Lâm tặc liều lĩnh và manh động tấn công rừng bảo tồn Ea Sô

09/09/2021 07:08:40

Rừng tại Khu bảo tồn Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, giáp ranh với các tỉnh Gia Lai và Phú Yên đang bị xâm hại đến báo động.

Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp, hàng chục lâm tặc từ hướng tỉnh Gia Lai ồ ạt tấn công vào rừng Ea Sô mỗi ngày. Những người này vừa khai thác, săn bắn, tận diệt gỗ quý và thú rừng. Đối tượng liều lĩnh, manh động, đi với số lượng lớn, trang bị cả vũ khí, luôn sẵn sàng chống trả, thậm chí tổ chức lực lượng giải cứu đồng bọn, cướp lại tang vật. Những cánh rừng già là nơi cư trú của những con bò tót hiếm hoi còn lại ở Tây Nguyên đang đe dọa nghiêm trọng.

Một ngày cuối tháng 8, nhận được thông tin lâm tặc ồ ạt kéo vào rừng bảo tồn Ea Sô, thuộc tiểu khu 616, khu vực giáp ranh với tỉnh Gia Lai, lãnh đạo Khu bảo tồn Ea Sô lập tức vượt 90km từ cơ quan vào Lán 616, một chốt tạm dựng nhờ trên đất xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai để ứng trực. Khoảng 18h, thông tin báo về chốt lâm tặc đang ra khỏi rừng. Bỏ dở bữa cơm chiều, trong cơn mưa rừng nặng hạt, 5 cán bộ luôn trong tư thế sẵn sàng đã tức tốc lên đường.

Lâm tặc liều lĩnh và manh động tấn công rừng bảo tồn Ea Sô
Lâm tặc ồ ạt kéo vào rừng Ea Sô.

Bất chấp hiểm nguy, những chiếc xe máy lao nhanh trên con đường mòn trơn trượt. Mục tiêu là quyết tâm phải bắt bằng được những kẻ phá rừng. Khi đoàn cán bộ vừa đến cửa rừng cũng là lúc chạm trán lâm tặc. Lúc này, hơn chục lâm tặc vội vã bỏ lại xe độ chế và tang vật, bỏ chạy thục mạng vào rừng. Các cán bộ đã bắt được 1 đối tượng, số còn lại đã trốn thoát.

Ngay sau khi bắt được đối tượng cùng tang vật là 6 xe độ chế, 2 cưa máy, 1 khẩu súng độ chế và hơn 1 tạ gỗ trắc quý hiếm, lãnh đạo Khu bảo tồn Ea Sô đã gọi điện cho Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đề nghị hỗ trợ, xử lý. Khoảng 3 giờ sau, tức khoảng 21h, đoàn công tác Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa ở cách hiện trường gần 50km mới đến nơi, tiếp nhận đối tượng cũng như đưa tang vật về huyện Krông Pa để xử lý.

Những tưởng lâm tặc sẽ lo sợ, e dè sau cuộc đột kích bất ngờ của Khu bảo tồn Ea Sô, thì ngay ngày hôm sau, chốt bảo vệ rừng 616 lại phát hiện một toán lâm tặc khác chở rất nhiều gỗ quý từ rừng bảo tồn đi về tỉnh Gia Lai. Phát hiện cán bộ bảo tồn, toán người với hơn chục xe độ chế, khoảng 15 đối tượng đã tăng tốc, bỏ chạy. Sau chừng 10 phút rượt đuổi, cán bộ bảo tồn đã bắt được 1 đối tượng chở theo tang vật là những khúc gỗ cẩm lai quý hiếm. Nhưng lúc này, đã sang đến địa phận tỉnh Gia Lai, không còn thuộc phạm vi của Khu bảo tồn.

Đối tượng bị bắt không hợp tác, chống đối và gọi điện cho đồng bọn đến giải cứu. Chỉ chưa đầy 30 phút, hàng chục người tay lăm lăm dao, hung khí, kéo đến. Yếu thế trước lâm tặc đông đảo và hung hãn, lực lượng khu bảo tồn đành phải để chúng rời đi.

Anh Trần Văn Khánh, nhân viên Trạm Kiểm lâm số 2, Khu bảo tồn Ea Sô, được tăng cường vào chốt bảo vệ rừng 616, giáp ranh tỉnh Gia Lai cho biết, đã có nhiều vụ việc tương tự, lâm tặc tổ chức lực lượng giải cứu đồng bọn và cướp lại tang vật. Anh em đành bảo tồn bất lực vì các cuộc đối đầu này không cân sức, với 3 - 5 cán bộ bảo tồn thì không thể làm gì hàng chục lâm tặc hung hãn.

