Đây là vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nguyên đơn là CTCP phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (Grab).
Vào ngày 7/3/2018, TAND TP.HCM đã kết thúc phiên xử bằng một quyết định tạm đình chỉ xét xử, để các bên tiếp tục bổ sung chứng cứ, hồ sơ. Tại phiên tòa này, Vinasun cho rằng đã bị mất 75 tỷ đồng lợi nhuận trong thời gian năm 2016 và hai quý đầu năm 2017.
Trong đó, Vinasun bị thiệt hại trên 41 tỷ đồng do Grab gây ra. Vinasun lập luận, do Grab lợi dụng “Đề án 24” của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) để thực hiện hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Vinasun. Theo Vinasun, trong một văn bản của Sở GTVT TP.HCM, tính đến tháng 6/2017, Grab đăng ký 12.913 xe, chiếm 54,25% (Uber có 10.887 xe, chiếm 45,75%).
Phía Vinasun nói Grab không chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm kết nối như đã giải trình với các cơ quan chức năng của Việt Nam. Khi khách hàng đặt xe và sử dụng dịch vụ Grab, khách hàng thanh toán bằng cách chuyển thẳng từ tài khoản của khách hàng vào tài khoản Grab. Điều này khẳng định khách hàng đã thanh toán cho dịch vụ vận chuyển, chứ không phải thanh toán cho việc thuê phần mềm dịch vụ. Vì vậy, Vinasun cho rằng, việc nói “Grab là công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải và không phải là nhà cung cấp dịch vụ vận tải” là một sự ngụy biện, để lách luật, trốn thuế.
Đáp trả lại các cáo buộc trên, đại diện Grab cho rằng, giả sử Grab có vi phạm các điều kiện về kinh doanh vận tải, taxi thì Vinasun cũng chưa đưa ra được bằng chứng chứng minh đó là nguyên nhân dẫn đến việc VinaSun bị giảm thiểu khách hàng.
Ngoài cáo buộc ảnh hưởng đến lợi nhuận, Vinasun còn nói Grab khiến 8.000 nhân viên của Vinasun mất việc.
Theo Dương Nguyễn (Người Tiêu Dùng)