Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải: Nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai của gia đình 2 nữ nhân viên 'Bưu cục Cầu Voi'

04/12/2019 11:30:13

12 năm, vụ án "Bưu cục Cầu Voi" của tử tù Hồ Duy Hải được kháng nghị giám đốc thẩm. 12 năm, là hành trình kêu oan của người thân tử tù, là nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai của gia đình nạn nhân.

Ngày 5/12/2014, vụ án trên có thể đã khép lại khi tử tù Hồ Duy Hải bị thi hành án. Thế nhưng "phút 89",  Văn phòng Chủ tịch nước đã gửi công văn cho TAND Tối cao, VKSND Tối cao, yêu cầu tạm hoạn thi hành án, để xem xét lại vụ án nếu có dấu hiệu oan sai. Bởi trước giờ thi hành án, gia đình tử tù đã có đơn kêu oan. Và mới đây nhất, VKSND Tối cao vừa kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nơi tuyên Hồ Duy Hải án tử hình về tội "Giết người", "Cướp tài sản".

Từng ấy năm, cho rằng con bị oan, bà Nguyễn Thị Loan (SN 1965, mẹ của Hồ Duy Hải) đằng đẵng đi kêu oan, chạy đua với thời gian, giành giật sự sống mong manh cho Hải. Kinh tế kiệt quệ, thân mang bạo bệnh, thứ mà bà Loan còn duy nhất là niềm tin con bà vô tội. Nhưng ở phía bên kia, gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) vẫn mang nỗi đau tận cùng, chẳng biết đến bao giờ mới ngôi ngoai trong lòng họ. Đến giờ họ không còn biết là Hồ Duy Hải hay ai đã sát hại con họ.

Đứa con gái hiếu thảo

"Cha mẹ Vân, từ ngày con gái xảy chuyện, đã đóng cửa đi biền biệt. Nghe đâu, họ làm lúa ở mãi mạn Đồng Tháp Mười, cuối năm Tết đến cũng chẳng thấy về nhà. Hình như, vợ chồng ông ấy sợ đối mặt với hiện thực là con gái đã chết. Hai đứa nó cũng mất vào một chiều gần cuối năm. Còn cha mẹ cái Hồng thì vẫn ở đó, nhưng lam lũ, khắc khổ, cũng héo mòn vì nhớ thương con cái. Bà Sáu Mừng (mẹ nạn nhân Hồng) từng kể với tôi: "Em luôn nghĩ con bé nó đi đâu xa thôi"", bà Hoa, người hàng xóm của 2 nạn nhân cho biết, khi phóng viên tìm đến.

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải: Nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai của gia đình 2 nữ nhân viên 'Bưu cục Cầu Voi'
Số phận tử tù Hồ Duy Hải sẽ ra sao khi vụ án "Bưu cục Cầu Voi" được điều tra lại?

Trong ký ức người hàng xóm, gia đình Hồng và Vân vẫn nhớ như in buổi sáng đau thương ấy. Cái chết oan khuất, tức tưởi của hai cô gái khiến xóm nghèo phủ một mầu u ám. Trước thông tin vụ án có thể được điều tra lại, dư luận lại dậy sóng, giống như cái hồi Hải được hoãn thi hành án. 

"Hồng và Vân là hai chị em họ, nhà kế bên. Cả hai đứa hiền lành ngoan ngoãn, bị người ta giết thảm thương như vậy, ai mà không đau lòng", bà Hoa nói tiếp.

Đây cũng không phải là lần đầu chúng tôi tìm đến nhà bà Sáu Mừng. So với 5 năm trước, bà Sáu Mừng đã héo hon đi nhiều. Nước mắt ngắn dài bà kể: "Con cái đứt ruột đẻ ra, cha mẹ nào mà không đau xót. Đằng này, một đứa là con, một đứa là cháu. Kẻ ác nhân thì phải đến tội, chừng nào hung thủ chưa trả giá thì ngày ấy chúng tôi còn chưa được thanh thản. Người ta bảo thằng Hải bị oan, điều này tôi không quan tâm, hãy để cho cơ quan chức năng làm rõ. Còn tôi và gia đình chỉ oán hận kẻ nào đã gây ra cái chết cho con gái mình mà thôi".

Nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng là con đầu lòng, hiếu thảo của vợ chồng bà Sáu Mừng. Bên dưới Hồng có 3 đứa em, một đứa thì từ lúc sinh ra đã bị liệt nằm đến tận bây giờ. Ông Sáu Mười lại bị bệnh tim, một mình bà gánh vác cả gia đình. Khi Hồng lớn, biết lo nghĩ thì bà cũng đỡ vất vả hơn.

