Trước động thái cứng rắn, quyết tâm bài trừ tệ nạn của chính quyền thành phố, dư luận rất ủng hộ, hoan nghênh. Nhưng trên thực tế, đã có nhiều vướng mắc về quy định pháp luật đã giúp cho tệ nạn này vẫn còn đất dung thân…
Đồng loạt “đánh úp”
Đêm 13-8, bên trong một phòng Vip ở nhà hàng Sunlight nằm trên số 9A Tôn Thất Tùng, Q1 (trước đó là nhà hàng D.max – tụ điểm “bia ôm” nổi tiếng ở TPHCM), gần chục người đàn ông đang chìm đắm trong men say. Cuộc vui của họ còn có thêm sự “đồng hành” của những “sexy girl”.
Đó là cách nói ám chỉ về những nữ tiếp viên bên trong nhà hàng này. Họ có tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi, sắc vóc xinh đẹp, quyết rũ, nhưng lại vào đây hành nghề tiếp bia và… ôm khách! Cũng đôi khi, gặp phải khách “sộp”, các cô gái sẵn sàng trút bỏ lớp xiêm y, bày trò múa thác loạn để kiếm thêm tiền “boa”.
Dưới sảnh, một “pháp sư” đang lập đàn cúng bái, “yểm trợ” cho chủ quán “tai qua nạn khỏi”. Mấy hôm nay, các ông chủ, cổ đông hùn hạp của quán này đang lo sợ trước những cuộc kiểm tra liên tục của lực lượng công an và chính quyền địa phương. Pháp sư bày ra một “trận đồ thiên la địa võng” rất ma quái: lư hương, nhang đèn, lá bùa… được dán tứ phía.
Ông này tiếp tục lấy ra một loại dung dịch gọi là “nước trừ tà”, rót vào các ly nhỏ và yêu cầu từng người trong quán uống. Các cô gái trẻ răm rắp nghe theo. Đâu đó xong xuôi, vị “thầy pháp” mới bắt đầu “hành sự”. Thế nhưng, khi ông này vừa mặc vào chiếc áo choàng bát quái, tay “bắt ấn”, miệng lẩm bẩm đọc bùa khấn vái thì đột nhiên đoàn kiểm tra do UBND P.Phạm Ngũ Lão phối hợp cùng các đơn vị khác xuất hiện, khiến ai cũng ngờ ngàng.
Thấy bóng lực lượng chức năng, nhân viên ở quầy tiếp tân của quán này, chẳng còn biết bùa ngải là gì, liền tháo chạy tán loạn. Một người trong số đó nhanh tay nhấn nút báo động. Đèn ở trong các phòng kín – nơi đang diễn ra những cuộc mua vui đồi truỵ - sáng trưng. Đó là tín hiệu để các “sexy girl” biết rằng đang có “động”. Họ liền chạy vào phòng chờ, vội khoác áo choàng vào nhằm qua mặt đoàn kiểm tra.
Trong cuộc “đánh úp” bất ngờ này, đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm kinh doanh karaoke trái phép, và vi phạm Luật Lao động khi không có hợp đồng với nữ nhân viên.
Cùng buổi tối, đoàn kiểm tra cũng kiểm tra nhà hàng Phoenix (đường Bùi Thị Xuân, quận 1), phát hiện ít nhất 2 phòng có nữ tiếp viên ăn mặc hở hang đang ôm ấp khách. Ghi nhận của phóng viên cho thấy rất nhiều nhân viên không kịp mặc áo, chạy tán loạn...
Và một thực tế xảy ra là cán bộ trong đoàn kiểm tra thường xuyên bị các nhà hàng phản ứng rất gay gắt, thậm chí là có dấu hiệu chống đối. Đa số nhà hàng bị kiểm tra đều cho rằng hoạt động của họ là không vi phạm pháp luật và việc kiểm tra liên tục như vậy là có tính “chèn ép” (!). Thực tế có phải vậy?
Lắm bài, đủ chiêu
Quyết tâm bài trừ tệ nạn bên trong các “nhà hàng không khói” ở Q1 của cơ quan quản lý là điều có thể thấy rõ. Liên tục những cuộc kiểm tra quyết liệt, không khoang nhượng cho thấy, họ muốn xử lý rốt ráo và dứt điểm. Tại hiện trường kiểm tra, có những tụ điểm cố tình chống đối bằng cách “giở chủ trương ra đối chấp” để “câu” giờ cho nhân viên tẩu tán.
