Theo BSCK II K2 Huỳnh Thanh Hiển-Trưởng khoa T3 - Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh, tác hại của Ketamine với sức khoẻ con người là kinh khủng. Theo BS CKII Huỳnh Thanh Hiển, nếu như vào thập niên 90 chỉ có heroin và lắc thì hiện nay đã xuất hiện nhiều loại ma túy như: tem giấy, bùa lưỡi (LSD), nấm thần, cỏ Mỹ, muối tắm và gần đây có thêm Ketamine. Số người nghiện heroin đang giảm dần vì hầu như rất ít người mới sử dụng loại ma túy này, do giới trẻ hiện nay cũng không thích, trong khi các loại ma túy mới, đặc biệt là "hàng đá" do không phải sử dụng theo cữ như heroin nên được hiểu lầm là không gây nghiện và đang có trào lưu bị lạm dụng ở giới trẻ.
Điều nguy hại nhất là nếu người lạm dụng heroin sẽ dễ quên, khó bỏ thì với ma tuý đá, các loại ma tuý tổng hợp, ma tuý mới lại có tính chất gây tổn thương không hồi phục trên não bộ người sử dụng thường xuyên và dễ gây ra loạn thần và có thể gây án. Trong đó, với riêng Ketamine, người sử dụng thường xuyên với tần suất 2-3 lần/tuần sẽ nhanh chóng bị lệ thuộc như heroin. 500kg ketamine vừa được phanh phui cho thấy công tác phòng chống tội phạm ma tuý đang gặp rất nhiều thách thức.
Đặc biệt, giá ma túy trên thị trường xuất hiện ngày càng rẻ và đa dạng. Trong đó rà soát trên loại ma tuý tổng hợp cho thấy, nếu như 20 năm trước, 1 viên thuốc thuốc lắc có giá 400.000-500.000 đồng thì hiện nay giá 1 viên chỉ còn 100.000-150.000 đồng...
Riêng Ketamine khác heroin, ma túy đá… là một loại ma túy có giá thành cao, khan hiếm, trong y học là thuốc sử dụng rất cẩn trọng, cân nhắc trong phòng mổ. Với bệnh nhân khi được áp dụng với liều lượng cân nhắc trong gây mê để mổ xẻ thì trong ngưỡng an toàn. Ketamine về bản chất là 1 chất gây mê nhưng nó đã bị lạm dụng như là 1 chất ma túy.
Trong khi Ketamine gây ức chế (như heroin); còn lại các dạng ma tuý khác gây kích thích bao gồm: tất cả các chất ma túy tổng hợp và ma tuý mới xuất hiện gần đây như: đá (methamphetamine), lắc (MDMA), tem giấy/bùa lưỡi (LSD), nấm thần (psilocybine), muối tắm (mephedrone/cathinone) là chất chiết xuất từ lá khat, cocaine, cỏ Mỹ (cần sa tổng hợp)…
Hiện nay Ketamine vẫn có trong danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới. Ngoài ra Ketamine còn được sử dụng trong 1 số bệnh lý chữa trị bệnh đau mạn tính, hen suyễn nặng và 1 số trường hợp trầm cảm dưới chỉ định của bác sĩ tại một số quốc gia.
BS Thanh Hiển cũng cho biết: "Theo định nghĩa của Thế giới về ma túy thì một chất là thuốc nhưng nếu được sử dụng sai mục đích thì trở thành ma túy, điều này cũng tương tự như morphine, nếu bị sử dụng sai mục đích. Ketamine hiện có trong danh mục III số thứ tự là 35, theo Nghị định 73/2018 của Thủ tướng Chính phủ về các chất ma túy và tiền chất, nghĩa là chỉ được sử dụng hạn chế với mục đích y tế".
Theo đó, Ketamine "phi y tế" bị lạm dụng như là 1 chất gây nghiện có tác động ức chế, làm dịu não bộ giống như tác động của morphine (thuốc phiện). Nhưng Ketamine "phi y tế" không có độ tinh khiết như Ketamine y tế và thường dưới dạng bột hoặc viên giống như viên thuốc lắc (nó có tên lóng là "dâu tây", khác với thuốc lắc có tên lóng là "kẹo"); và có giá đắt hơn lắc.
Ma túy Ketamine cũng được dân chơi gọi với tên lóng là “ke” và hay sử dụng sau khi phê "đá" hoặc "lắc" để giảm bớt tác động kích thích của ma túy đá (methamphetamine) và ngăn ngừa tình trạng loạn thần cấp do sử dụng ma túy đá (ngáo đá).
Tuy nhiên, những nghiên cứu khảo sát cho thấy, người sử dụng Ketamine vài lần trong đời (nếu như cho mục đích y học, chữa bệnh) sẽ không ảnh hưởng, nhưng nếu sử dụng Ketamine lâu ngày sẽ gây lệ thuộc giống như heroin. Trong đó, tác hại nguy hiểm nhất của Ketamine là gây giảm trí nhớ và lú lẫn trầm trọng. Ngoài ra, Ketamine có thể gây ảo giác, chính vì những lý do trên nên hiện Ketamine đã ít được sử dụng trong gây mê vì đã có những thuốc gây mê mới an toàn hơn.
BS Huỳnh Thanh Hiển cũng dẫn giải: việc lạm dụng Ketamine (dù được xem là 1 loại ma túy cao cấp, mới xuất hiện và có giá khá đắt), nhưng trong các bệnh viện đã ghi nhận khá nhiều các trường hợp ngộ độc Ketamine: 7 người tử vong và 4 người vào cấp cứu trong lễ hội “go to the moon” tại Hà Nội cách nay gần 1 năm được ghi nhận là có uống rượu + thuốc lắc và hít Ketamine; 2 trường hợp ngưng tim ngưng thở cách đây hơn 1 năm tại TP Hồ Chí Minh được cấp cứu hồi sức tim phổi thành công tại 1 bệnh viện quốc tế (nhưng 1 người bị chết não sau đó).
Người được cứu sống thú nhận có uống rượu và “cắn lắc” trong 1 lễ hội, sau đó kéo nhau về 1 căn hộ và tiếp tục "hít ke". Điều ngạc nhiên là tất cả đều uống chung rượu, hít chung "ke" nhưng chỉ có 2/6 người bị ngộ độc, 4 người còn lại "vô sự". Nguyên nhân được tìm hiểu, 2 người này mua thuốc lắc khác địa chỉ mua với 4 người kia.
Theo Huyền Nga (CAND Online)