"Hồng là đứa chịu nhiều thiệt thòi. Lúc ấy, nếu không có con bé ấy thì tôi cũng chẳng biết sẽ như thế nào. Khi đã đỡ khổ hơn thì nó lại ra đi. Nếu như con gái tôi chết vì tai nạn giao thông ở ngoài đường thì đã chẳng đến nỗi như vậy. Đằng này… mà nó đâu có tội tình gì", người mẹ già nén tiếng thở dài.

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải: Nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai của gia đình 2 nữ nhân viên 'Bưu cục Cầu Voi' - 1
Nỗi đau mất con với gia đình nhà bà Sáu Mừng (mẹ nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng) chưa bao giờ nguôi ngoai

Dù Hồng không còn nữa, nhưng những ký ức đẹp về người con gái này vẫn vẹn nguyên trong lòng bà. Bà nhớ lại, gia cảnh nhà mình khó khăn nhưng cũng cho con cái ăn học đàng hoàng, ngoài người con bị liệt thì Hồng và hai em đều học rất giỏi. Bà nhớ nhất là năm Hồng học lớp 12, ông Sáu Mười bị bệnh nặng, nhưng không có tiền cho đi bệnh viện. Chồng bà nằm ở nhà, thở những hơi tàn, từng chừng như không qua khỏi. Bà thì ngược lên tận mạn Mộc Hóa, cách nhà hơn 100km làm mướn, Hồng thay mẹ chăm lo cho cha, và các em.

Đến mùa đăng ký thi đại học, Hồng xin mẹ tiền để mua bộ hồ sơ dự thi. Đâu chỉ có 15 nghìn gì đó, nhưng số tiền ấy cũng quá lớn với người mẹ. Bà Sáu Mừng ngập ngừng nói với Hồng: "Mẹ có thể mượn người ta tiền cho con mua bộ hồ sơ, nhưng mai mốt con thi đỗ, mẹ không có tiền nuôi con ăn học. Lúc ấy, con lại oán mẹ. Giá như em không đau, cha con không bệnh nặng thì mẹ chẳng ngại điều gì. Kể cả bán cái nhà này đi cho con ăn học"…. "Nói đến đấy Hồng cũng khóc theo, nó ôm lấy tôi thật chặt. Cả đời tôi luôn day dứt, hối hận vì đã không làm hết trách nhiệm với con bé", người mẹ tội nghiệp nói tiếp.

Sau hôm ấy, Hồng không còn nhắc đến chuyện thi đại học nữa. Nhưng bà Sáu Mừng biết, trong lòng con gái mình rất buồn. Hết lớp 12, Hồng đi làm công nhân gần nhà. Như có một phép mầu, ông Sáu Mừng bệnh tình cũng thuyên giảm. "Con gái đi làm công nhân vất vả nên vợ chồng tôi nhờ người quen trên huyện xin cho Hồng làm nhân viên của Bưu cục Cầu Voi. Nó với con Vân làm ở đó được hơn 1 năm thì xảy ra chuyện", bà nhớ lại những ngày đau thương.

Nỗi lòng người ở lại

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là tròn 12 năm vụ án Bưu cục Cầu Voi xảy ra. Đợt ấy, cũng gần Tết Nguyên đán. Bà Sáu Mười tâm sự rằng, từ ngày Hồng mất đến nay nhà bà cũng chẳng còn biết đến không khí Tết như thế nào nữa. Mỗi năm đến ngày này, lòng bà lại đau quặn, buồn thêm. Hình ảnh con gái hiếu thảo lại hiện về, khiến bà thêm nhức nhối. Và nhất là khi kẻ ác vẫn chưa phải đền tội.

 "Con bé còn trẻ, lại mất đột ngột, không ốm đau bệnh tật gì nên nhiều khi tôi cứ ngỡ là nó đi đâu đó xa thôi. Nhưng khi quay về thực tại là con gái mình đã chết, nước mắt tôi cứ thế trào ra. Trước đây, có chuyện gì nó cũng thủ thỉ tâm sự với tôi mà", bà hồi tưởng.

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải: Nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai của gia đình 2 nữ nhân viên 'Bưu cục Cầu Voi' - 2
Con gái chết oan khuất, hung thủ vẫn chưa trả giá, vợ chồng bà Sáu Mừng chẳng thiết tha gì

Theo lời kể của người mẹ bất hạnh này, từ Bưu cục Cầu Voi đến nhà bà khoảng cách không xa lắm. Nhưng cả Hồng và Vân đều ở lại luôn, thi thoảng mới về tham nhà một lúc rồi lại vội vã đi ngay. 

"Hồng chỉ là nhân viên hợp đồng, làm theo sản phẩm, hưởng phần trăm nên mỗi tháng lương nó đâu cũng được có hơn 1 triệu. Dẫu vậy, nó cũng tiết kiệm, dành dụm gửi về cho cha mẹ. Vợ chồng tôi, cũng chịu khó làm ăn, có ít vốn, dựng được căn nhà để ở. Nhưng nhà xây xong, chưa kịp tô tường thì tai họa ập đến. Vợ chồng tôi chán nản nên cũng chẳng tha thiết, cứ kệ ở như thế từ đó đến giờ", bà buồn bã cho biết.

