Ngày 2/5, tại phiên tòa phúc thẩm đại án Oceanbank, luật sư của Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc Oceanbank, cho biết một doanh nhân sẵn sàng chi 32 tỷ đồng để cứu bị cáo này thoát án tử hình.
Theo luật sư, gia đình ông Sơn sẽ lo 5 tỷ đồng, còn doanh nhân Nguyễn Trung Hà (thành viên sáng lập Công ty FPT, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Thiên Việt) sẽ sẵn sàng chi 32 tỷ đồng để đủ khắc phục 3/4 số tiền 49 tỷ mà cựu Tổng giám đốc Oceanbank bị cáo buộc tham ô. Nộp đủ 37 tỷ, ông Sơn có thoát án tử hình là câu hỏi nhiều người quan tâm.
Nộp 3/4 tiền tham ô chưa chắc thoát án tử
Theo luật sư Lại Văn Doãn (Đoàn luật sư Hà Nội), việc bồi thường 3/4 số tiền tham ô là chưa đủ để xem xét chuyển hình phạt từ tử hình sang chung thân. Khoản c Điều 40 Bộ luật hình sự 2015 về khung hình phạt tử hình quy định người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không bị áp dụng án tử hình.
Như vậy, ông Sơn chỉ được xem xét chuyển từ án tử hình sang tù chung thân nếu nộp lại tài sản chiếm đoạt, đồng thời hợp tác tích cực với cơ quan chức năng hoặc lập công lớn.
Vẫn theo luật sư Doãn, việc khắc phục 3/4 tiền tham ô không phải tình tiết giảm nhẹ. Đây là quy định riêng trong việc áp dụng hình phạt tử hình, qua đó hạn chế việc áp dụng hình phạt này theo xu hướng chung của luật pháp quốc tế, thể hiện tính nhân văn, tiến bộ của Bộ luật hình sự 2015 theo định hướng của Đảng, Chính phủ về việc hạn chế hình phạt tử hình đối với các tội liên quan tới kinh tế.
“Quy định cho đối tượng phạm tội tham ô, nhận hối lộ được chủ động nộp lại tiền để tránh hình phạt tử hình là một quy định tiến bộ và hiệu quả. Quy định này phù hợp với quan điểm pháp lý của các nước tiến bộ trên thế giới và công ước giảm áp dụng hình phạt tử hình mà Việt Nam tham gia. Thứ hai, quy định này giúp thu hồi tối đa tài sản đã thất thoát, hạn chế tình trạng tội phạm bị áp dụng hình phạt tử hình tẩu tán tối đa tài sản khi không còn lựa chọn khác”, ông Doãn nói.
Luật sư nhận định, việc thu hồi tài sản bị thất thoát đối với loại tội này còn kém hiệu quả, chỉ đạt dưới 20%. Khi quy định mới có hiệu lực, tài sản thu được ít nhất là 3/4, trong khi hình phạt chung thân vẫn đủ sức răn đe.
Vợ ông Nguyễn Xuân Sơn nói gì?
Trình bày tại tòa vào sáng 3/5, bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ Nguyễn Xuân Sơn) nói nếu HĐXX cấp phúc tập vẫn tuyên y án tử hình đối với cựu Tổng giám đốc Oceanbank thì gia đình bà mong được cùng anh em, bạn bè khắc phục tối đa hậu quả để ông Sơn thoát án tử hình.
“Gia đình hiện đã nộp 5 tỷ đồng cho đơn vị thi hành án để khắc phục hậu quả cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”, bà Xuân nói và cho biết thêm, thời gian tới, nhiều người thân, bạn bè cũng mong muốn được hỗ trợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bồi thường số tiền bị cáo buộc tham ô.
Ngoài tài sản riêng của Nguyễn Xuân Sơn bị kê biên, bà Xuân mong muốn được dùng tài sản khác của bản thân và gia đình để giúp chồng thực hiện trách nhiệm dân sự.
Về việc giảm án, chủ tọa Ngô Hồng Phúc giải thích nếu HĐXX tuyên y án tử hình với Nguyễn Xuân Sơn mà sau đó, bị cáo và gia đình khắc phục 3/4 số tiền đã chiếm đoạt thì cựu Tổng giám đốc Oceanbank có cơ hội được giảm án từ tử hình xuống chung thân nếu thành khẩn khai báo, có thái độ hợp tác tích cực với cơ quan chức năng. Lúc đó, Chủ tịch nước có thẩm quyền xem xét việc giảm án.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 9/2017, ông Nguyễn Xuân Sơn bị tòa tuyên án tử hình về hành vi tham ô 49 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Số tiền này được lượng hóa từ 20% của 246 tỷ đồng Hà Văn Thắm đã chi lãi ngoài cho Tập đoàn dầu khí (PVN) thông qua Nguyễn Xuân Sơn, theo tỷ lệ 20% nắm giữ cổ phần của PVN.
Ngoài ra, bị cáo Sơn còn bị tuyên chung thân về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, 17 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hình phạt là tử hình.
Kháng cáo sau đó, cựu Tổng giám đốc Oceanbank cho rằng ông ta không phạm các tội chiếm đoạt tài sản và xin giảm nhẹ hình phạt về tội Cố ý làm trái...
Điều 40 Bộ luật hình sự 2015: Tử hình
1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân”
7 tội danh bỏ án tử hình từ ngày 1/1/2018. Bộ luật hình sự 2015 có nhiều thay đổi mức hình phạt so với Bộ luật hình sự 1999, trong đó 7 tội danh không áp dụng án tử hình. Tuy nhiên, luật mới vẫn duy trì tử hình với 18 tội. |
Theo Bá Chiêm - Hoàng Lam (Tri Thức Trực Tuyến)