Theo hồ sơ vụ án, ngày 14/5/2012, Công an xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp nhận tin báo anh Nguyễn Hải Sơn về việc mẹ anh là bà Dương Thị Bình Hà bị mất tích đầy bí ẩn, điện thoại di động không có tín hiệu liên lạc. Bà Hà sinh năm 1963, nguyên Chủ tịch hội chữ thập đỏ kiêm thủ quỹ UBND xã Kim Long ra đi khỏi nhà từ sang nhưng đến 5h chiều vẫn không thấy về.
Cũng theo thông tin mà anh Sơn cung cấp, trước đó, bà Hà có gửi đơn tố cáo về một số sai phạm của lãnh đạo xã và vẫn trong giai đoạn chờ kiểm tra huyện uỷ Châu Đức triệu tập làm việc. Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, Công an huyện Châu Đức đã huy động nhiều cán bộ chiến sĩ tham gia tìm kiếm, xác minh cùng gia đình đồng thời báo cao Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và thông báo tới Công an các tỉnh để đề nghị phối hợp tìm kiếm.
Một số nghi vấn được đặt ra việc liệu mất tích của bà Hà có liên quan gì đến việc trước đó bà gửi đơn tố cáo sai phạm của một số cán bộ xã hay không? Bà Hà trước đó có mâu thuẫn với những ai và sự việc này có liên quan gì đến vấn đề tiền bạc hay không? Bởi thời gian gần đây trên địa bàn cũng thường xuyên xảy ra những mâu thuẫn mà nguyên nhân chính là do vay mượn nóng ngoài xã hội.
Trong suốt nhiều ngày, lực lượng Công an kiên trì xác minh, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ và cùng gia đình bà Hà tích cực tìm kiếm nhưng vẫn chưa phát hiện được manh mối nào. Người mất tích vẫn biệt vô âm tín, người thân bà Hà bắt đầu hoang mang. Trong dư luận địa phương, xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt gây mất an ninh trật tự. Có thông tin cho rằng, bà Hà đã ôm quỹ của UBND xã bỏ trốn thêm vào đó là từ khi bà Hà mất tích gia đình liên tục xảy ra nhiều biến cố đặc biệt là bố đẻ và chồng của bà Hà bị đột tử do bị sốc và do tai nạn giao thông càng làm cho những thông tin bị nhiễu loạn.
Với hi vọng mong manh và nỗi nhớ mẹ thi thoảng anh Sơn vẫn gọi vào số máy của bà Hà nhưng đều không liên lạc được. Nhưng bỗng một hôm, anh nhận được tin nhắn của bà Hà với nội dung: "Đừng lo cho mẹ, mẹ phải đi giải quyết thằng T. cái T. khi nào xong mẹ về con đừng nói với ai". Nhưng khi anh Sơn bốc máy gọi lại thì điện thoại lại tắt máy.
Cũng trong thời gian này, một tổ công tác của Công an huyện phân công điều tra vụ việc mất tích đã phát hiện tiền trong tài khoản của bà Hà tại ngân hàng liên tục bị rút ra. Ngày 22/7/2012, một số tiền được rút ra tại cây ATM trên địa bàn huyện Châu Đức. Ngày 19/9/2012, 10 triệu đồng được rút ra tại cây ATM thuộc địa phận TP Vũng Tàu. Và điều đặc biệt nữa số tiền lại được chuyển vào một tài khoản khiến các trinh sát nghi ngờ về sự mất tích của bà Hà. Liệu bà Hà có thực sự mất tích hay đang sống ở đâu đó?
Một ngày cuối tháng 10/2012, được người bà con báo tin điện thoại của bà Hà đổ chuông hi vọng bừng lên, anh Sơn bốc máy gọi vào số điện thoại của mẹ mình, đầu dây bên kia có tín hiệu đổ chuông nhưng kì lạ một người không liên quan gì đến mẹ của mình nghe máy.
