Năm 2015, “Chương trình "Trái tim Việt Nam" thuộc trung tâm Hỗ trợ người nghèo phát triển nông thôn mới do ông Trần Đức Trung làm Chủ tịch, bị phản ánh lừa đảo và có khoảng 20 cơ quan báo đài thông tin về việc này.
Kể từ đây, ông Trung doạ kiện hầu hết các cơ quan báo chí khi đăng tải thông tin về sự việc trên. Không những thế, khi bị Bộ TT&TT thu hồi thẻ nhà báo, ông này cũng doạ kiện.
Thu tiền của bà con nghèo ở 20 tỉnh/thành
Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới do ông Trung làm Chủ tịch Hội đồng thành viên và bà Lê Hằng làm Tổng giám đốc đã lập ra Chương trình “Trái tim Việt Nam”. Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới trực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn Việt Nam (trụ sở 308-309 tòa nhà 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội). Cặp đôi Trung- Hằng, không chỉ điều hành hoạt động tại trung tâm Hỗ trợ người nghèo phát triển nông thôn mới mà còn song hành khi đến các cơ quan báo chí doạ kiện.
Tìm hiểu của PV Tiền Phong cho thấy, ông Trung, bà Hằng lập ra Chương trình “Trái tim Việt Nam”, qua đó huy động tiền của bà con nông dân ở khoảng 20 tỉnh, thành trên khắp cả nước bằng hình thức đa cấp, với tổng số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Mục đích của chương trình, theo như quảng cáo, là dùng số tiền này để hỗ trợ cho người nghèo trên toàn quốc. Nhưng trên thực tế, nhiều hộ dân nghèo mới chỉ nhận được sổ tiết kiệm do chính trung tâm này phát hành, chưa hề có tiền…
Trước tình trạng huy động tiền có nhiều khuất tất này, Hội Nông dân ở nhiều địa phương đã phát đi thông báo cảnh báo bà con nông dân cảnh giác và không tham gia vào hoạt động huy động tiền có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Chương trình “Trái tim Việt Nam”.
Vào tháng 11/2015, báo Tiền Phong vào cuộc và đã có loạt bài phản ánh về “Kỳ lạ “Hỗ trợ người nghèo” kiểu đa cấp”; “Chương trình 'Trái tim Việt Nam': Huy động tiền rầm rộ, làm từ thiện hời hợt”; “Thu hồi giấy phép trang tin Doanh nghiệp và Thương hiệu”… Sau đó là những ngày ông Trần Đức Trung dồn dập đến toà soạn “trả đũa” bằng cách doạ kiện nếu không gỡ bài. Với bằng chứng không thể chối cãi mà PV Tiền Phong đã thu thập được, ông Trần Đức Trung đành rút lui. Vào thời điểm này, nhiều báo, đài cũng dồn dập có những bài điều tra về chương trình “Trái tim Việt Nam”.
Và ông Trần Đức Trung cũng nổi tiếng từ đây, được đồng nghiệp và công chúng biết tới xung quanh chương trình Trái tim Việt Nam, và ông cũng thừa nhận với PV Tiền Phong là nhạc trưởng” của chương trình này.
Tìm hiểu của PV, được biết, ông Trung cũng lần lượt gõ cửa các cơ quan báo đài doạ kiện nếu không rút bài, đính chính. Cụ thể, ngày 10/11/2015, ông Trần Đức Trung đã phát đơn tới cơ quan chức năng “tố cáo” một số phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo một số cơ quan báo chí đã phát, đăng những thông tin “vu cáo” hoạt động của ông này…
Ngày 11/11/2015, báo Nhà báo và Công luận phát đi thông báo: Ông Trung có một thời gian ngắn làm việc tại báo, nhưng từ năm 2011 BBT đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông này. Sau khi thôi việc ở báo Nhà báo & Công luận, ông Trung phải nộp lại thẻ nhà báo theo quy định, tuy nhiên ông này đã không thực hiện nghiêm túc theo quy định.
“Việc ông Trung tiếp tục sử dụng thẻ nhà báo với tư cách báo Nhà báo & Công luận để hoạt động báo chí là một việc làm bất hợp pháp, đã xâm phạm nghiêm trọng tới uy tín của báo Nhà báo & Công luận nói riêng và giới báo chí nói chung” – trích Thông báo của báo Nhà báo & Công luận.
Tới ngày 12/11/2015 Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1971, thu hồi thẻ nhà báo mang số hiệu IBT 00050, thời hạn 2011-2015 của ông Trần Đức Trung. Thẻ nhà báo của ông Trần Đức Trung được cấp tại Báo Nhà báo và Công luận, thuộc Hội Nhà báo Việt Nam. Theo đó, báo Nhà báo và Công luận đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Trung từ năm 2011, vì vậy báo này có trách nhiệm thu hồi thẻ nhà báo của ông Trung, nộp về Bộ trước ngày 20/11.
Khi có quyết định thu hồi thẻ nhà báo, ông Trần Đức Trung khẳng định với PV, “bản thân không làm gì sai trái nên không ai có thể thu thẻ nhà báo của mình”. Ông Trung cũng dọa kiện nếu ai đó "dám" thu thẻ nhà báo của ông ta. Ngày 19/11, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử đã có quyết định thu hồi giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên Internet cấp cho tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu.
Công an vào cuộc, cảnh báo lừa đảo
Được biết, ngày 24/11/2015, lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Bắc Giang (PC46) cho biết, đơn vị này đang tập trung điều tra, làm rõ những hành vi liên quan đến các cơ sở thuộc Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (đơn vị tổ chức chương trình "Trái tim Việt Nam”) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Theo PC46 Công an tỉnh Bắc Giang, hiện trên địa bàn tỉnh này có 3 địa điểm do ông Trần Đức Trung lập ra với tên gọi “Điểm tư vấn thông tin chương trình trái tim Việt Nam”.
Báo Nhà báo và Công luận phát đi cảnh báo vào ngày 11/11/2015. |
Vào thời điểm này, Cục An ninh Nông nghiệp nông thôn (A86 - Bộ Công an) đã có văn bản yêu cầu công an các tỉnh tiến hành tuyên truyền để người dân nắm rõ thủ đoạn của chương trình “Trái tim Việt Nam” và không tham gia chương trình này.
Tới ngày 14/3/2016, Bộ TT&TT đã ra Quyết định số 289 về việc cấp Thẻ nhà báo giai đoạn 2016 - 2020 cho hai nhà báo của Tạp chí Doanh nghiệp & Thương hiệu, trong đó có ông Trần Đức Trung. Quyết định 289 nêu rõ: Thẻ nhà báo thời hạn 2016-2020 có giá trị sử dụng từ ngày cấp.
Cầm trên tay tấm thẻ nhà báo mới, ông Trần Đức Trung trở lại trụ sở báo Tiền Phong yêu cầu phải gỡ bỏ những tin, bài liên quan tới ông này vào tháng 4/2017, song không được chấp thuận. Được biết, thời điểm này ông Trung cũng đến trụ sở một số cơ quan báo chí khác có đăng tải thông tin liên quan tới bản thân ông.
Ngày 12/4/2017, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã bắt tạm giam ông Trần Đức Trung (SN 1961), nguyên Chủ tịch HĐQT và bà Lê Thị Hằng (SN 1963), Tổng giám đốc “Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới” để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Minh Đức (Tiền Phong)