Video: Ông Thăng khai lý do góp vốn vào Oceanbank
Sáng 20/3, phiên xử sơ thẩm vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất 800 tỷ khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) bước sang ngày làm việc thứ hai. HĐXX và đại diện VKS tiếp tục xét hỏi các bị cáo, nhân chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Mặc sơ mi trắng, bị cáo Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí) khá bình thản khi lên bục trả lời xét hỏi của đại diện VKS.
Đề nghị nói rõ có hoặc không
Trả lời câu hỏi đến thời điểm hiện nay, theo bị cáo 800 tỷ PVN đầu tư vào Oceanbank có thu hồi được không? Ông Thăng nói Chủ tịch HĐQT có trách nhiệm nhận và hoàn trả vốn. Tất cả các khoản đầu tư đều có hiệu quả, bảo toàn và phát triển.
Cho rằng ông Thăng không trả lời đúng trọng tâm, nữ kiểm sát viên ngắt lời, đề nghị nói rõ là có hoặc không. Sau vài giây suy nghĩ, ông Thăng nói tháng 11/2011 bị cáo không còn ở Tập đoàn dầu khí nên biết hay không biết không thuộc trách nhiệm của ông.
"Khi bị cáo ký nghị quyết về việc tham gia góp vốn vào Oceanbank đã được Thủ tướng phê duyệt chưa", đại diện cơ quan công tố hỏi tiếp. Bị cáo Đinh La Thăng nói ông ký quyết định có nội dung thống nhất báo cáo Thủ tướng mua cổ phần Ngân hàng Đại Dương. Nghị quyết này chỉ có giá trị khi Chính phủ đồng ý. Thực tế sau khi Thủ tướng đồng ý 3 tháng, Tập đoàn dầu khí mới mua cổ phần.
Nữ kiểm sát viên một lần nữa ngắt lời bị cáo 58 tuổi. Dẫn Nghị định 142 về quy định trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư ra ngoài công ty mẹ, đại diện cơ quan công tố hỏi khi ký nghị quyết về việc tham gia góp vốn vào Oceanbank đã được Thủ tướng phê duyệt chưa?
"Không có quy định nào mà Thủ tướng phê duyệt hiệu lực các nghị quyết hội đồng quản trị cả”, ông Thăng đáp còn kiểm sát viên cho rằng đó là suy nghĩ cá nhân của cựu Chủ tịch PVN.
Ông Thăng giải thích, HĐQT chỉ thống thống nhất báo cáo Thủ tướng về việc mua một phần Ngân hàng Đại Dương. Sau khi Thủ tướng đồng ý, PVN mới mua cổ phần. HĐQT thống nhất chủ trương mua cổ phần, tăng vốn điều lệ Oceanbank.
Vậy thống nhất chủ trương góp vốn khi chưa có ý kiến của Thủ tướng là đúng hay sai? Trong nghị quyết đó có nhiều nội dung, trong đó có việc báo cáo tình hình Oceanbank đến 30/9 nên chưa thể quyết định để đầu tư được mà phải tiếp tục báo cáo. Thứ hai đó là nghị quyết nội bộ, đầu tư ra ngoài phải tuân thủ pháp luật và báo cáo Thủ tướng.
Nghị quyết đó có căn cứ ý kiến Thủ tướng không? Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng nghị quyết này chưa cần ý kiến Thủ tướng vì văn bản không có tính chất quyết định việc góp vốn vào Oceanbank. Tập đoàn chỉ quyết định đầu tư ra ngoài công ty mẹ khi Thủ tướng đồng ý.
Vậy quyết định đầu tư đó được HĐQT ban hành khi nào, số bao nhiêu?. Trả lời câu hỏi, bị cáo Thăng nói, quyết định đầu tư do Tổng giám đốc ban hành, có đợt không ra nghị quyết nhưng HĐQT ký vào tờ trình.
Nghị quyết có tính chất bắt buộc phải thi hành không? Nghị quyết có tính chất bắt buộc trong nội bộ Tập đoàn dầu khí nhưng có những nghị quyết cần phải được sự đồng ý của cơ quan có Nhà nước thẩm quyền thì mới đủ căn cứ pháp lý. Không có quy định nào cần thiết hay không cần thiết báo cáo Thủ tướng.
Ông Thăng lý giải HĐTV phải báo Thủ tướng theo luật khi đầu tư ra ngoài công ty mẹ. Nghị quyết đó được thực hiện bằng quyết định đầu tư. Cựu Chủ tịch PVN nói việc ký nghị quyết chỉ là chủ trương, chưa phải giai đoạn đầu tư. Trong việc này Tập đoàn Dầu khí thực hiện đúng quy định pháp luật.
Nhiều bị cáo nói không biết vi phạm Luật các tổ chức tín dụng năm 2010
Một ngày trước, trả lời câu hỏi của thẩm phán, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định 2 lần góp vốn 400 tỷ và 300 tỷ vào Oceanbank là đúng đúng chủ trương, không vi phạm pháp luật.
Về lần góp vốn thứ 3 (100 tỷ), các bị cáo dưới quyền của ông Thăng như Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN), Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm (đều là nguyên thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí) nói không biết việc này vi phạm Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 nên đồng ý với chủ trương tăng vốn.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai đã đưa 180 tỷ đồng cho Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban tài chính và kiểm toán PVN) để chăm sóc khách hàng, tuy nhiên giao dịch này không có giấy tờ chứng minh.
Theo cáo trạng, ông Thăng và 5 người khác gồm: Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN), Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên HĐTV PVN), Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV PVN), Nguyễn Thanh Liêm (nguyên thành viên HĐTV PVN) và Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV PVN) bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN) bị truy tố về 2 tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quyết định góp vốn vào Oceanbank dù biết năng lực yếu kém của ngân hàng này và ký ban hành nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng, không thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn…Cáo trạng quy kết, bị cáo Đinh La Thăng có vai trò lớn nhất trong việc làm thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN. Thời gian giữ chức Chủ tịch HĐQT PVN, ông Thăng đã ký thỏa thuận hợp tác tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Oceanbank) không thông qua HĐQT.
Theo Bá Chiêm - Hoàng Lam (Tri Thức Trực Tuyến)