Cơ quan công an đã khởi tố và bắt tạm giam 5 kẻ trong đường dây bảo kê ở chợ Long Biên - Hà Nội.
Những kẻ "trấn lột" lộng hành ở chợ Long Biên
Cách đây 3 tháng, sau khi nhận được đơn thư phản ánh của các tiểu thương ở chợ Long Biên (TP Hà Nội), nhóm phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vào vai những người buôn bán nhỏ lẻ để điều tra về đường dây "bảo kê" ở chợ Long Biên do ông trùm Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "Kính") là kẻ cầm đầu.
Vào thời điểm đó, Hưng "Kính" là tổ trưởng tổ bốc xếp hàng hóa tại chợ Long Biên và dưới Hưng "Kính" có 4 đàn em đắc lực là Dương Quốc Vương (tức Vương "Lợn", 50 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai), Nguyễn Mạnh Long (tức Long "Cao", 56 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân), Lê Thanh Hải (tức Hải "Gió", 55 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai), Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến "Hói").
Trong các đàn em, những kẻ thường xuyên xuất hiện để thu tiền bảo kê của bà con tiểu thương ở chợ Long Biên có "Hải Gió", "Long Cao" và "Vương Lợn".
Video: Phức tạp hoạt động bảo kê chợ Long Biên (Nguồn: VTV) |
Đây là 3 trong số 10 người thuộc tổ bốc xếp số 2 do Hưng “Kính” làm tổ trưởng. Những người này đều ký hợp đồng thời vụ với Ban quản lý chợ Long Biên.
Dưới vỏ bọc là tổ bốc dỡ hàng hóa thuộc Ban quản lý chợ nên ai không tuân thủ, chúng sẽ ép buộc các chủ hàng phải thuê bốc dỡ, dù tiểu thương không có nhu cầu.
Hàng ngày, tổ bốc dỡ hàng hóa sẽ giao ban vào khoảng 7h sáng để tổng kết số tiền thu được của ngày hôm trước. Bất ngờ nhất, có những cuộc giao ban họ còn bàn bạc cách đối phó với công an về những khoản tiền đã thu mà phóng viên ghi nhận được.
Một tiểu thương cho biết, để được kinh doanh trong chợ, một chủ cửa hàng cần phải có một chỗ đỗ xe để chuyển hàng vào ki-ốt.
Theo quy định của Ban quản lý chợ Long Biên, mỗi xe vào cổng phải đóng tiền vé theo trọng tải, từ 15.000 - 60.000 đồng/lượt, xe nào vào trước thì đỗ trước. Khi đã mua vé cổng, Ban quản lý chợ có trách nhiệm hỗ trợ tiểu thương điều tiết và sắp xếp chỗ đỗ.
Thế nhưng, mọi việc lại không đơn giản như vậy. Sau khi xe vào bãi đỗ, tiểu thương còn phải nộp tiền bãi, một loại tiền không được ghi trong quy định hay bất kỳ loại văn bản giấy tờ nào của chợ. Người đứng ra thu tiền là đội bốc xếp của chợ, đàn em của Hưng “Kính”.
Tiền được thu theo tải trọng xe từ 200.000 - 350.000 đồng/lượt cũng với danh nghĩa là tiền bốc xếp. Nhưng trên thực tế, các tiểu thương đã nộp tiền vẫn phải có người bốc dỡ hàng hóa riêng, những người trong nhóm Hưng “Kính” chỉ đến thu tiền.
Núp bóng là người của Ban quản lý chợ nên nhóm người của Hưng "Kính" đã ngang nhiên coi thường pháp luật, lộng hành quấy rối. Một số tiểu thương có ý phản đối còn bị nhóm của “ông trùm” này dùng đủ các thủ đoạn như chặn xe, gây rối, sắp xếp cá thối vào chỗ ngồi... để chèn ép, bóc lột không thương tiếc.
Một thứ tiền vô lý như vậy, nhưng suốt bao năm qua, nhiều tiểu thương phải cắn răng đóng. Bởi lẽ, với dân buôn bán, nhất là mặt hàng hoa quả thì không có chỗ đỗ xe để bốc hàng cũng đồng nghĩa với phá sản.
Để yên ổn làm ăn, nhiều tiểu thương dù bị o ép quá mức cũng không dám lên tiếng, hay kiện lên Ban quản lý chợ, lên cơ quan chức năng. Họ cho biết, một phần vì sợ “đại ca” Hưng “Kính", một phần vì nghe “ông trùm” này khoe khoang có quan hệ rộng với nhiều cơ quan chức năng.
Sau hơn 2 tháng nhập vai điều tra, ngày 20/9/2018, Đài Truyền hình Việt Nam phát phóng sự ghi lại hình ảnh những gã giang hồ dưới danh nghĩa là các nghiệp đoàn, tổ đội bốc xếp, vận chuyển kiêm bảo vệ đã thẳng tay thu tiền bến bãi, bóc lột bà con tiểu thương gây chấn động dư luận.
Cuộc gặp gỡ chóng vánh với Hưng "Kính"
Trưa 21/9/2018, sau khi tận dụng các mối quan hệ, PV đã liên lạc được với Hưng "Kính". Trong điện thoại, ông Hưng dò hỏi kỹ rồi mời phóng viên tới nhà riêng để nói chuyện.
Căn nhà khang trang của ông Hưng năm ở vị trí đắc địa trên con phố Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Từ đây, di chuyển ra chợ Long Biên mất chưa tới 5 phút.