Một trong những số đó, tại nhà hàng Sunlight, có khi các quản lý của tụ điểm này cho rằng “chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là một năm chỉ được kiểm tra doanh nghiệp không quá một lần. Tại sao cơ quan quản lý địa phương lại liên tục kiểm tra họ?”.
Nhưng đó là chủ trương để đảm bảo cho sự phát triển của doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, còn đối với các “nhà hàng không khói” bị dư luận lên án này thì dường như cuộc kiểm tra nào cũng phát hiện ra vi phạm. Tất cả những khoảng tối nhức nhối ấy đều nằm trong quyết tâm bài trừ của lãnh đạo thành phố.
Không liệt kê những cuộc kiểm tra liên tục từ đầu năm 2018, chỉ tính từ tháng 6 đến nay, chính quyền P.Phạm Ngũ Lão đã kiểm soát rất quyết liệt những tụ điểm được liệt vào “sổ đen” theo dõi về hành vi kinh doanh sử dụng thủ đoạn khiêu dâm.
Đêm 31-7, UBND P.Phạm Ngũ Lão phối hợp với công an phường này và các lực lượng khác tiến hành kiểm tra hành chính nhà hàng Ruby (cùng nằm trên đường Tôn Thất Tùng). Tại hiện trường, đoàn kiểm tra phát hiện hàng loạt tiếp viên của nhà hàng Ruby ăn mặc hở hang.
Thấy bóng cơ quan chức năng, nhân viên của nhà hàng này đã nhấn chuông báo động, cho đóng sập cửa kéo, ngăn cản không cho cán bộ thực thi công vụ bước vào trong.
Phải rất nỗ lực, hơn 20 phút sau, đoàn kiểm tra mới yêu cầu chủ nhà hàng và các nhân viên hợp tác, dừng lại việc chống đối. Bên trong, đoàn liên ngành phát hiện nhiều tiếp viên trốn trên sân thượng. Tất cả đều mặc áo khoác, che kín mặt. Phải rất kiên quyết, đoàn kiểm tra liên ngành mới thu thập đủ cơ sở để lập biên bản các lỗi vi phạm đối với cơ sở này về PCCC, có hành vi cản trở người thi hành công vụ.
Ngay sau đó, Ruby đã đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Các ông chủ lẹ làng xin giấy phép mới, đổi chủ, tiến hành sửa chữa lại và cho gắn lại bảng hiệu mới với cái tên khác là Forever.
Đây là chiêu “ve sầu thoát xác” mà hầu như nhà hàng nào cũng áp dụng sau chiến dịch truy quét của thành phố để “tiếp tục được tồn tại”. Và đó chính là kẽ hở có thể dễ nhìn thấy nhất của quy định pháp luật hiện nay đối với loại hình kinh doanh phức tạp nêu trên…
Chờ sửa luật để xoá “điểm đen”
Theo một cán bộ Công an Q1, do quy định pháp luật đến thời điểm hiện tại chỉ cho phép xử phạt hành chính đối với các tụ điểm kinh doanh có dấu hiệu tổ chức khiêu dâm, thác loạn nên công tác đấu tranh với loại hình tệ nạn này của lực lượng chức năng gặp phải rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, pháp luật chưa có quy định xử lý hình sự nên khi đoàn kiểm tra phát hiện vi phạm thì chỉ có thể lập biên bản xử phạt hành chính. Tụ điểm nào bị kiểm tra nhiều lần, bị tước giấy phép kinh doanh thì ông chủ của nó lại xin giấy mới, với người mới đứng tên và hoạt động bình thường trở lại.
Bởi vướng luật nên dù cho Công an Q1 và các phường, đoàn liên ngành liên tục đi kiểm tra đối với hầu hết tất cả các quán trong diện nghi vấn nhưng đến nay vẫn chưa thể dứt điểm được. Thực tế này khiến cán bộ quản lý bị nhiều áp lực vô hình đè nặng.
Một cán bộ chia sẻ: “Dư luận không hiểu thì lại đặt ra hoài nghi không đúng. Hy vọng sắp tới Quốc Hội sẽ có những bổ sung về luật theo hướng nghiêm minh hơn với những vi phạm này để chúng tôi có cơ sở làm dứt điểm”.
