Kỳ trước, sau khi tập hợp tất cả manh mối liên quan đến hung thủ, cơ quan điều tra xác định, khoanh vùng được đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Tiến - là thành viên trong số các hộ gia đình có nương rẫy gần hiện trường cũng như việc đối tượng bất ngờ bỏ đi biệt tăm đúng ngày phát hiện thi thể nạn nhân.
Thế nhưng, tất cả mọi thông tin trên vẫn chưa thể khẳng định thủ phạm là Tiến vì chưa thu được bằng chứng phạm tội. Một lần nữa, các trinh sát lại không quản đường xa cất công leo lên núi Lở để điều tra hiện trường và sau đó là hành trình hơn 700 ngày truy bắt hung thủ.
Lời giải từ đống cỏ héo
Với những thông tin trinh sát về gia đình bà Đôn - mẹ Tiến, đặc biệt là sự kiện tên Tiến vắng mặt đã nhiều ngày liền, không ai biết y đi đâu, làm gì. Mà thời điểm Tiến "biệt tích" đúng vào thời điểm người dân trong bản phát hiện thi thể chị T.. Cùng lúc đó, gia đình bà Đôn cũng có nhiều bất thường khi một người phụ nữ "sẵn sàng" xắn áo chửi tay đôi với hàng xóm như bà Đôn nay lại kêu ốm, cả ngày đóng cửa im lìm. Cô em gái Tiến cũng có những thay đổi đáng ngờ… Tất cả đều không qua khỏi con mắt của các trinh sát.
Tuy nhiên, lúc này tất cả những điều trên mới chỉ là nghi vấn, nhận định và chưa khẳng định được rằng Tiến liên quan đến vụ án. Chính vì vậy, lúc này chưa cho phép tiến hành các biện pháp điều tra công khai, vì sợ “rút dây động rừng”. Để khẳng định những nhận định, phán đoán trêm, các điều tra viên lại một lần nữa lao vào truy tìm chứng cứ.
Giữa cái nắng tháng 6 như thiêu đốt, họ lại một lần nữa không quản đường xa cất công leo lên núi Lở để điều tra hiện trường, miệt mài lật từng đống cỏ gianh đã phát tại khoảng nương của nhà nạn nhân và của nhà đối tượng Tiến để tìm kiếm manh mối.
Quả là trời không phụ lòng người, khi kiểm tra các đống cỏ cả tại phần nương của nạn nhân và đối tượng Tiến, các trinh sát nhận thấy, độ héo của 2 đống cỏ giống nhau khi lớp cỏ trên bề mặt đã úa héo dưới ánh nắng chói chang, nhưng bên dưới vẫn còn xanh.
Từ đó cho thấy rất có thể cỏ ở hai nương này đã được phát cùng một thời điểm, mà nhà bà Đôn thì không có ai khác vào làm nương ngoài Tiến. Cùng với đó, những thông tin thu thập được từ các nhân chứng dọc hai bên đường từ nhà Tiến vào hiện trường cũng cho thấy đã trông thấy Tiến vác cuốc lên nương vào buổi sáng ngày nạn nhân mất tích.
Tất cả dường như đã đi đến một kết luận chính tên Tiến là hung thủ giết người. Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở phán đoán, nhận định của các trinh sát, điều tra viên bởi vụ án xảy ra trên đỉnh núi, không hề có chứng cứ vật chất hay nhân chứng, trong khi đối tượng nghi vấn đã đi khỏi địa phương nên chuỗi chứng cứ, nhận định, phán đoán trên được đánh giá là “non”. Để khẳng định và chứng minh được Tiến là hung thủ cần có buổi làm việc với đối tượng tình nghi. Tuy nhiên, thời điểm này Tiến đã rời khỏi nơi cư trú và không ai biết gã đi đâu.
Mặc dù Tiến không có mặt thế nhưng các điều tra viên cũng không bỏ qua những manh mối quan trọng xung quanh gã, đặc biệt là người thân của Tiến.
Quay trở lại nhà bà Đôn, quá trình làm việc với các trinh sát điều tra, người đàn bà này tỏ ra rất bình tĩnh, thậm chí còn "nhiệt tình" cung cấp đầy đủ thông tin được yêu cầu. Kể cả đến nơi ăn, chỗ ngủ của các con cũng được người đàn bà này cung cấp. Thế nhưng liệu có ẩn tình phía sau thái độ này của một người mẹ khi con mình là đối tượng tình nghi của một vụ giết người!
Khi các trinh sát ngồi xuống chiếc giường theo lời kể của bà Đôn là nơi Tiến thường ngủ tại đó, một trinh sát nhận ra trong lớp gối có tờ giấy gì đó. Kiểm tra, thì ra đó là một lá thư Tiến viết cho mẹ, lý giải việc bỏ nhà đi vì giận mẹ mắng vô cớ.