Lần đó, Hồng đã 23 tuổi, bà Sáu Mừng cũng hối con gái chuyện tình duyên. Đôi lần, Hồng có đưa bạn trai về nhà. "Nhưng Hổng bảo dẫn về để cho chúng tôi yên tâm, còn con bé chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình, cho tới khi lo cho cha mẹ và các em được ổn định, đàng hoàng thì nó mới nghĩ đến chuyện riêng", bà nói.

Tiếc rằng, người con gái hiếu thảo của vợ chồng bà Sáu Mừng đã chẳng có cơ hội để thực hiện điều này. Buổi sáng nhận được tin dữ của con, bà khụyu ngã hồi lâu mới tỉnh. Còn ông Sáu Mừng khi ấy đang làm mướn ở bên huyện Cần Giuộc (Long An).

"Lúc tắm rửa để tẩm liệm cho Hồng, nhìn thân xác của con bé bị kẻ sát nhân giết hại dã man, cứ ám ảnh tôi từ đó đến giờ. Có lẽ, cho tới khi chết đi, tôi cũng không thể nào quên được. Mà đâu chỉ có con Hồng, cả cháu Vân cũng bị giết hại một cách tàn nhẫn", bà Sáu cho biết.

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải: Nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai của gia đình 2 nữ nhân viên 'Bưu cục Cầu Voi' - 3
Mộ của hai nạn nhân trong vụ án "Bưu cục Cầu Voi"

Theo bà, Hồ Duy Hải có phải hung thu thủ hay không đó là phán quyết của cơ quan chức năng. "Có người bảo rằng, Hải bị tử hình thì gia đình chúng tôi mới thỏa nỗi oán hận. Nhưng ai gây tội ác thì bị bị xử theo pháp luật. Còn với gia đình tôi, kẻ các có phải trả giá thì con cháu tôi cũng chẳng thể sống lại được. Điều mà tôi mong mỏi nhất lúc này là giải được nỗi oan khuất của con gái, hung thủ vụ án bị pháp luật trừng trị. Tôi cũng cảm thông cho nỗi lòng của bà Loan, cũng phận làm mẹ cả, sao đành lòng đứng nhìn con trai chết được. Bà Loan đi ra tận Hà Nội kêu oan cho Hải mấy năm nay, tôi cũng biết chuyện này, nhưng thôi giờ cứ để cho công an họ làm việc. Dù luôn khẳng định Hải là thủ phạm, nhưng sự thật tôi cũng mong cho mọi việc được rõ ràng. Có lẽ như thế, con và cháu tôi mới được yên nghỉ".

Chỉ mong vụ việc sớm kết thúc

Nói xong bà Sáu Mừng đưa chúng tôi ra mộ của con gái phía sau nhà. Hai ngôi mộ nằm cạnh nhau giữa đồng lúa đó là Vân và Hồng. "Hai đứa nó thân nhau từ bé, giờ mất đi chúng tôi cho hai đứa được nằm cạnh nhau, ở thế giới bên kia cho có chị có em", nước mắt lại rơi trên gò má khắc khổ của bà Sáu.

Cách đó một đoạn là ngôi nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Họ (61 tuổi, cha mẹ của nạn nhân Vân – PV) cửa đóng im ỉm. Hoàn cảnh của gia đình ông Họ không cơ cực như vợ chồng ông bà Sáu Mừng, nhưng nỗi đau, vết thương trong lòng thì như nhau.

"Đã lâu, hai cô chú ấy không lại nhà, cứ quật quật mưu sinh xứ người cho qua ngày hết tháng. Về nhà, nghĩ đến chuyện cũ lại thêm buồn. Mấy năm trước, em trai của Vân bị tai nạn giao thông, dù may mắn không chết nhưng cũng thành ra thơ thẩn", bà Sáu cho biết.

Nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân là con gái thứ hai của vợ chồng ông Họ, cũng hiền lành, đẹp người đẹp nết. "Quan điểm của vợ chồng chú ấy cũng giống như chúng tôi, là để cơ quan công quyền xử lý, đòi lại công bằng cho hai đứa nhỏ", bà Sáu Mừng nói tiếp.

Chuyện xảy ra với Hồng, khiến cho ông Sáu Mừng suy sụp, bệnh cũ lại tái phát. Bà Sáu lại gồng gánh gia đình. Trước đây, còn có Hồng chia sẻ đỡ đần, giờ một mình bà lặng lẽ. "Nghĩ đến con bé tôi lại có động lực để bước tiếp. Nhưng lòng lại tê tái, đau buốt. Giờ tôi chỉ mong, mọi chuyện sớm được kết thúc", bà Sáu ngậm ngùi.

Theo Lê Nguyễn (Giadinh.net.vn)