Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2010 do kinh doanh thua lỗ nên Hiệp lập hồ sơ khống để vay tiền của tổ chức tài chính. Thủ đoạn của Hiệp là thành lập ra các công ty tư nhân, sau đó lấy danh nghĩa pháp nhân để ký hợp đồng mua bán hàng hoá với nhau. Những công ty này Hiệp cho các nhân viên dưới quyền như bảo vệ, lái xe, tạp vụ hoặc em ruột đứng tên.
Bị cáo Hiệp (giữa) và đồng phạm tại phiên toà sơ thẩm. |
Tài khoản đảm bảo cho khoản vay là kho hàng gửi tại công ty khác nhưng thực chất không có thật hoặc đã đem thế chấp cho ngân hàng. Số tiền ngân hàng giải ngân sau đó được chuyển thẳng về tài khoản 2 pháp nhân do Hiệp điều hành. Tổng số tiền Hiệp vay ngân hàng là 183,9 tỷ đồng. Đến thời điểm bị khởi tố, Hiệp còn chiếm đoạt tổng số tiền hơn 150 tỷ đồng. Đến nay, Hiệp khai không còn tài sản đảm bảo và không có khả năng thanh toán khoản nợ.
Trước đó, ngày 13-1-2016, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử theo trình sự sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Hiệp tù chung thân; bị cáo Điệp 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đồng phạm khác của Hiệp tuỳ theo mức độ phạm tội mà bị tuyên phạt từ 13 năm đến 17 năm tù. Sau phiên toà sơ thẩm, các bị cáo đều có đơn kháng cáo kêu oan hoặc xin giảm nhẹ hình phạt.
Quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo Hiệp thanh minh cho việc lập hồ sơ vay vốn nhằm luân chuyển dòng tiền. Tuy nhiên, cách giải thích này của Hiệp đã bị HĐXX bác bỏ với lý do, luân chuyển dòng tiền thì vẫn phải hoàn trả vốn vay và lãi suất cho ngân hàng theo quy định, chứ không thể luân chuyển để chiếm đoạt luôn. Đến lượt được thẩm vấn, bị cáo Điệp đã thay đổi lời khai so với lời khai tại cơ quan điều tra và lời khai tại phiên toà sơ thẩm.
Điệp cho rằng, các chữ ký trong hồ sơ là do chồng mình (Hiệp) ký chứ bị cáo không không ký. Lời khai này của Điệp được bị cáo Hiệp thừa nhận. Tuy nhiên, kết luận giám định khẳng định, Điệp là người ký các tài liệu để Hiệp có đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo khác cũng không nhận tội nhưng lại không đưa ra được các tình tiết để chứng minh mình vô tội.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, quá trình thẩm vấn công khai tại phiên toà, HĐXX phúc thẩm xác định, hành vi phạm tội của các bị cáo là rõ ràng. Bản án sơ thẩm đưa ra hình phạt như trên cho các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Việc các bị cáo kháng cáo kêu oan hoặc xin giảm nhẹ hình phạt là không có cơ sở để xem xét. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm cho rằng, các bị cáo khác khi giúp sức cho Hiệp thực hiện tội phạm không được hưởng lợi nên cần giảm nhẹ một phần hình phạt của bản án sơ thẩm.
Từ nhận định trên, HĐXX phúc thẩm quyết định giữ nguyên án chung đối với bị cáo Hiệp và mức án 12 năm tù đối với bị cáo Ngọc về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do các bị cáo khác không được hưởng lợi nên bị cáo Hiệp phải chịu trách nhiệm bồi thường về khoản tiền đã chiếm đoạt hơn 150 tỷ đồng. Các bị cáo Hương, Thuận và Sơn cùng được giảm một năm tù.
Bản án sơ thẩm tuyên phạt Hương 17 năm tù, Sơn 15 năm tù và Thuận 13 năm tù. Riêng về trường hợp của bị cáo Điệp, HĐXX phúc thẩm nhận thấy, tại phiên tòa phúc thẩm, Điệp đã đưa ra được nhiều tình tiết mới để chứng minh mình không thực hiện tội phạm.
Do lời khai này của Điệp không thể làm rõ ngay được tại phiên xử nên HĐXX quyết định hủy bản án sơ thẩm của Điệp để điều tra lại theo thủ tục chung.