Liên quan đến vụ án, ông Nguyễn Văn Biên (52 tuổi, nguyên Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang) cùng 24 cựu cán bộ hải quan của An Giang và 2 người thuộc Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 4 (Hải quan TPHCM) bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đây là một trong 6 đại án vừa được Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo sớm đưa ra xét xử.
Các bị cáo tại tòa |
Theo cáo trạng, Trần Thị Bích Tuyền xuất thân từ làng quê nghèo ở tỉnh Long An. Học chưa hết lớp 7, Tuyền lên TPHCM lập nghiệp. Nhờ có chút nhan sắc và biết chớp cơ hội, Tuyền lần lượt đứng ra thành lập các công ty “ma” để làm ăn phi pháp.
Lợi dụng chính sách của nhà nước trong việc khuyến khích xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài và hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Tuyền nảy ý định tìm cách chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Bị cáo Bùi Bích Tuyền người cầm đầu trong vụ án này, dùng tiền để mua chuộc các cán bộ hải quan. |
Tuyền bàn bạc với Lâm Tuấn Phát (Giám đốc công ty CP Cảnh Phong) lập hồ sơ xuất khẩu khống sang Campuchia rồi sử dụng làm hồ sơ xin hoàn thuế GTGT. Cho rằng công ty Cảnh Phong là doanh nghiệp tư nhân, thủ tục hoàn thuế sẽ bị kiểm tra kỹ, gặp nhiều khó khăn, Tuyền và Phát thống nhất tìm cách tiếp cận, quan hệ và đặt vấn đề “làm ăn” với Lê Dũng - Giám đốc công ty CP TPCN Sài Gòn, là doanh nghiệp có 51% vốn nhà nước.
Từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2013, Lê Dũng đã đại diện công ty ký 145 hợp đồng ngoại thương khống với nội dung bán thuốc lá và các mặt hàng thực phẩm khác cho Trần Thị Bích Tuyền thông qua pháp nhân của 2 công ty do Tuyền quen biết ở Campuchia. Tổng giá trị các hợp đồng là 1.375 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng là hơn 134,5 tỷ đồng.
Sau khi có hồ sơ khống, Tuyền, Dũng và đồng phạm đã lập hồ sơ, xin hoàn thuế được 80,3 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.
Sở dĩ các bộ hồ sơ khống trên có giá trị pháp lý là do sự tiếp tay, ký khống của các cán bộ, công chức Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang.
Theo Diễm My (Dân Trí)