Bi kịch từ mối tình tuổi teen
Mới đây, vụ án “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” đã được đưa ra xét xử phúc thẩm tại trụ sở TAND tỉnh Quảng Trị do có kháng cáo của bị cáo Phạm Xuân Kinh Kha (SN 1996, trú tai: xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Do không được học hành tới nơi tới chốn, trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế mà nhiều cô, cậu thanh niên, trong đó có Kinh Kha đã vướng vào vòng lao lý.
Theo nội dung của bản án sơ thẩm, Kha và P.T.H (SN 2004, ở Hải Lăng, Quảng Trị) có quan hệ yêu đương. Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 17/02/2019, cặp đôi chở nhau bằng xe máy đến một nhà nghỉ ở huyện Hải Lăng để nghỉ qua đêm. Tại đây, hai người đã nhiều lần làm chuyện người lớn, đến 9h sáng hôm sau Kha chở người yêu về.
Với hành vi này, Phạm Xuân Kinh Kha bị TAND huyện Hải Lăng áp dụng điểm a khoản 2 Điều 145, xử phạt 03 năm tù giam về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.
Cho rằng mức án tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt còn quá nặng, bị cáo Kha nhanh chóng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt xuống từ 01 đến 02 năm tù giam.
Được trình bày về tội trạng của mình, bị cáo chỉ lí nhí: Do bị cáo và H. yêu thương nhau thật lòng, bị cáo hứa hẹn sẽ cưới H. làm vợ sau khi H. học xong. Việc hai người quan hệ tình dục với nhau cũng đã được H. đồng ý.
Chính vì sự thiếu hiểu biết về pháp luật mà đôi bạn trẻ đã không lường trước được hậu quả khôn lường khi làm chuyện người lớn mà chưa đủ tuổi.
Không có căn cứ chấp nhận kháng cáo
Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị đề nghị HĐXX phúc thẩm áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 BLTTHS không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Phạm Xuân Kinh Kha, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau: Thời điểm đầu tiên Kha giao cấu với cháu H. khi H. mới 14 tuổi 04 tháng. Hành vi nêu trên của bị cáo Phạm Xuân Kinh Kha đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” với tình tiết định khung tăng nặng “Phạm tội hai lần trở lên” được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 145 BLHS 2015 như Bản án sơ thẩm quyết định là có căn cứ, đúng pháp luật.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Kha như: thành khẩn khai báo; bị hại và người đại diện của bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt; bị cáo bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bị hại.
“Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá tính chất hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo, xử phạt bị cáo Kha 03 năm tù giam là phù hợp, tương xứng với tính chất mức độ và hành vi phạm tội của bị cáo. Hình phạt 03 năm là mức thấp nhất, khởi điểm của khung hình phạt theo khoản 2 Điều 145 BLHS. Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo không cung cấp thêm các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình nên cấp phúc thẩm không có cơ sở để xem xét yêu cầu xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo”, HĐXX phúc thẩm nhận định.
Vì các lẽ trên, TAND tỉnh Quảng Trị quyết định: Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Xuân Kinh Kha và giữ nguyên bản án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Phạm Xuân Kinh Kha 03 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố.
Theo T.V (Nguoiduatin.vn)