Quá trình điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu”, ngày 31/3/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an nhận được đơn tố cáo đề ngày 15/3/2022 của ông Quách Văn M., quốc tịch Việt Nam, cư trú tại Malaysia.
Trong đơn, ông M. tố giác các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia thu tiền trái quy định của những người là công dân Việt Nam đã chấp hành xong án phạt tù, đang ở trong các “trại chờ” của Malaysia, trong quá trình tổ chức các chuyến bay đưa họ về nước trong đại dịch Covid-19.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 5/2020-1/2022, ĐSQVN tại Malaysia đã tổ chức 21 “chuyến bay giải cứu”, đưa công dân Việt Nam từ Malaysia về nước. Trong đó, có 8 “chuyến bay giải cứu” đưa 1.891 người đã chấp hành xong án phạt tù ở 19 “trại chờ” tại Malaysia về nước, cách ly tại các cơ sở tập trung của quân đội.
Tổ chức 8 chuyến bay trên, bị can Trần Việt Thái, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia đã chỉ đạo các cán bộ đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia thu, chi, sử dụng tiền của công dân trái quy định của pháp luật, gây hậu quả thiệt hại 11,6 tỷ đồng, hưởng lợi cá nhân 580 triệu đồng.
CQĐT làm rõ, ông Thái đã chỉ đạo thu của mỗi người mãn hạn tù từ 20-35 triệu đồng để được về nước trong đại dịch Covid- 19.
Tổng số tiền đã thu được của người thân hoặc chủ lao động của những người mãn hạn tù được xác định là hơn 44 tỷ đồng. Các bị can khai đã dùng 33 tỷ đồng để chi phí cho việc tổ chức 8 chuyến bay.
Sau khi trừ đi các chi phí tổ chức chuyến bay, số tiền còn lại là 11,6 tỷ đồng. Lúc này ông Thái chỉ đạo dùng hơn 1,1 tỷ đồng để chi phí hỏa táng cho những người mãn hạn tù bị chết vì Covid- 19 (số tiền này không được chấp nhận do việc hỏa táng diễn ra trước khi thực hiện các "chuyến bay giải cứu"), dùng hơn 5,4 tỷ đồng chi cho các bị can và các cán bộ, nhân viên ĐSQ.
Riêng ông Thái được hưởng 580 triệu đồng. Số tiền còn lại, cựu Đại sứ giao cho thủ quỹ tại ĐSQ.
Công dân có đòi được tiền chi cho "chuyến bay giải cứu”?
Rõ ràng, trong các “chuyến bay giải cứu”, hàng trăm ngàn người đã phải trả các chi phí rất cao. Với 146 trang kết luận điều tra, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố đối 54 bị can, nội dung kết luận điều tra không xác định các công dân về nước trên các chuyến bay là người bị hại.
Kết luận điều tra cũng không thể hiện số tiền người dân "bị mất" khi về nước trên những chuyến bay hồi hương trong đại dịch, chỉ xác định 21 bị can nhận hối lộ hơn 170 tỷ đồng.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, người dân trên các chuyến bay trong vụ án này không được xác nhận là bị hại, bởi các cá nhân tự thỏa thuận giá trên các chuyến bay với nhau, không có quy định cụ thể về việc áp giá chuyến bay, hoặc yêu cầu không được tăng giá vé.
Theo luật sư, trường hợp các công dân phải nộp các số tiền trái với quy định của nhà nước; hoặc các tổ chức cá nhân đã gian dối trong việc thu tiền; hoặc có những hành vi khác khiến cho giao dịch đó bị vô hiệu (như bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép...) thì có thể khởi kiện thành vụ án dân sự riêng để đòi tiền các doanh nghiệp đã thu tiền của công dân Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh.
Còn đối với các trường hợp giao dịch là hợp pháp, tự nguyện, việc nộp tiền là công khai, ngay tình, tổ chức thu tiền có chức năng nhiệm vụ được pháp luật cho phép, giá cả theo thỏa thuận thì đây là quan hệ dân sự kinh tế hợp pháp, chưa có cơ sở pháp lý để công dân có thể yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp này phải trả tiền.
Theo T.Nhung (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/chuyen-bay-giai-cuu-dua-cuu-tu-nhan-ve-nuoc-va-la-thu-to-sai-pham-2129414.html