Trước cuộc trò chuyện, ông Hưng không cho phóng viên ghi hình hay chụp ảnh. Người đàn ông này rót nước rồi lúi húi lấy ra một tập tài liệu. Ông Hưng nói đã mất ngủ cả đêm sau khi phóng sự của VTV đăng tải với nhân vật chính là mình.
Ông Hưng xác nhận người đàn ông khoác khăn, mặc bộ đồ trắng to tiếng chửi tiểu thương trong phóng sự đúng là mình. Người đàn ông này sau đó phân trần rằng mình bị vu oan.
"Lúc đấy anh chỉ nhắc nhở vì người ta đỗ xe dưới lòng đường vì quy định là không được đỗ dưới lòng đường. Thế rồi nó cãi bảo đăng ký với bên ban quản lý nên anh bảo 'có ai thì gọi xuống đây, từ mai cấm không được đỗ ở đường đi để tránh tắc đường và cho mọi người còn buôn bán' và không phải là hình thức đe dọa", ông Hưng nói.
Từ trong bếp, người phụ nữ được cho là vợ của ông Hưng cũng ra nói chuyện. Người phụ nữ này thêm vào: "Khi người ta đăng lên, chồng tôi giật mình luôn vì chồng tôi không sai. Chồng tôi là người trong Ban quản lý chợ - Tổ trưởng tổ 2 tổ bốc dỡ cơ mà".
Ông Hưng sau đó đưa cho phóng viên một số giấy tờ trong đó có đơn kiến nghị gửi các bên liên quan sau phóng sự của VTV. Trong đơn, ông Hưng viết rằng mình là một công dân tốt, luôn chấp hành pháp luật. Ông Hưng cũng khẳng định mình là: "Đối tượng đặc tình của Công an thành phố Hà Nội. Trong thời gian từ 1991 đến 1996, tôi đã từng báo cáo để phá vụ án Khánh 'Trắng'".
Cuộc trò chuyện kéo dài với ông Hưng diễn ra chỉ vỏn vẹn 5 phút, ông Hưng sau đó đuổi khéo phóng viên rằng mình đang ăn cơm trưa và cấm vợ không tiếp tục chia sẻ.
Những kẻ “trấn lột” bị lôi ra ánh sáng
Ngày 21/9/2018, UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu Công an TP Hà Nội chỉ đạo khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm những kẻ có hành vi vi phạm pháp luật.
Đến 24/9/2018, Ban Quản lý chợ Long Biên tạm đình chỉ việc thu tiền bốc dỡ hàng hóa ở chợ này. Đồng thời đình chỉ đối với 2 nhân viên trong tổ bốc xếp là Lê Thanh Hải (Hải "Gió") và Nguyễn Mạnh Long (Long "Cao") và thông báo tới cơ quan công an vào cuộc để điều tra, làm rõ.
Tiếp đó, ngày 30/9/2018, UBND quận Ba Đình quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 1 cán bộ Phó Ban quản lý chợ Long Biên và chỉ đạo Ban quản lý chợ tạm dừng hoạt động của 2 đội bốc xếp trong khu vực chợ Long Biên.
Sau gần 2 tháng điều tra, ngày 5/12/2018, Công an TP Hà Nội khởi tố bị can, bắt tạm đối với Dương Quốc Vương (tức Vương “Lợn”), Nguyễn Mạnh Long (tức Long “Cao”) và Lê Thanh Hải (tức Hải “Gió”) về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Tại buổi họp báo Tổng kết năm 2018 của Bộ Công an, Đại tá Nguyễn Văn Viện - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "Kính") và Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến "Hói") để điều tra về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản".
Công an cáo buộc Hưng Kính là chủ mưu cùng 4 người khác trong đội bốc xếp hàng hóa ở chợ Long Biên cưỡng đoạt tài sản của nhiều tiểu thương.
Trước khi bị bắt vài tuần, Hưng Kính nắm được đang trong tầm ngắm của cơ quan điều tra nên đã xin nằm viện để ghép nội tạng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra biết được việc này của Hưng Kính nhằm trốn tránh nên đã mời lên trụ sở công an và đọc lệnh bắt khởi tố.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Viện - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, đây là loại tội phạm cưỡng đoạt tài sản tinh vi. Khi bị đưa hình ảnh lên truyền hình, Hưng "kính" và đồng bọn đã đe dọa các tiểu thương nên nhiều người không dám tiếp tục tố giác. Cơ quan điều tra bí mật lập hòm thư, kêu gọi tiểu thương cung cấp tài liệu cho cơ quan điều tra để củng cố thêm chứng cứ.
Cơ quan điều tra đã giám định âm thanh, giọng nói tuy nhiên vẫn chưa thể cáo buộc nhóm bảo kê nhận tiền. Thậm chí "khi triệu tập nhóm 'bảo kê', tất cả đều khai việc thu tiền là do thỏa thuận bốc xếp với tiểu thương, không có việc ăn tiền", ông Viện cho biết thêm.
Khám xét khẩn cấp phòng làm việc của Phó Ban quản lý chợ Long Biên, cơ quan điều tra thu giữ 23 thùng tài liệu, tuy nhiên các hóa đơn đã được tẩy xóa chỉnh sửa nên chỉ chứng minh được nhóm này cưỡng đoạt 17 triệu đồng của tiểu thương.
Đến tối cùng ngày (4/1/2018), lực lượng chức năng có mặt tại nhà của Nguyễn Kim Hưng (Hưng "kính") ở số 11 Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) để thực hiện lệnh khám xét.
Một cán bộ công an có mặt tại buổi khám xét cho biết, hiện tại Hưng "kính" đã bị bắt tạm giam để Công an TP Hà Nội điều tra.
Theo Tùng Lâm (VOV.vn)