Kẻ sát nhân Nguyễn Hữu Tình rất khó có thể thực hiện việc hiến tạng cho y học

10/07/2018 09:26:49

Video Bị cáo thảm sát 5 người ở Sài Gòn: Tôi xin hiến tạng để chuộc lỗi lầm

Theo các chuyên gia, việc tử tù hiến tạng không bị cấm về mặt pháp lý. Tuy nhiên, tử tù bị thi hành án bằng cách tiêm thuốc độc nên không đảm bảo cho việc hiến xác.

Kẻ sát nhân Nguyễn Hữu Tình rất khó có thể thực hiện việc hiến tạng cho y học
Bị cáo Nguyễn Hữu Tình xin hiến tạng cho y học để được thanh thản hơn.

Ngày 9/7, TAND TP HCM xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê tỉnh An Giang) mức án tử hình về tội "'Giết người", 8 năm tù về tội "Cướp tài sản"; tổng hợp hình phạt chung là án tử hình.

Trước đó, sau khi bị đại diện VKS đề nghị án tử hình, Tình xin lỗi cha mẹ vì chưa thể báo hiếu và xin được hiến tạng cho y học sau khi thi hành án. Đây không phải là lần đầu có bị cáo đối diện với án tử xin được hiến xác cho y học. Trước đó, chủ mưu vụ thảm sát Bình Phước - Nguyễn Hải Dương (27 tuổi, quê tỉnh An Giang) cũng từng xin được hiến xác cho y học.

Từng đề cập tới vấn đề này, luật sư Đỗ Hải Bình (đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, có 3 trường hợp sẽ không được nhận xác tử tù sau khi cơ quan chức năng thi hành: Thứ nhất, tử tù phạm một trong các tội xâm phạm an ninh Quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thứ hai, tử tù bị bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Điểm a, Điểm b, Khoản 1, Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Thứ ba, người xin nhận tử thi không phải là thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đã bị thi hành án tử.

Kẻ sát nhân Nguyễn Hữu Tình rất khó có thể thực hiện việc hiến tạng cho y học - 1
Các chuyên gia cho rằng, Nguyễn Hữu Tình rất khó thực hiện việc hiến xác.

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM) việc tử tù xin hiến tạng cho người khác không bị cấm về mặt pháp lý. Bởi theo Khoản 3, Điều 20, Hiến pháp 2013 quy định "Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật".

Ngoài ra, Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2016 cũng quy định: "Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác".

Tuy nhiên, các tử tù này khó để thực hiện được nguyện vọng của mình. Bởi theo Điều 59 Luật Thi hành án Hình sự năm 2010 thì việc thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc.

Từ đó, luật sư đặt ra những vấn đề: "Khi bị tiêm thuốc độc vào cơ thể liệu các cơ quan nội tạng của tử tù còn đáp ứng được yêu cầu y học và việc cấy ghép mô, nội tạng trên cơ thể tử tù có ảnh hưởng đến sức khỏe của người được tặng hay không?".

Nếu chất độc được tiêm vào trong quá trình thi hành án tử hình ảnh hưởng đến nội tạng, cơ thể tử tù thì khả năng việc hiến mô, bộ phận cơ thể hay hiến xác sẽ không thể thực hiện được. Theo đó, cơ quan chức năng cần có quy định đảm bảo việc thi hành án cũng như việc hiến bộ phận cơ thể và xác nếu tử tù có ý muốn và nhằm nâng cao tính nhân đạo, tính hướng thiện của tử tù.

Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng cho rằng, việc tử tù muốn được hiến tạng rất khó thực hiện. Bởi Luật Thi hành án Hình sự chỉ quy định 1 phương thức tử hình đó là tiêm thuốc độc. Nếu một người muốn hiến tạng, hiến xác thì bộ phận cơ thể phải đảm bảo, nhưng việc tử tù bị tiêm thuốc độc sẽ không đảm bảo điều này.

Theo cáo trạng, từ tháng 1/2009, anh Chinh cùng vợ là chị Hồng và 3 người con nhỏ sinh sống tại quận Bình Tân, TP HCM.

Đến tháng 8/2017, anh Chinh nhận Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê tỉnh An Giang) vào làm thuê tại xưởng.

Nam thanh niên 18 tuổi được hưởng lương 4,5 triệu mỗi tháng, bao ăn, ở. Thế nhưng, Tình lại ham chơi game và nhậu đến sáng dẫn đến làm việc không hiệu quả nên chị Hồng thường la rầy và có ý định sẽ cho anh ta nghỉ việc sau Tết. Biết chuyện, Tình rất ấm ức.

Khoảng đầu tháng 2, các nhân viên khác về quê nghỉ Tết, chỉ còn một mình Tình ở lại làm việc với gia đình anh Chinh. Chiều 12/2 (nhằm ngày 27 Tết 2018), Tình tham gia ăn uống cùng gia đình ông chủ.

Sau đó, người làm công lên lầu nằm ngủ. Đến 16h cùng ngày, anh Chinh gọi Tình dậy phụ lau chùi bàn ghế. Gần 2 giờ sau, Nam thanh niên lên gác ngủ tiếp. Tối hôm đó, Tình thức giấc và nghe được vợ chồng anh Chinh nói chuyện về việc anh ta lười, ngủ nhiều thì rất tức giận. Nam thanh niên bắt đầu nảy sinh những ý định trả thù.

Rạng sáng hôm sau, Tình cầm viên bi sắt dùng tay tâng lên xuống dưới sàn nhà gây tiếng động. Chị Hồng đang ngủ thì giật mình thức dậy và la mắng. Tình lạnh lùng dùng con dao xếp đâm 2 nhát vào ngực chị Hồng rồi đẩy chị này ngã xuống đất.

Chưa dừng lại, hung thủ tiếp tục đâm nhiều nhát vào cổ, cánh tay và lưng của chủ nhà. Nạn nhân cố gắng bỏ chạy xuống tầng trệt.

Nghe thấy tiếng vợ la hét, anh Chinh chạy ra đứng ở cửa phòng ngủ. Thấy vậy, tình xông đến đâm tới tấp vào người gia chủ khiến anh này gục dưới nền nhà. Nghe thấy tiếng khóc của 3 đứa con chủ nhà, Tình lần lượt xuống tay đâm nhiều nhát vào những vùng trọng yếu của những đứa trẻ.

Theo Bảo Minh (Trí Thức Trẻ)