Hỏi cung thời phong kiến. Ảnh minh họa. |
Thời Trần, chế tài hình sự nghiêm khắc hơn nhiều so với thời kỳ nhà Lý. Tiến sĩ Trần Quang Tiệp trong “Lịch sử luật Hình sự Việt Nam” cho hay ở giai đoạn lịch sử này, người ăn trộm với mức độ nhẹ thì bị chặt ngón tay, nặng có thể tới mức cho voi giày chết.
Đến thời Hậu Lê (sơ kỳ), Bộ luật Hồng Đức có nhiều điều luật đề cập đến việc răn đe hành vi trộm cắp tài sản, mức phạt cao nhất là khổ sai hoặc lưu đày. Riêng hành vi trộm cắp tài sản của vua bị xử chém.
Bộ luật Hồng Đức chú ý đặc biệt đến mối quan hệ của người phạm tội và người bị hại. Tùy theo tính chất của mối quan hệ này mà hình phạt có thể được tăng lên hoặc giảm đi so với trường hợp trộm cắp tài sản thông thường. Bên cạnh các hình phạt chính trong ngũ hình, Bộ luật Hồng Đức còn quy định hình phạt bổ sung như tịch thu điền sản, tịch thu trang trại...
Thời Nguyễn, sau khi lên ngôi vua Gia Long giao Tổng tài Nguyễn Văn Thành soạn thảo Bộ luật có tên Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long). Bộ luật này có nhiều quy định về các tội xâm phạm sở hữu như ăn cắp đồ vua dùng trong đại tế thần, ăn cắp ấn tín, ăn cắp tài vật trong nội phủ, ăn trộm quân khí, ăn trộm lúa thóc ngoài đồng…
Hoàng Việt luật lệ quy định: Phàm đã tiến hành trộm cắp nhưng không lấy được đồ thì bị phạt xuy 50 roi (tội xuy có 5 bậc, đánh 10-50 roi, dùng dây mây nhỏ, vừa đánh vừa răn cho biết sỉ), miễn xăm chữ. Trong trường hợp lấy được đồ, không kể là chia tang vật hay không… , thủ phạm và người liên quan bị xăm hai chữ “ăn trộm” ở tay, mỗi chữ to 5 phân, nét to 5 ly.
Quy định chung là vậy nhưng thực tế thì muôn màu muôn vẻ. Trong Châu bản triều Nguyễn còn lưu một số văn bản về việc xử tội trộm cắp lúc bấy giờ. Theo đó, “phàm những kẻ sờ mó trộm cắp, bất luận là tội phạm lần đầu hay tái phạm, đều lập tức thích chữ gông lại, cho làm khổ sai, sau mãn hạn 3 năm thì giao cho dân bảo lãnh”. Kẻ trộm cắp tái phạm nhiều lần thì bị xử đánh gậy, đi đày và thích chữ ở cánh tay phải, nhưng cũng có kẻ bị xử tội chém đầu.
Đạo chích tái phạm tới 10 lần bị xử giảo giam hậu (giam chờ ngày treo cổ). Kẻ đã bị xử phạt đánh gậy, thích chữ vào mặt, sung làm lính ở phủ nhưng không biết hối cải, bỏ trốn hàng ngũ thì bị xử trảm lập quyết (chém ngay). Tuy nhiên, đạo chích trong lúc bỏ trốn mà chịu lao động, không tái phạm đã được xem xét giảm nhẹ tội.
Theo Hồng Nhung (VnExpress.net)