Những thanh niên lao xuống lòng đường chặn xe vẫy khách có thể bị xử lý theo quy định phạt người đi bộ, thậm chí bị phạt tù.
|
Những thanh niên này sẵn sàng lao ra giữa đường để vít xe máy, chặn đầu ô tô để mời chào khách vào ăn uống (Ảnh cắt từ clip) |
|
Clip: “Trai vẫy” đại náo khắp Thủ đô |
Phạt từ 60.000đ – 80.000đ
Trong khi đó, đầu tháng 2 vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội đã ra quân tuyên truyền, xử phạt người đi bộ không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của tín hiệu đèn, biển báo, vạch kẻ đường, đi sai làn đường…
Sau gần một tháng thực hiện, phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 500 người đi bộ vi phạm luật giao thông.
Đa phần người dân đều đồng tình với việc xử lý nghiêm những trường hợp đi bộ gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt câu hỏi tại sao những “trai vẫy” đu bám vào phương tiện giao thông lại không bị lực lượng cảnh sát giao thông xử lý.
Tiếp nhận thông tin phố Hồ Đắc Di (phường Nam Đồng, Đống Đa) xuất hiện tình trạng trên, trung tá Lê Tú, Đội trưởng đội CSGT số 3, phòng CSGT công an Thành phố Hà Nội cho hay, lực lượng của đội chủ yếu hoạt động trên các trục đường giao thông chính. Còn tuyến phố nhỏ hơn thuộc địa bàn của công an phường quản lý.
Trung tá Tú cho biết: “Hiện nay chưa có quy định cụ thể để cảnh sát giao thông xử lý hành vi của những người tràn xuống lòng đường chèo kéo, mời gọi người đi đường vào quán ăn, nhà hàng. Nhưng hành động chặn đầu ô tô, vít tay lái xe máy rất nguy hiểm, có nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông. Vì vậy, cảnh sát giao thông có thể xử lý theo quy định xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ”.
Theo Đội trưởng đội CSGT số 3, hành vi đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy bị phạt tiền từ 60.000đ – 80.000đ.
“Ngoài thời gian làm nhiệm vụ, trở về nhà, chúng tôi cũng tham gia giao thông như mọi người. Ngang qua những tuyến phố có thanh niên vẫy khách, tôi thấy thực sự phản cảm. Chủ động đi ăn thì đỡ hơn, lúc đang vội thì vô cùng khó chịu”, ông Tú chia sẻ.
Trung tá Lê Tú cho hay, trên những tuyến phố chính mà các chiến sĩ Đội CSGT số 3 làm nhiệm vụ không phát hiện hiện tượng nam thanh niên tràn xuống lòng đường vẫy khách.
“Trường hợp phố Hồ Đắc Di, chúng tôi có sẽ ý kiến với công an quận, phường để phối hợp xử lý”, Trung tá Tú nói.
Những tuyến phố có "trai vẫy" ở Thủ đô (Đồ họa: Trung Đức)
“Trai vẫy” có thể bị phạt tù
Đồng tình với việc cảnh sát giao thông có thể xử phạt “trai vẫy” nhưng luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh) lại cho rằng áp dụng quy định phạt như vậy “chưa sát” và không triệt để.
“Hình ảnh các nam thanh niên dàn hàng chặn xe vẫy khách gây mất mỹ quan đô thị, gây phiền hà, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến sự an toàn của người tham gia giao thông qua khu vực này. Cơ quan chức năng phải xác định đúng đối tượng để xử phạt, đó là chủ nhà hàng, quán ăn. Phải áp dụng khung hình phạt cao nhất mới ngăn được tình trạng này tái diễn”, luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Trần Tuấn Anh cho hay, với hành vi thực hiện các hoạt động, dịch vụ trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông, mức phạt tối đa với cá nhân là 3 triệu đồng và 6 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm theo Nghị định 173 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
“Trong trường hợp việc chèo kéo, chặn đầu phương tiện của người đi đường gây hậu quả nghiêm trọng và đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì những người thực hiện hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 203 Bộ luật hình sự năm 1999 và mức hình phạt cao nhất đối với tội này lên tới 10 năm tù”, luật sư Tuấn Anh cho hay.
Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tội cản trở giao thông: 1. Người nào có một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm: a) Đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ; b) Đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ; c) Tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ; d) Mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có giải phân cách; đ) Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; e ) Lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ; g) Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ; h) Hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. 4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. |