“Tuấn chợ Gốc” - ông trùm giấu mặt
Mặc dù là ông trùm của đường dây đánh bạc và tổ chức đánh bạc quy mô hàng nghìn tỷ đồng, nhưng "Tuấn chợ Gốc" lại tỏ ra là một người rất giản dị, không hề phô trương. Tuấn không sử dụng siêu xe mà thường sử dụng chiếc xe ôtô đã cũ từ lâu có giá vài trăm triệu đồng. Mọi người thường biết đến Tuấn với cái tên “Tuấn chợ Gốc” vì gắn liền với địa danh Chợ Gốc ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Nhưng những ai quen thân sẽ biết Tuấn có một cái tên khác rất “khiêm tốn”, đó là “Tuấn 2 nghìn”. Bởi Tuấn rất ít khi có tiền trong người, hoặc có thì cũng chỉ là vài tờ 2 nghìn đồng để uống trà đá. Với vỏ bọc như vậy, mới thoạt nhìn, ít người nghĩ Tuấn là người “có tiền”.
Tuy là vậy, nhưng khi đi mua nhà đất, Tuấn lại như “lột xác” thành một con người hoàn toàn khác. Khi giao dịch những bất động sản trị giá nhiều tỷ đồng, với vai trò là khách mua, Tuấn chấp nhận ngay giá bán của chủ nhà đưa ra mà không cần mặc cả một đồng nào.
Được biết, Tuấn đã sắm tổng cộng khoảng 15 căn nhà có giá trị cao ở cả TP Hà Nội và tỉnh Thái Bình. Nhà Tuấn cũng có hàng chục ôtô, trong đó có cả những chiếc siêu xe đắt tiền. Tuấn từng có 2 người vợ và 4 người con nhưng hiện tại không sống với người vợ nào mà qua lại với nhiều người phụ nữ khác.
Ngày 24/3 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc”, đến nay đã ra các Quyết định khởi tố các bị can gồm đối tượng chủ mưu, cầm đầu và các đối tượng điều hành chính tại các dây, giúp sức tích cực cho ông chủ. Tính đến nay, cơ quan điều tra đã bắt giữ 48 đối tượng để điều tra hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc bằng hình thức lô đề với quy mô đặc biệt lớn, thủ đoạn hết sức tinh vi, chuyên nghiệp, hoạt động liên tỉnh, khởi tố nhiều đối tượng…
Khám xét nhà các đối tượng, cơ quan Công an đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội của chúng; tại nhà vợ chồng Phôi - Ngọ còn thu được một ít ma túy đá và dụng cụ dùng để “bay lắc”.
Bóc gỡ từ “đốm lửa” nhỏ
Xuất phát từ một vài tay “thư ký” ghi số lô, số đề thuộc diện nhỏ lẻ hoạt động trên địa bàn TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình), lực lượng Công an tỉnh Thái Bình đã lần ra dấu vết của các đại lý phía trên. Với phương châm “không đánh khúc giữa mà đánh cả đường dây, tìm ra đối tượng cầm đầu” khi tìm ra được đối tượng Nguyễn Trọng Hùng (SN 1978 trú tại Tổ 16, phường Quang Trung, TP Thái Bình) là đối tượng F1, cầm đầu một trong 3 dây lô, đề hoạt động tại Thái Bình, một mặt, cơ quan điều tra tiếp tục củng cố chứng cứ, đồng thời mở rộng, phát hiện, làm rõ hành vi của các đối tượng F1 cầm đầu một dây khác, hoạt động chủ yếu ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đó là vợ chồng đối tượng Bùi Thị Ngọ (SN 1962) và con trai là Bùi Văn Phong (SN 1984), cùng trú tại thôn Cổ Dũng 1, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Bằng sự nhạy bén, kinh nghiệm nhiều năm đánh án và triệt phá thành công các đường dây, vụ án phức tạp, Ban chuyên án mà trực tiếp là Đại tá Phạm Mạnh Hùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình, Trưởng Ban chuyên án đã nhận định, các đối tượng này không đủ “tầm” để điều hành hoạt động của đường dây với tổng lượng tiền vào - ra lên đến hàng nghìn tỷ đồng như vậy. Mặc dù nắm toàn bộ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội nhưng không để “đánh rắn động cỏ”, các biện pháp nghiệp vụ tiếp tục được sử dụng hiệu quả nhưng tuyệt đối bí mật khiến các đối tượng không hề hay biết.