Thế nhưng "chính chủ" là Bà Đôn lại tỏ ra vô cùng bất ngờ với sự tồn tại của lá thư này, bà không hề biết lá thư được đặt từ bao giờ chứ đừng nói lý do vì sao con trai mình bỏ đi!(?)
Sau khi đọc xong lá thư, các trinh sát "bình thường" ra về thế nhưng ai cũng ngầm hiểu với nhau rằng, lá thư kia là để cho… bọn họ đọc! Vậy lý do tại sao mẹ con bà Đôn lại bày ra màn kịch này. Lý do chỉ có một, đó chính là muốn ngụy tạo, che dấu điều gì đó. Trong bối cảnh hiện tại, lý do duy nhất có lẽ chính là việc Tiến có liên quan trực tiếp đến cái chết của chị T. nên mới vội vàng bỏ đi như vậy.
Tuy nhiên, như đã nói, vụ án xảy ra trên đỉnh núi, không hề có chứng cứ vật chất hay nhân chứng, trong khi đối tượng nghi vấn đã “xa chạy cao bay”, vì vậy nếu lúc này đưa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì chứng cứ hơi “non”. Còn nếu không ký quyết định khởi tố bị can và ra lệnh truy nã đối với tên Tiến, thì không có cơ sở cho hoạt động truy nã y trong phạm vi toàn quốc.
Ngoài ra, thêm một giả thiết được đặt ra, nếu Tiến không phải là hung thủ thật sự, thì uy tín của phòng CSĐT nói riêng và Công an tỉnh nói chung sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi hành động này.
Còn nhớ khi ấy, ông đã hỏi tôi: “Đã chắc chắn không còn ai khác ngoài Tiến có mặt trên đỉnh núi Lở vào buổi sáng hôm ấy chưa?”. Tôi khẳng định bằng tất cả ý thức trách nhiệm, vì tôi hiểu tính chất nghiêm trọng của vấn đề, Cựu trinh sát hình sự Đào Trung Hiếu nhớ lại.
Chính vì vậy, trước khi hạ bút ký lệnh truy nã, Trung tá Bùi Duy Hiển (Quyền trưởng phòng CSĐT khi đó) đã đọc lại toàn bộ hồ sơ, trầm ngâm suy tính cả ngày trời rồi mới đưa ra được quyết định khởi tố bị can và ra lệnh truy nã đặc biệt toàn quốc đối với Nguyễn Văn Tiến.
Từ đây bắt đầu hành trình đúng truy lùng nghi can với quyết tâm cao nhất của Công an tỉnh Yên Bái. Một lực lượng trinh sát được tiếp tục cử theo dõi xung quanh nhà Tiến để kịp thời nắm bắt những di biến động của bà Đôn cùng những thông tin có liên quan. Thời ấy điều kiện làm việc rất khó khăn, những hành trình xuôi ngược truy tìm tung tích nghi phạm hàng trăm cây số cũng chỉ bằng xe máy.
Hàng chục chuyến công tác tầm nã ròng rã từ Lạng Sơn đến Hà Nam và thậm chí là vào tận đường mòn trong rừng Trường Sơn… nhưng bóng dáng nghi phạm vẫn mịt mù.
Hành trình 719 ngày truy bắt hung thủ
Thời điểm đó, rất nhiều người dân bản Cài "rời bỏ" bản làng đi làm ăn tứ xứ. Đặc biệt là tại các khu vực cửa khẩu sát biên giới và vùng "xuôi". Chính vì vậy, khu vực tìm kiếm rộng lớn đã tạo ra không ít khó khăn cho công tác điều tra, truy nã. Những hy vọng vừa lóe lên nhưng rồi cũng vụt tắt bởi những khó khăn vào thời điểm đó.
Tại Lạng Sơn, có thông tin xuất hiện một gã “cửu vạn” có đặc điểm giống Tiến ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh, phòng CSĐT liền huy động tất cả các kênh bạn bè, dân buôn lậu trên địa bàn để nắm tình hình và tiến hành rà soát. Cái khó là rất có thể Tiến đã vượt qua biên giới, sang làm thuê bên Trung Quốc, mà anh em không thể bước chân qua ranh giới đường biên.
