Ngày 27/6, TAND tỉnh Nghệ An tiếp tục phiên tòa hình sự xét xử bị cáo Nguyễn Thị Lam và 15 cán bộ nhân viên Eximbank trong vụ án chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng của khách hàng VIP.
Qua mặt
Tiếp tục với khách hàng VIP, ông Trương Đức Cầm, HĐXX hỏi bị cáo Đặng Đình Hồng (nguyên GĐ Phòng Giao dịch Eximbank Đô Lương) về quy định mở tài khoản tiết kiệm lần đầu tại Eximbank.
Bị cáo Hồng trình bày, theo quy định của Eximbank, khách hàng mở tài khoản lần đầu phải đến trực tiếp ngân hàng. Tuy nhiên, việc ông Cầm có trực tiếp đến mở tài khoản lần đầu hay không thì vị này không nắm rõ, nhưng khi Lam đưa giấy tờ đến thì ông vẫn ký.
Bị cáo vẫn biết phải làm theo quy định, nhưng cần có sự linh động. Khi vụ án xảy ra, bị cáo nghĩ nhân viên đã hiểu sai vấn đề. Bởi khi chỉ đạo, bị cáo đã có văn bản cụ thể, ghi rõ làm những gì.
Bị cáo Đặng Đình Hồng
Trong 7 sổ tiết kiệm của ông Cầm, Lam tất toán 6 sổ, còn 1 sổ Lam mạo danh chữ ký ông Cầm rút 500 triệu đồng để xây nhà cho bố mẹ chồng (29/9/2015).
Ngoài những số tiền đã nêu, đầu năm 2014, Lam nhận của bà Võ Thị Hương (chị dâu ông Cầm) 570 triệu đồng để gửi tiết kiệm giúp ông Cầm, nhưng Lam đã không gửi mà lấy tiền sử dụng.
Trình bày với HĐXX, bà Hương cho biết, sau khi sự việc bị phát hiện, Lam nói sẽ gạt cho bà 1 căn hộ chung cư tại TP. HCM bù vào số tiền 570 triệu này.
Theo cáo trạng, đến ngày 30/12/2016, bà Hương có 11 sổ tiết kiệm gửi tại Eximbank Đô Lương với số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Sau này, khi có nhu cần kinh doanh, bà Hương đặt vấn đề vay tiền với Lam. Nhân cơ hội này, Lam nói sẽ làm thủ tục cho bà vay tiền ngắn hạn mà không cần rút sổ tiết kiệm.
Để có tiền cho bà Hương vay, Lam đã yêu cầu các giao dịch viên làm lệnh chi, rút tiền tại các sổ tiết kiệm. Sau khi rút tiền, Lam đưa lệnh chi và tiền cho bà Hương ký vay.
Vị khách hàng VIP này không biết đây là số tiền Lam rút từ sổ tiết kiệm của mình.
Trước HĐXX, nhiều bị cáo thừa nhận, việc thực hiện lệnh chi thông qua các giao dịch viên mà không có mặt của người gửi tiết kiệm là sai. Họ nghĩ bà Hương là khách VIP nên có thể thực hiện giao dịch tại nhà.
Bị cáo Đặng Đình Hồng kể đã yêu cầu các giao dịch viên linh động cho trường hợp bà Hương, nhưng vẫn phải thực hiện đúng trình tự Eximbank.
Theo cáo trạng, số tiền chiếm đoạt từ bà Hương, Lam dùng 1,52 tỷ đồng xây nhà cho bố mẹ chồng; 230 triệu trả lãi tiết kiệm cho bà Hương; 720 triệu trả nợ cho anh Tuấn (chồng); mua xe ô tô hết 900 triệu; xây nhà 300 triệu đồng; mua máy giặt là công nghiệp 520 triệu..
Ưu tiên hay làm hại khách VIP
Tháng 9/2015, thông qua bị cáo Lam, ông Nguyễn Tiến Nam (trú tại huyện Đô Lương) đã gửi 24 sổ tiết kiệm với số tiền 51,6 tỷ đồng tại ngân hàng Eximbank Đô Lương. Đến tháng 8/2016, ông Nam còn lại 13 sổ tiết kiệm, với tổng số tiền hơn 28 tỷđồng.
Trình bày tại tòa, ông Nam cho biết, Lam đã mang giấy ủy nhiệm chi trắng không có thông tin (chỉ có chữ mẫu) đến ký để lấy tiền khuyến mại, với số tiền 1 triệu/sổ.
Lợi dụng các ủy nhiệm chi do ông Nam ký khống, Lam yêu cầu giao dịch viên và kiểm soát viên “Chuyển tiền từ tài khoản tiết kiệm của ông Nam sang tài khoản không kỳ hạn”.
Tiếp đó, Lam chuyển ủy nhiệm chi đến tài khoản cá nhân cho ông Nam để mua hàng. Oái ăm, Lam thực hiện ý đồ chuyển tiền đến các tài khoản cá nhân mà Lam nhờ tài khoản từ đó rút ra để chiếm đoạt.
Tại cơ quan điều tra, bị cáo Lam khai đã nhờ anh Nguyễn Trung Hiếu mượn tài khoản người thân để rút 26,5 tỷ đồng của ông Nam. Từ số tiền này Lam cho Hiếu vay 12 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại phiên tòa, anh Hiếu nói mình không vay Lam 12 tỷ, Hiếu muốn giúp đỡ Lam nên tự nhận như vậy.
HĐXX hỏi về quy định ủy nhiệm chi, bị cáo Hồng trình bày, khi thực hiện ủy nhiệm chi phải có mặt của khách hàng, vì ông Nam là khách VIP nên Lam thực hiện tại nhà.
Ông Hồng cũng thừa nhận sai sót khi chỉ kiểm tra chữ ký, thông tin khi không có mặt của ông Nam.
HĐXX hỏi, làm rõ hành vi phạm tội của một số bị cáo. Đa phần các bị cáo đều nhận sai khi bỏ qua một số thủ tục quy định dẫn đến việc Lam rút và chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Sau phần trả lời của các bị cáo, HĐXX nhận xét bị cáo Lam thông minh, rất tinh vi khi qua mặt được các quy trình và cán bộ ngân hàng.
Đặng Đình Hồng trả lời, bị cáo vẫn biết phải làm theo quy định, nhưng cần có sự linh động. Khi vụ án xảy ra, bị cáo nghĩ nhân viên đã hiểu sai vấn đề. Bởi khi chỉ đạo, bị cáo đã có văn bản cụ thể, ghi rõ làm những gì.
Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Lam và đồng phạm tiếp tục hôm nay.
Theo Phạm Tâm- Quốc Huy (VietNamNet)