Đáng chú ý, các đầu dây F1 này không biết đến việc làm ăn phi pháp của nhau nhưng cơ quan điều tra lại tìm ra một điểm chung giữa các đối tượng, đó là đều có liên quan đến con trai của Tuấn. Lật mặt con trai và vợ cũ của Tuấn, cơ quan điều tra phát hiện, tiền lãi sau khi đã trừ các chi phí khác được các đối tượng rút để đưa cho ông trùm. Và Tuấn là đối tượng F0, cầm đầu toàn bộ đường dây này. Theo thống kê, số tiền lãi hàng ngày từ việc ghi lô đề của gia đình Tuấn lên tới 3 tỷ đồng.
Điều tra về đường dây này, Ban chuyên án tiếp tục phát hiện một đối tượng cầm đầu F1 khác là Bùi Thị Thủy (SN 1977, trú tại Tổ 2, phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình). Đây là một dây, nhánh khác của đường dây cũng hoạt động tại TP Thái Bình.
Bí mật “cất lưới”, tóm gọn cả đường dây
Ngày 21/3, Ban chuyên án chỉ đạo hơn 300 CBCS Công an tỉnh Thái Bình đã chia làm 70 mũi, đồng loạt tấn công vào các tụ điểm, bắt và khám xét nơi ở, khiến các đối tượng không kịp tẩu thoát. Chuyên án thành công hơn nữa khi thu hồi được số lượng tiền, vàng, tài sản, 20 bất động sản… trị giá hơn 700 tỷ đồng.
Vừa điều tra nắm chắc hành vi, vừa củng cố chứng cứ, tài liệu suốt 6 tháng ròng rã nhưng vẫn đảm bảo yếu tố bí mật, do vậy, khi bị bắt, các đối tượng đã nhanh chóng nhận tội. Chỉ tính riêng trong năm 2024, số lượng tiền các đối tượng sử dụng để đánh bạc và tổ chức đánh bạc trong đường dây này là trên 2.500 tỉ đồng. Theo thống kê mới nhất, sau 6 năm hoạt động, số tiền giao dịch của đường dây này có thể lên tới khoảng 10.000 tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn với hình thức đánh bạc và tổ chức đánh bạc bằng số lô, số đề.
Theo đó, Tuấn trực tiếp thành lập ra hệ thống chân rết, thân cận gồm rất nhiều cấp (riêng ở tỉnh Thái Bình có 3 dây lớn), những người ở cấp dưới chỉ biết cấp trên trực tiếp. Chỉ những người giúp sức đắc lực, thân quen mới biết đến vai trò của Tuấn trong đường dây. Về phương thức thanh toán tiền đánh bạc, các đối tượng chủ yếu thông qua chuyển khoản ngân hàng bằng nhiều tài khoản khác nhau; thường xuyên thay đổi số tài khoản và có thể chuyển giao trực tiếp bằng tiền mặt.
Ngoài ra, "Tuấn chợ Gốc" không sử dụng tài khoản giao dịch ngân hàng (là các tài khoản số đẹp như 666666, 888888 đã mở ở ngân hàng) để phạm tội, mà chỉ sử dụng tài khoản của cấp dưới, tài khoản ảo, rác... do Tuấn thống nhất đăng ký để giao dịch, thanh toán tiền thắng, thua. Quá trình hoạt động, các đối tượng triệt để sử dụng phương tiện, thiết bị điện tử viễn thông để hoạt động phạm tội; thực hiện việc giao dịch, liên lạc với nhau qua các trang mạng xã hội như Zalo, Telegram, tin nhắn SMS; thành lập các nhóm kín, thu hồi tin nhắn, giải tán nhóm kín, tự động xóa dấu vết ngay trong ngày, thậm chí là trong một giờ đồng hồ...
Theo PV (CAND Online)