Ngày 18/10, Công an quận 12, TP HCM đang xác minh làm rõ vụ việc ô tô tông hai nam thanh nghi trộm chó trên địa bàn. Theo camera người dân ghi lại, gần 7h hai thanh niên chở bao tải dừng trong hẻm 149 đường Tân Thới Nhất 17, phường Tân Thới Nhất. Khi xe dừng, người ngồi phía sau ném một con chó đang thoi thóp xuống đường rồi dùng chân đạp mạnh.
Lúc này ô tô do người đàn ông cầm lái từ sau lao tới tông vào đuôi xe máy. Hai thanh niên bị ngã, tìm đường tháo chạy. Tại hiện trường, một xe máy bị bỏ lại cùng bao tải chứa gần chục con chó, gậy chích điện. Ôtô bị hư hỏng phần đầu, xe máy vỡ nát sau hai cú đâm va.
Ông Nguyễn Hải Lâm, Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất cho hay, theo điều tra ban đầu, hai người đi xe máy trộm chó tại nhiều căn hộ ở khu vực. Người lái ô tô sống ở gần đó đã phát hiện và theo dõi từ trước. Đến chiều cùng ngày, Công an quận 12 bắt được một trong hai thanh niên, thông tin trên Tri thức & Cuộc sống.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Dân Việt, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, trong trường hợp phát hiện ra hai đối tượng trộm cấp chó, bất kỳ ai cũng có quyền bắt giữ, đây là sự việc thuộc trường hợp bắt người phạm tội quả tang.
Trong tình huống này, người bắt trộm được phép gây ra thương tích cho đối tượng trong một mức độ nhất định nhằm bắt giữ đối tượng. Việc gây ra thương tích không phải là hành vi cố ý, mục đích là để bắt giữ đối tượng gây án.
Gây thương tích trong quá trình bắt giữ tội phạm là một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Như vậy, pháp luật cho phép mọi công dân đều có quyền sử dụng vũ lực để bắt giữ tội phạm khi không còn cách nào khác, hành vi sử dụng vũ lực này có thể gây ra thiệt hại đến sức khỏe cho người phạm tội.
Tuy nhiên, theo ông Cường, cần lưu ý là việc sử dụng vũ lực này phải là giải pháp cuối cùng với mục đích để bắt giữ đối tượng phạm tội quả tang chứ không nhằm mục đích gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người phạm tội.
Nếu người nào bắt giữ người phạm tội quả tang mà cố ý gây thương tích, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người phạm tội, đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Cũng cần lưu ý là hành vi sử dụng vũ lực để bắt giữ tội phạm chỉ được thực hiện trong trường hợp phạm tội quả tang. Với những trường hợp chưa có căn cứ rõ ràng đó là người phạm tội hoặc là người đang bị truy nã thì không được phép sử dụng vũ lực một cách tùy tiện để gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
Ngoài ra, khi đã bắt giữ được đối tượng phạm tội, phải bàn giao ngay cho cơ quan chức năng, không được đánh đập, gây thương tích, sát hại người phạm tội quả tang khi họ không còn chống trả, không bỏ chạy nữa.
Vị chuyên gia cho rằng, trong vụ việc nêu trên, người lái xe ô tô đã chủ động đâm xe vào hai thanh niên đi xe máy chở theo bao chó.
Mặc dù người lái xe ô tô đã phanh lại để tránh hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên cú va chạm nhẹ đó cũng khiến hai thanh niên ngã ra đường nhưng không gây ra thương tích gì. Đồng thời hai đối tượng này đã bỏ chạy, để lại tang vật và chiếc xe máy.
Đây là những vật chứng quan trọng để cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ đối tượng gây án nhằm xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong vụ va chạm này nếu hai đối tượng bị thương tích cũng không đáng kể và người lái xe ô tô sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý bởi thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự theo Điều 24 Bộ luật hình sự.
"Xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, nếu đâm vào xe máy mà không phanh kịp, không làm chủ tốc độ, không kiểm soát được tình thế, rất dễ gây ra án mạng. Trong khi đó còn có rất nhiều cách khác để khống chế bắt giữ đối tượng.
Bởi vậy, trong trường hợp này, người lái xe ô tô có thể không bị xử lý nhưng nếu người khác làm theo, học theo, rất có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vì thế, biện pháp này không nên khuyến khích" – ông Cường nêu quan điểm.
PN (SHTT)