Sự ích kỷ, tàn nhẫn khi đang tâm tước đoạt mạng sống những đứa trẻ vô tội chỉ để trả thù hoặc kết thúc mâu thuẫn cá nhân… chính là tội ác vượt lên trên tất cả khung hình phạt về mặt pháp luật, rất cần được "thức tỉnh".
Đau lòng những cái chết của con thơ
Ngày tiễn đưa 3 đứa trẻ xấu số ở thôn Hòa Bình, xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, người mẹ cũng đang đối mặt với cơn "thập tử nhất sinh" tại bệnh viện, trong khi người cha biền biệt nơi xứ người, không thể về nhìn mặt các con lần cuối do dịch bệnh diễn biến phức tạp, tang thương bao trùm xóm nghèo.
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại thôn Hòa Bình, xã Kỳ Thư ngày 28-7. Sau tiếng nổ lớn, căn nhà của chị L.T.H (SN 1993) bốc cháy dữ dội. Dù được người dân địa phương cùng lực lượng chức năng phá cửa vào ứng cứu, nhưng ba đứa trẻ con chị H. gồm: V.L.M.A (6 tuổi), V.X.Đ (4 tuổi) và V.L.M.P (3 tuổi) đã tử vong, trong khi chị H. đang được cấp cứu với tiên lượng xấu.
Điều đáng nói là các con nào có tội tình gì giữa mâu thuẫn tình cảm, tiền bạc của bố mẹ và người thân, vậy mà người mẹ ấy lại nhẫn tâm kết thúc cuộc sống của chúng khi chính chị là người đã từng mang nặng đẻ đau.
Cách đây vài tháng, chúng tôi nghẹn lòng khi nhìn thấy bé Nguyễn Ngọc M.M (gần 3 tuổi) bất động trên băng ca, do bị mẹ ruột và cha dượng bạo hành đến tử vong. Trong nỗi đau tuyệt vọng, bà ngoại bé là Vũ Thị Dự (SN 1969) kiên quyết yêu cầu pháp luật trừng trị nghiêm minh những kẻ phạm tội, bởi hành vi bạo hành con đến chết của con gái bà là Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1991) cùng người tình Nguyễn Minh Tuấn (SN 1989) quá dã man, tàn độc.
Giữa cơn bấn loạn vì không thể tìm ra hướng giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống, cả những người cha cũng nhẫn tâm ra tay với núm ruột của mình. Giữa tháng 7-2019, Công an TP.Đà Nẵng bắt tạm giam Bùi Văn Hời (SN 1985, quê Thái Bình) để điều tra, xử lý về hành vi giết người. Giữa Hời và vợ cũ sinh được con gái Bùi Thị Uyên N., 8 tuổi. Sau khi thỏa thuận, Hời dẫn con gái vào Đà Nẵng sống cùng mình và cô bạn gái người Hàn Quốc.
Được một thời gian, Hời đưa con vào chùa tá túc. Dịp Tết năm 2019, Hời đón bé N. về nhà ăn Tết. Chính lúc này, mâu thuẫn giữa Hời và bạn gái thường xuyên xảy ra, cô này quyết định trở về Hàn Quốc. Chuỗi ngày sau đó, Hời liên tục trút giận lên con gái vì cho rằng bé chính là nguyên nhân của sự tan vỡ tình cảm.
Một lần thấy N. khóc, Hời đã bóp cổ con đến tắt thở rồi mang xác phi tang ở cầu sông Hàn. Tháng 8-2019, dư luận bàng hoàng hay tin về cái chết của hai cha con tại 1 phòng trọ ở KP4, P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức (TPHCM). Vì nghĩ vợ có nhân tình nên ruồng bỏ hai cha con, Phạm Văn Bằng (35 tuổi) đã sát hại con trai P.N.Q (5 tuổi) rồi treo cổ tự vẫn.
Khó dung thứ
Sẽ có những ý kiến biện minh rằng, chỉ ở trong cuộc hay vào đúng thời điểm khi mọi thứ dường như bế tắc, không kiểm soát được tình cảm và lý trí nên không có chọn lựa nào khác ngoài hành động dại dột và nhẫn tâm đến vậy. Nhưng dù có biện hộ thế nào chăng nữa thì theo các chuyên gia tâm lý, việc sát hại con thơ để trả thù nhằm giải quyết bế tắc là hành động không thể nào chấp nhận được.
Theo Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa: "Cuộc sống càng hiện đại càng khiến con người, đặc biệt là các bạn trẻ, dễ khủng hoảng tâm lý dẫn đến những hành vi dại dột. Đa phần các vụ án liên quan đến việc sát hại con trẻ đều bắt nguồn từ nguyên nhân mâu thuẫn tình cảm trong gia đình, mà mấu chốt chính là việc muốn trả thù, muốn những người từng khiến họ tổn thương phải sống trong sự dằn vặt suốt quãng đời còn lại, hoặc đơn giản chỉ vì sự ích kỷ của bản thân; một số trường hợp do cha mẹ trầm cảm hay có dấu hiệu tâm thần hoặc rối loạn nhân cách ranh giới gây ra..., khi tinh thần bị kích động rất dễ dẫn tới những hành vi bộc phát gây hậu quả nghiêm trọng.
Các vụ án xảy ra thời gian qua cho thấy, những đứa trẻ không có khả năng tự vệ, chưa chủ động được trong cuộc sống, rất cần được bố mẹ chăm sóc, dạy bảo; nhưng có ngờ đâu, chính bậc sinh thành trong phút giây mù quáng đã tước đoạt quyền sống của chúng. Hành vi này rất cần phải lên án, phòng ngừa.
Từ những lý do trên, theo thạc sĩ Hoa, trước khi nghĩ đến việc gây tổn thương cho con trẻ, chính các bậc phụ huynh cần học cách đối diện và vượt qua áp lực trong cuộc sống, đừng bao giờ tự cho mình quyền tước đi sự sống của người khác. Nếu xác định tinh thần bất ổn thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ tâm lý để được can thiệp kịp thời, tăng cường tập thể dục... để lấy lại cân bằng trong cuộc sống.
Nên chăng cần mở rộng và nâng cao tuyên truyền tại các cơ sở phục hồi tâm lý hoặc trung tâm tư vấn dành cho những người bị trầm cảm hoặc đang gặp khủng hoảng, áp lực trong cuộc sống. Có một nơi đáng tin cậy để giúp họ xoa dịu nỗi đau và giải tỏa được áp lực trong cuộc sống là rất cần thiết, để góp phần hạn chế những vụ án đau lòng nói trên.
Theo Mỹ Thanh (Công An TP HCM)