bà Nga…
“Kế hoạch của Huynh rất hoàn hảo, cố tình để lại các dấu vết để đánh lạc hướng điều tra. Đó là chưa kể thời điểm gây án có rất nhiều người xuất cảnh trái phép sang Campuchia đánh bạc, bị các casino bắt giữ. Nếu chỉ tập trung vào các dấu vết giả mà nhóm người này để lại và suy nghĩ thông thường, vụ án sẽ không được khám phá ra…” - trinh sát Quân chia sẻ.
Tám năm - trinh sát Lường Tiến Quân, giờ đã là phó Phòng 4 Cục CSHS thường trực phía Nam nhưng anh Quân và đồng đội không quên được tình tiết khi phá vụ án mờ này.
Xử phúc thẩm vụ án vào tháng 10/2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã y án tử hình với Châu Kim Huynh và Trần Văn Trung; y án tù chung thân với Phan Văn Thành về tội Giết người, Cướp tài sản.
Tòa cũng phạt ba người khác 18 tháng tù về Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Theo Hoài Nam (Pháp Luật TPHCM)