Theo đó, trong quá trình xét hỏi bị cáo tỏ ra lì lợm, trả lời quanh co không đúng vấn đề tòa hỏi. Đứng trước vành móng ngựa bị cáo này tỏ ra ngờ nghệnh, có dấu hiệu mắc chứng bệnh về thần kinh, không hiểu những gì tòa hỏi.
Bị cáo Duy trong phiên xét xử phúc thẩm |
Sau khi kết thúc phiên phúc thẩm, nhiều người đặt câu hỏi rằng nếu xác nhận bị cáo Duy bị tâm thần thì vụ án giết người phân xác sẽ diễn tiến thế nào sau đó?
Trao đổi với PV về vấn đề này, luật gia Nguyễn Trung Tín cho biết, căn cứ theo điểm b, khoản 3 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 đối với những bị can, bị cáo có sự nghi ngờ về tình trạng tâm thần, thì bắt buộc phải trưng cầu giám định.
Nhằm áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội theo tinh thần của Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 thì việc tòa án cấp phúc thẩm sẽ có quyền hoãn phiên tòa để xác minh, thu thập thêm chứng cứ mà cụ thể ở đây là để giám định xem bị cáo có bị tâm thần hay không, theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 352 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
"Thời hạn hoãn phiên tòa phúc thẩm để xét nghiệm tối đa không quá 30 ngày, sau 30 ngày thì bắt buộc phiên tòa xét xử phúc thẩm được mở lại", vị luật gia cho biết.
Còn để xác định được lúc bị can, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội có bị tâm thần hay không thì phải căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra.
"Thông qua vụ án này có thể thấy được rằng, trong hồ sơ điều tra kết luận bị cáo Duy hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình, tinh thần ổn định thông qua lời khai bị cáo. Thế nhưng trong quá trình xét xử phát hiện bị cáo có dấu hiệu tâm thần thì phải trưng cầu giám định, đồng thời xem xét lại tiền sử bệnh án của bị cáo. Sau đó áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, khi hết bệnh thì phải thụ lý án".
Theo Q.T (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)