“Chức trách, nhiệm vụ của bảo tồn thì chỉ được ở trong rừng của mình thôi, quyền hạn còn hạn chế, nên khó khăn khi bắt lâm tặc. Nhất là lâm tặc bảo là lực lượng khu bảo tồn không được bắt trên địa bàn Gia Lai nên khó lắm! Họ còn manh động, chống trả quyết liệt để cướp lại gỗ và xe” - anh Khánh nói.

Lâm tặc liều lĩnh và manh động tấn công rừng bảo tồn Ea Sô - 1
Tang vật là xe độ chế chở gỗ trắc quý hiếm.

Ông Bàn Tiên Thái, Trạm phó Trạm kiểm lâm số 3, Khu bảo tồn Ea Sô, được tăng cường vào chốt bảo vệ rừng 616, cũng cho biết, lâm tặc ở vùng giáp ranh, đặc biệt là thuộc tỉnh Gia Lai, ngày càng liều lĩnh và manh động. Đã có nhiều lần chúng hành hung, thậm chí có ý định tước đi mạng sống của cán bộ khu bảo tồn, hòng làm anh em bảo vệ rừng bảo tồn lo sợ, nhụt chí.

“Ở khu bảo tồn đây là có 2 trường hợp bị bắn, 3 trường hợp bị đâm. Như trường hợp đồng chí Cao, ban ngày đi bắt lâm tặc xẻ gỗ, thế là đến buổi tối nó đến bắn ngay ở trạm. Thứ hai là đồng chí Hoàng, đêm hôm đi bắt lâm tặc trong rừng, thế là bị đâm thủng phổi. Còn anh Tùng, cũng lên đây làm nhiệm vụ ở đây, bắt gỗ ở chỗ ngã ba hôm qua các anh đi đấy, đêm hôm chúng nó kéo cả gần trăm người đến đánh phải đi cấp cứu” - ông Bàn Tiên Thái dẫn chứng.

Đồng hành cùng cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng trong những trận chiến cam go với lâm tặc gần đây, ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Khu bảo tồn Ea Sô cho biết, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, lâm tặc ồ ạt kéo vào lâm phần của đơn vị. Chúng đang tàn sát những gì quý giá của rừng già Ea Sô như gỗ trắc, gỗ cẩm, gỗ hương và cả các loài thú rừng. Điều này là rất đáng lo khi công tác bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học của Khu bảo tồn đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu lực lượng, trang thiết bị và thiếu đầu tư.

Khu bảo tồn có gần 27.000 ha rừng, trong đó có gần 6.000 ha tiếp giáp với hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên. Các tuyến đường mòn tuần tra nội bộ với khoảng 37km đã được phê duyệt chủ trương rất lâu nhưng chưa được đầu tư. Hiện nay việc bảo vệ rừng giáp ranh phải đi đường vòng, qua hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên.

Bắt được lâm tặc ở những vùng giáp ranh thì hầu như không thể đưa về đất Đắk Lắk để xử lý, vì quãng đường quá xa và phải đi qua địa bàn của lâm tặc, rất nguy hiểm nhân viên bảo vệ rừng trong các cuộc đối đầu không cân sức.

Theo ông Lê Minh Tiến, có hai vấn đề mấu chốt cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Đắk Lắk cũng như hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên: “Rất mong là các ngành chức năng tỉnh bạn tăng cường việc tuần tra, cũng như chốt chặn để các đối tượng không thể xâm nhập vào. Nếu xâm nhập lén lút thì cũng không thể đưa tang vật ra được. Thứ hai, cấp bách là cần đầu tư xây dựng, cải tạo lại tuyến đường nối từ Trạm Kiểm lâm số 5 đến Trạm kiểm lâm số 9 để chúng tôi di dời lán trại bên đất Gia Lai về, cơ bản sẽ có tính cơ động và khi phát hiện các đối tượng xâm nhập thì đưa thẳng về Khu bảo tồn thì tính răn đe cũng như xử lý đến cùng. Chứ bây giờ đóng lán bên Gia Lai, khi mà phát hiện các đối tượng, chúng tôi đưa các đối tượng qua buôn làng của các đối tượng này thì rất khó”.

Lợi dụng những khó khăn của lực lượng bảo vệ rừng khi thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị và thiếu sự phối hợp liên tỉnh, các đối tượng lâm tặc ở vùng giáp ranh thuộc tỉnh Gia Lai và Phú Yên đang ồ ạt tấn công rừng bảo tồn Ea Sô, tận diệt gỗ quý, thú rừng.

Tài nguyên rừng, đa dạng sinh học của những cánh rừng già đặc trưng cho kiểu rừng chuyển tiếp cao nguyên và duyên hải, nơi cư trú của những con bò tót hiếm hoi còn lại ở Tây Nguyên đang bị đe dọa nghiêm trọng. Điều này cần thiết phải có sự vào cuộc của cả 3 tỉnh là Đắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên để bảo về rừng bảo tồn Ea Sô./.

Theo Công Bắc (Vov.vn)