Ròng rã mấy tuần, vẫn không tìm thấy đối tượng khả nghi. Bóng dáng tên nghi phạm vẫn “mịt mù tăm cá”, anh em trong đội đành buồn bã rút quân. Ít lâu sau, lại có tin Tiến từng có một người bạn ở Kim Bảng, Hà Nam. Bốn trinh sát lại hăm hở lên đường bằng xe máy. Qua ngôi đền thiêng ở Phú Thọ, cả bọn ghé vào dâng hương, xin cho chuyến đi gặp may mắn, để kẻ thủ ác phải sa lưới pháp luật. Đến Kim Bảng, được biết người có quan hệ với Tiến đã vào làm đường mòn Hồ Chí Minh trong rừng Trường Sơn. Tổ truy bắt lại lặn lội vào tận nơi, nhưng Tiến không đi cùng người này.
Những chuyến đi tiếp theo cũng đều về “tay trắng”, Tiến vẫn “lặn không sủi tăm” như trêu ngươi, thách thức mọi nỗ lực của tổ làm án. Tuy “công cốc” sau cả chục chuyến tầm nã, tốn kém tiền của, công sức, nhưng quyết tâm bắt Tiến chưa bao giờ “hạ nhiệt”.
Nhiệm vụ này chưa bao giờ thôi là chủ đề trong các cuộc giao ban của lực lượng hình sự Yên Bái. “Dàn ăng ten” xung quanh nhà bà Đôn vẫn hoạt động, bởi đó là đầu mối quan trọng duy nhất để tìm y. Thời đó, điện thoại di động chưa phổ biến, nên việc liên lạc với gia đình của y, đều trong tầm kiểm soát.
Rồi đến nửa đêm một ngày đầu năm 2005, chuông điện thoại bàn nhà trinh sát Đào Trung Hiếu chợt réo vang và giọng đàn ông nói gấp gáp đầu dây bên kia vang lên:
“Bà Đôn ra khỏi nhà, khoác tay nải ra đường đón xe hướng đi về xuôi”. Không kịp chần chừ, các trinh sát lập tức bám theo. Đây là lần đầu tiên sau bao năm Tiến bỏ đi mà bà Đôn rời khỏi nhà. Nhận định điểm bất thường này rất có thể liên quan đến Tiến, hai mẹ con có thể hẹn với nhau, các trinh sát lập tức triển khai các biện pháp nghiệp vụ cần thiết.
Và đến sáng hôm sau thì Tiến đã sa lưới khi lén trở về quê ngoại ở Hạ Hòa, Phú Thọ gặp mẹ như đã hẹn…
Câu hỏi về sợi dây trói khuất phục thủ phạm
Biết Tiến đã có hơn hai năm trốn nã và trong thời gian đó hẳn đã chuẩn bị kỹ câu trả lời nếu bị công ăn bắt nên ngay từ lần đầu xét hỏi, các trinh sát đã áp dụng chiến thuật như đã nắm rõ hành vi phạm tội của thủ phạm.
Câu hỏi đầu tiên với Tiến là “Sợi dây trói tay cái T. là của ai?”. Tiến ngập ngừng rất lâu rồi mới lý nhí: “Là sợi dây đeo túi của đứa ấy (nạn nhân T.)”. Chỉ một câu trả lời thôi mà bao nhiêu nỗi khó nhọc phá án, nỗi lo lắng bắt nhầm người vì chứng cứ “non” phút chốc đã được hóa giải, các trinh sát đưa mắt nhìn nhau vui mừng.
Khi hỏi về tư thế giết nạn nhân, Tiến khai đã vật T. ra đất rồi ngồi đè lên bụng. Tuy lúc phát hiện, thi thể đã phân hủy nặng nên pháp y không phát hiện được chứng cứ của việc nạn nhân bị xâm hại tình dục, nhưng khi trinh sát nghe Tiến khai về tư thế ngồi đè lên bụng họ đã linh cảm giữa hung thủ và nạn nhân đã xảy ra hành vi xâm hại. Và đúng như suy đoán, Tiến thừa nhận có hiếp dâm nạn nhân.
Theo lời khai của Tiến, mục đích ban đầu của Tiến là hiếp dâm. Sau khi thực hiện xong hành vi hiếp dâm, bị nạn nhân chửi bới, dọa báo công an, Tiến lo sợ nên đã giết hại rồi mang xác đi giấu. Thấy có đôi hoa tai bằng vàng, Tiến tiện tay tháo luôn rồi đem về giấu trên ống bương ở mái bếp. Cuộc khám xét ở nhà bà Đôn đã thu được chiếc hoa tai tại vị trí Tiến đã khai. Gia đình nạn nhân nhận dạng xác định đúng là tài sản của chị T..
Với vật chứng đặc biệt quan trọng này, đã có đủ căn cứ chứng minh Tiến là thủ phạm và bản án tử hình được thực thi sau đó không lâu.
Theo PV (Nhịp Sống Việt)