Những con số trong đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh. Nguồn: Zing
Trước đó, tại các phiên tòa xét xử kéo dài từ ngày 8.1 đến ngày 2.2, bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê và những bị cáo được xác định có vai trò đồng phạm đã thừa nhận tội hoặc thừa nhận có sai sót trong quá trình tác nghiệp.
Đại diện VKSND thực hành quyền công tố tại tòa cho rằng, căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo và các tài liệu, chứng cứ khác đủ cơ sở xác định 46 bị cáo trong đại án này phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ quan điểm buộc tội này, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo phạm tội danh nêu trên, áp dụng mức án cụ thể đối với các bị cáo như sau:
Bị cáo Phạm Công Danh 20 năm tù, tổng hợp với bản án 30 năm tù trong giai đoạn 1 của đại án này, buộc Danh chấp hành mức án là 30 năm tù; bị cáo Trầm Bê bị đề nghị 5-6 năm tù; bị cáo Phan Thành Mai bị đề nghị 13-15 năm tù cùng về tội danh trên, tổng hợp bản án phúc thẩm là 30 năm tù.
4 thuộc cấp khác của Danh là Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) bị đề nghị 11-13 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 30 năm tù. Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó Giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) bị đề nghị 4-5 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 23-24 năm. Bị cáo Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng ban Kiểm soát VNCB) bị đề nghị 6-7 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 16-17 năm. Bị cáo Phan Minh Tùng (Kế toán hành chính tập đoàn Thiên Thanh) bị đề nghị 5-6 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 12-13 năm.
Thuộc cấp của Trầm Bê là Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) bị đề nghị 4-5 năm tù. Bị cáo Nguyễn Việt Hà (Tổng Giám đốc công ty quản lý Quỹ Lộc Việt) bị đề nghị 6-7 năm tù.
36 bị cáo khác là Giám đốc các công ty “ma”, Giám đốc, Phó Giám đốc các ngân hàng bị đề nghị từ 2-5 năm tù và cho hưởng án treo.
Về mặt dân sự, VKS đề nghị HĐXX tuyên giải tỏa kê biên đối với căn nhà trên đường An Dương Vương (quận Bình Tân, TP.HCM) để trả lại cho bà Viên Tú Anh vì căn nhà này không liên quan đến hành vi phạm tội của Trầm Bê. Đối với căn nhà trên đường Hồng Bàng (quận 6) được xác định là nhà của Trầm Bê, đề nghị HĐXX xử lý theo quy định pháp luật.
Về khắc phục hậu quả, đề nghị HĐXX yêu cầu bộ Công an thu hồi trên 6.126 tỷ đồng được xác định là tiền thiệt hại trong vụ án từ các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank trả cho CB (VNCB bị ngân hàng nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng. NHNN chấp nhận cho HĐQT mới tiếp quản, đồng ý đồi tên thành Ngân hàng Xây Dựng – CB) để khắc phục hậu quả.
Phạm Công Danh và các công ty của tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm bồi hoàn trên 6.126 tỷ đồng cho 3 ngân hàng mà Danh gửi tiền sang cầm cố.
Buộc Nguyễn Việt Hà phải nộp lại trên 69 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính, sung công quỹ Nhà nước.
Đại diện Viện KSND TP.HCM cũng kiến nghị: Nếu không có hành vi cố ý làm trái của lãnh đạo 4 ngân hàng gồm VNCB, Sacombank, BIDV, TPBank thì Danh không thể dùng tiền của VNCB bảo lãnh để 3 ngân hàng cho 29 lượt công ty vay bằng toàn bộ hồ sơ khống, không có thiệt hại.
Ngoài các bị cáo bị xét xử, kiến nghị cơ quan điều tra Bbộ Công an điều tra làm rõ xử lý theo quy định đối với những cá nhân có trách nhiệm tại các ngân hàng nêu trên.
Trong lời nói sau cùng, Phạm Công Danh cho biết VNCB là tâm huyết cả đời của mình nên tìm mọi cách để cứu ngân hàng, mới dẫn đến những thiếu sót. Danh mong xem xét cho mình được khắc phục thiệt hại, đồng thời xin xem xét cho các thuộc cấp của mình.
Các thuộc cấp của Danh cũng thừa nhận sai phạm, nhưng cho rằng mình chỉ làm việc theo chỉ đạo, không được hưởng lợi. Nhiều bị cáo như Phan Thành Mai, Đặng Thị Bích Thủy khóc thành tiếng, ân hận trong lời nói sau cùng và xin HĐXX xem xét cho mình được giảm án.
Đồng phạm của Danh là Trầm Bê trong lời nói sau cùng đã gửi lời xin lỗi đến lãnh đạo, nhân viên Sacombank. Trầm Bê thừa nhận có sai nhưng không cố ý lám trái. “Tôi có sai nhưng tôi nghĩ không đến nỗi phải bị xử lý hình sự. Xin HĐXX xem xét cho tôi được cải tạo chứ không giam giữ, hoặc mức án thấp nhất. “Nếu bị tuyên 5 năm tù giam là quá nặng. Tôi đóng góp nhiều cho xã hội. Tôi mong được xem xét thấu tình, tuyên mức án mà tôi cảm thấy thuận tình, đừng bắt tôi phải chống án”, Trầm Bê nói.
Thuộc cấp Trầm Bê là Phan Huy Khang tỏ ra hối tiếc, xin được rút kinh nghiệm và mong được tuyên mức án thấp. Đồng thời, Khang xin HĐXX giảm án cho Trầm Bê, bởi hàng ngàn người được Trầm Bê tạo công ăn việc làm cũng khẩn xin như thế.
Như đã thông tin trước đó, thời điểm giữa năm 2012, Ngân hàng TMCP Đại Tín – TrustBank có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm Thiên Thanh (do Phạm Công Danh đại diện) sở hữu 84,92% cổ phần.
Tháng 9.2012, ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Trustbank. Lúc này, Danh nắm toàn bộ quyền chi phối ngân hàng. Danh đưa người của mình vào tiếp quản và điều hành mọi hoạt động của Trustbank.
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nhân sự, Phạm Công Danh đã triệu tập, tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 7.2.2013 và chính thức đảm nhiệm chức danh Chủ tịch hội đồng Quản trị (HĐQT) Trustbank. Đến ngày 23.5.2013, Trustbank được đổi tên thành ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Kể từ lúc này, ông Danh đã chỉ đạo HĐQT, ban điều hành và ban kiểm soát của VNCB, cấp dưới thuộc tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện lập các hồ sơ vay vốn khống rút tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng gồm Sacombank, TPBank, BIDV để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do các công ty ông Danh thành lập, hoặc mượn pháp nhân đứng tên trên hồ sơ vay của 3 ngân hàng này với tổng số tiền là 6.126 tỷ đồng.
Do các công ty chỉ làm hồ sơ vay khống, không hoạt động kinh doanh như trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV sau đó đã thu hồi toàn bộ số tiền nợ từ VNCB. Hành vi trên của Danh và đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB số tiền 6.126 tỷ đồng.
Theo Công Thư (Nguoiduatin.vn)