Tính đến nay, Công an TP.HCM và một số tỉnh thành trong cả nước đã khởi tố bị can, bắt tạm giam gần 300 người liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm. Những người này bị khởi tố về các tội: “Môi giới hối lộ”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Giả mạo trong công tác”; “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”.
Đây được coi là sai phạm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực đăng kiểm bị phanh phui, khi mà hai đời cục trưởng đều bị khởi tố.
Cơ quan công an vừa khám xét thêm các chi cục, trung tâm đăng kiểm trong cả nước, cho thấy công tác mở rộng điều tra vẫn đang được tiến hành để xử lý dứt điểm gốc rễ sai phạm.
Trong quá trình Công an TP.HCM và các tỉnh thành điều tra về các trung tâm đăng kiểm, nhiều nơi bị đóng cửa hoặc “tự viện lý do” để dừng hoạt động, dẫn đến việc đăng kiểm xe cơ giới ở một số địa phương bị ùn ứ, gặp khó khăn. Trước tình hình này, Bộ GTVT và các ngành chức năng liên quan đã giải quyết, yêu cầu và cho phép các trung tâm đăng kiểm đó hoạt động trở lại.
Đại diện Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM, khẳng định: “Việc các trung tâm đăng kiểm hoạt động trở lại không ảnh hưởng đến tiến trình điều tra. Bởi vì trước đó cơ quan công an đã hoàn tất việc thu thập chứng cứ, tài liệu và làm rõ vai trò từng người liên quan”.
Công an TP.HCM đã làm rõ, nhân viên, đăng kiểm viên tại các trung tâm nhận tiền của các chủ xe, từ đó bỏ qua các lỗi vi phạm bằng các thủ đoạn như làm ngơ các lỗi vi phạm khi kiểm tra thủ công; cho thuê phụ tùng đảm bảo tiêu chuẩn để thay tạm khi kiểm định xe; dùng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải…
Tại một số trung tâm còn dùng "chiêu" sử dụng những nhân viên bình thường mặc đồng phục đăng kiểm viên để vận hành dây chuyền kiểm định xe cơ giới, thậm chí giả chữ ký đăng kiểm viên ký vào hồ sơ kiểm định.
Ngoài ra, tại Bến Tre, công an đã phát hiện, làm rõ 2 nhân viên Trung tâm Đăng kiểm 71-02D phối hợp với người ngoài viết phần mềm để can thiệp trái phép vào cơ sở dữ liệu và chỉnh sửa thông số kiểm định xe cơ giới. Họ đã bán cho một số trung tâm đăng kiểm, trong đó có Trung tâm Đăng kiểm 71-02D để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.
Đưa và nhận hối lộ trong ngành đăng kiểm diễn ra như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khi nói về sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm đã nhấn mạnh, đây là vụ việc tham ô, tham nhũng tập thể, có hệ thống trên phạm vi rất rộng. Bởi vì cứ xử lý mỗi xe không đủ tiêu chuẩn, cấp phòng được bao nhiêu, cấp cục sẽ được chia thế nào. Từ vụ việc này, công tác quản lý đăng kiểm thế nào cũng cần được đặt ra.
Quá trình điều tra, đến nay Công an TP.HCM và một số tỉnh thành đã làm rõ về việc đưa và nhận hối lộ xảy ra trong ngành đăng kiểm.
Cụ thể, tại các trung tâm đăng kiểm, các đối tượng “cò” móc nối với chủ phương tiện chung chi tiền cho các nhân viên, đăng kiểm viên để cố ý bỏ qua các lỗi vi phạm. Số tiền nhận được phần lớn được giữ lại cho ban giám đốc các trung tâm đăng kiểm, còn lại là để chia cho các nhân viên, đăng kiểm viên và làm quỹ hoạt động.
Vì thế, hình thành “luật ngầm”, các chủ phương tiện đưa xe đi đăng kiểm đều cố tình “bỏ quên” tiền ở vị trí cố định trên xe cho các nhân viên, đăng kiểm viên nhận lấy.
Ngoài ra, về cấp độ quản lý, những cán bộ phòng, ban và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nhận hối lộ một cách đều đặn như nhận lương và diễn ra trong thời gian dài.
Theo Đại tá Trần Văn Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM), với vai trò người đứng đầu cơ quan quản lý hoạt động đăng kiểm, ông Trần Kỳ Hình (Cục trưởng Cục Đăng kiểm giai đoạn tháng 4/2014 đến tháng 8/2021) và sau này là ông Trần Việt Hà (Cục trưởng giai đoạn tháng 8/2021 đến nay) đã nhận hối lộ số tiền hàng trăm triệu đồng để ký duyệt mã số đăng kiểm và giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, dù biết rõ các trung tâm đăng kiểm này chưa đủ điều kiện theo quy định.
Những ông này hàng tháng, hàng quý nhận tiền hối lộ của giám đốc các trung tâm đăng kiểm, khi thì nhận tiền trực tiếp hoặc thông qua trung gian là cấp dưới. Điển hình như ông Trần Kỳ Hình khi làm cục trưởng đã nhận tiền từ các trung tâm đăng kiểm khắp các tỉnh thành thông qua ông Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng Kiểm định phương tiện cơ giới).
Bên cạnh đó, các trung tâm đăng kiểm cũng phải chung chi định kỳ hàng tháng, hàng quý cho lãnh đạo, nhân viên các phòng ban, trong đó nhiều nhất là Phòng Kiểm định phương tiện cơ giới.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã nhìn nhận thẳng thắn về tiêu cực trong ngành đăng kiểm.
Ông cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tiêu cực là do đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Sở GTVT các địa phương nhưng không đi cùng giám sát, kiểm tra. Việc nở rộ các trung tâm đăng kiểm, cho thành lập các trung tâm đăng kiểm vô tội vạ dẫn đến việc một số trung tâm không đủ doanh thu để bù đắp chi phí, nên dẫn đến tiêu cực.
Bộ trưởng GTVT đề nghị UBND tỉnh, Sở GTVT các địa phương phối hợp cùng Bộ, Cục Đăng kiểm để phân tích rõ nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp để bịt lỗ hổng.
Theo Đàm Đệ (VietNamNet)