Được biết, ngày 28.1.2015, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt bị cáo Vũ Ngọc Thuyển 4 năm tù về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" theo điểm d, khoản 2, Điều 226b, Bộ luật Hình sự.
HĐXX xử gồm ông Đinh Quang Sơn - Chủ tọa phiên tòa, ông Ngô Anh Dũng, ông Nguyễn Minh Thuận - Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội. Đại diện VKSND Cấp cao là Lê Như Quỳnh, Kiểm sát viên cao cấp.
Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, vào 9h15 sáng 27.7 HĐXX bắt đầu làm việc. Trả lời trước HĐXX, Thuyển trả lời khá rành rọt từng câu hỏi của vị thẩm phán trong phần xét hỏi căn cước.
Tại phiên tòa ngày 27.7, khi được hỏi nguyên nhân kháng cáo, Thuyển trình bày: “Bản án sơ thẩm thì tất cả nội dung đều không đúng”.
Thuyển cũng cho rằng sau khi làm giám đốc MB24 tại Bắc Giang, bị cáo đi mua đồ đạc, trang thiết bị. Bị cáo không nhận tiền của ai. Toàn bộ số tiền đó là họ tự nguyện chứ không chiếm đoạt. Việc thu chi, bị cáo không quản lý nên không nắm được, bị cáo là người bị hại chứ không phải là bị cáo trong vụ án này. Mong HĐXX xem xét về bản án mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên. Bị cáo đề nghị hủy án, điều tra lại từ đầu…
Vũ Ngọc Thuyển tại phiên tòa. |
Trong phần xét hỏi, khi được chủ tọa phiên tòa hỏi, bị cáo Thuyển đã khai, Thuyển làm giám đốc MB 24 từ tháng 10.2011. Ban đầu chi nhánh MB24 tại Bắc Giang chỉ có vài người là Hà và Huy, sau đó có Lê Thị Mai và Nghiêm Thị Giang làm kế toán. Đến tháng 7.2012 chi nhánh này dừng hoạt động.
Tuy nhiên trong phần xét hỏi, Thuyển đã nhiều lần trả lời là không nhớ hoặc không rõ, đặc biệt khi nói về giấy phép hoạt động. Thuyển cho rằng MB24 có giấy phép nhưng kinh doanh lĩnh vực gì thì bị cáo này nói không nhớ hết. Khi HĐXX có được cấp giấy phép giao dịch điện tử hay không thì Thuyển bảo không để ý.
Trình bày công thức hoạt động thì Thuyển cũng nói không nắm được. Mọi giao dịch chỉ thực hiện theo hướng dẫn của công ty mẹ trên web MB24.
Nói về những gian hàng, Thuyển cũng trả lời là không thể biết bao nhiêu gian hàng. Riêng Thuyển có 9 gian hàng. Số tiền hoa hồng mà Thuyển kiếm được là 574 triệu đồng.
Tòa cũng hỏi số tiền chi phí, thuê mặt bằng, trả lương, Thuyển khai không nhớ rõ bởi tất cả tài liệu đó đã chuyển cho CQĐT. Nói về số tiền 574 triệu đồng, Thuyển cũng khai trước tòa: “Đây là số tiền mà công ty mẹ MB24 trả hoa hồng cho bị cáo”.
Không chỉ có thế, Thuyển cũng lý giải trước tòa, những người mua gian hàng là hoàn toàn tự nguyện. Việc sinh lợi là do việc bán hàng trên các gian hàng đó.
Tuy nhiên vị chủ tọa phiên tòa cho biết, đó chỉ là những gian hàng ảo.
“MB24 của anh thực chất chỉ lấy tiền người trước trả cho người sau, khi người chơi phát hiện ra thì họ ngừng chơi. Và thực sự kiểu kinh doanh này chưa được cấp phép” - vị chủ tọa nhấn mạnh.
Sau khi kết thúc phần xét hỏi, HĐXX chuyển sang phần kết luận. Vị đại diện cho VKS Cấp cao đọc bản kết luận, trong đó đề nghị: Cần xem xét lại bản án để làm rõ những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (bị hại). Đưa công ty mẹ MB24 vào tham gia tố tụng để làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ án.
Các luật sư của bị cáo Vũ Ngọc Thuyển cũng đồng ý với quan điểm của vị VKSND Cấp cao: “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với đại diện VKSND Cấp cao, huỷ bản án sơ thẩm, điều tra lại từ đầu. Yêu cầu CQĐT điều tra lại hành vi của bị cáo để tránh oan sai”.
Được nói lời sau cùng, trước khi bước vào phần nghị án, Thuyển trình bày: “Mong HĐXX xử đúng người, đúng tội”.
Sau thời gian nghị án, đến 11h20 HĐXX công bố quyết định. Theo đó HĐXX đã thảo luận các ý kiến và thấy rằng vụ án này có nhiều tình tiết phức tạp. Để có chứng cứ quyết định bản án của bị cáo, HĐXX quyết định quay lại phần xét hỏi.
Theo đó khi được hỏi Thuyển vẫn xin hủy án, điều tra lại từ đầu. HĐXX cũng cho biết, để bản án rõ ràng thì điều cần thiết phải triệu tập được những người có nghĩa vụ liên quan. Do đó, HĐXX quyết định dừng phiên để triệu tập những người có nghĩa vụ liên quan để tiếp tục xét xử.
Theo Đ.G (Nguoiduatin.vn)