Một chủ tịch phường thuộc UBND Q.1 cho biết thêm, theo quy định hiện hành, trước khi kiểm tra cơ sở kinh doanh, lực lượng chức năng phải xuất trình quyết định tổ kiểm tra liên ngành, sau đó mới tiến hành kiểm tra. Quy trình này vô hình gây khó cho đoàn kiểm tra trong việc bắt quả tang đối với các hoạt động có tính chất khiêu dâm.
"Khi đi kiểm tra, xông vào cơ sở kinh doanh mà không đọc quyết định trước sẽ bị doanh nghiệp khiến kiện về việc làm sai quy định. UBND TPHCM đang kiến nghị sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014 để tăng cường biện pháp chế tài đối với các doanh nghiệp thường xuyên thay tên, đổi chủ khi bị phạt. Nhưng chúng tôi vẫn đang chờ Quốc Hội thông qua” – cán bộ này nói.
Vậy khi việc kiến nghị thay đổi luật chưa được thông qua thì chúng ta sẽ quản “nhà hàng không khói” bằng cách nào? Nghe câu hỏi đó của chúng tôi, lãnh đạo phường này khá trầm ngâm. Anh nói rằng hơn ai hết, UBND Q1 và các phường rất muốn xử lý dứt điểm, đến nơi đến chốn những “điểm đen” như vậy. Nhưng khi hệ thống pháp lý chưa kịp bắt kịp diễn biến xã hội thì cơ quan quản lý địa phương, nhất là người đứng đầu, phải chịu mọi trách nhiệm.
“Rõ ràng là chúng tôi kiểm tra liên tục. Mà lần nào cũng phát hiện vi phạm. Lợi nhuận đến từ mô hình kinh doanh này là rất “khủng” nên các ông chủ sẽ không dễ dàng từ bỏ. Họ sẵn sàng thay tên, đổi chủ để tiếp tục tồn tại, gây phức tạp địa bàn. Ấy vậy, khi báo chí thâm nhập phát hiện ra hiện tượng nêu trên, đăng tải thì một điều chắc chắn là chúng tôi phải chịu trách, vì thành phố đã có chỉ đạo không để tái diễn.
Áp lực nằm ở chỗ đó” – cán bộ này tâm sự và cung cấp thêm thông tin rằng trước mắt, chính quyền địa phương chỉ có thể tăng cường gắn camera an ninh, tăng tuần suất kiểm tra.
Nhưng nhìn lại sau một quá trình áp dụng phương án này, có thể thấy, nó chỉ dẹp được phần ngọn chứ không “bứng” được gốc rễ làm phát sinh tệ nạn. “Chúng tôi đang trông chờ từng ngày kiến nghị sửa luật của thành phố được thông qua. Khi đó, hoạt động đen tối bên trong các nhà hàng chắc chắn sẽ được xử lý dứt điểm – cán bộ này chốt lại vấn đề.
Chủ căn nhà 9A Tôn Thất Tùng là… một cán bộ
Trước đó, liên quan đến động nhức nhối này, vào số báo ngày 30-5-2018, Báo CATP đã có bài viết Truy quét nạn thác loạn trong nhà hàng, cung cấp đến bạn đọc và cơ quan chức năng thông tin về những ông chủ giấu mặt của 2 nhà hàng thác loạn Dmax và Sunflower 9 (Q1), đó là các đối tượng Quang, Cường và Lan.
Theo cơ quan chức năng Q1, căn nhà được các đối tượng này thuê hiện tại ở số 9A Tôn Thất Tùng, P.Phạm Ngũ Lão để làm địa điểm kinh doanh “bia ôm” với tên gọi mới là Sunlight (trước đó là Dmax), do một cán bộ tên K. (hiện đang công tác trong một đơn vị Nhà nước ở TPHCM) đứng tên chủ sở hữu. Cơ quan chức năng cho biết, dù đã được chính quyền địa phương nhiều lần vận động và cung cấp những vi phạm trong mô hình kinh doanh của nhà hàng Dmax trước đó để ông K. nắm rõ nhưng ông này vẫn thực hiện hợp đồng sau khi tụ điểm nêu trên đổi tên thành Sunlight. Liên tục sau đó, nhà hàng này bị kiểm tra với nhiều vi phạm.
Theo Huỳnh Văn - Đức Nam (Congan.com.vn)