Thông tin nhanh chóng được xác minh cơ quan điều tra đã tìm ra người trả lời điện thoại sống tại địa bàn huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai giáp danh với huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, được người này cho biết được chủ một cửa hàng bán sim thẻ điện thoại xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai cho chiếc sim đã qua sử dụng này.
Ngay lập tức các trinh sát đã tới cửa hàng điện thoại, tại đây chủ cửa hàng cho biết, ít lâu bà Lê Thị Hường (SN 1974, vợ của nguyên Bí thư xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đem chiếc điện thoại cũ này nói là con cháu trong nhà còn dư không dùng nên đem bán và được chủ cửa hàng mua lại với giá 900 nghìn đồng. Sau đó, thấy sim còn tiền trong tài khoản nên chủ cửa hàng đã cho một người quen sử dụng còn điẹn thoại thì đã bán cho khách.
Tại cơ quan Công an, bà Hường khai nhận, nhặt được chiếc điện thoại trên ở trước nhà nhưng không biết của ai để trả lại nên tiếc của đem bán lấy tiền. Bà Hường cũng phủ nhận liên quan đến sự mất tích của bà Hà. Xác minh nhanh, cơ quan Công an chưa xác định được bất minh nào trong lời khai của bà Hường. Tuy nhiên, bằng linh cảm nghề nghiệp các trinh sát đã đưa người đàn bà này vào diện nghi vấn cần được theo dõi.
Vụ việc chưa có lời giải, trách nhiệm với người dân và áp lực dư luận đè nặng lên các chiến sĩ Công an khiến các anh chăm chỉ, kiên trì tiếp tục sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm người mất tích. Trong khi cơ quan chức năng đang miệt mài truy tìm người mất tích, thì anh Sơn lại tìm được một quyển sổ ghi nợ của mẹ mình. Trong đó có ghi, bà Lê Thị Hường vay của bà Hà 200 triệu đồng để đáo nợ ngân hàng, anh Sơn gọi điện đến hỏi thì bà Hường nói đã trả nợ hết chỉ còn nợ 12 triệu 500 nghìn đồng tiền lãi. Chi tiết này củng cố thêm cho cơ quan điều tra hướng nghi vấn về bà Lê Thị Hường nhiều hơn.
Theo lời khai của bà Hường về việc nhặt được chiếc điện thoại ngay trước cổng nhà mình có đúng hay chỉ là lời bịa đặt và việc vay mượn tiền này có liên quan đến việc mất tích của bà Hà hay không? Những câu hỏi nghi vấn của cơ quan điều tra chưa được lý giải thỏa đáng thì một vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra mà thủ phạm trực tiếp lại chính là bà Lê Thị Hường.
Ngày 15/1/2013, Hường hẹn vợ chồng chủ nợ là ông Nguyễn Chí Hùng và bà Phạm Ngọc Nga (ngụ xã Cù Bị, huyện Châu Đức) đến nhà riêng của mình để giải quyết chuyện nợ nần. Tại đây, Hường nói vợ chồng ông Hùng chờ chồng mình (khi đó là bí thư Đảng ủy xã Kim Long) về nói chuyện. Sau đó Hường dùng dao rựa chém nhiều nhát vào đầu và hai tay ông Hùng, bà Nga. Ông Hùng bị thương tật gần 80% còn vợ thì gần 30%.
Từ lời khai của Hường, việc giết ông Hùng và bà Nga để không phải trả nợ với số tiền 80 triệu đồng thì có nhiều khả năng Lê Thị Hường trước đó đã ra tay sát hại bà Hà để xù món nợ 200 triệu đồng, lập luận này là có cơ sở khoa học và có logic nên cơ quan điều tra đã triển khai một mũi điều tra viên đến nhà của bà Lê Thị Hường để khám nghiệm lại hiện trường.
Điều nghi ngờ nhất là trong khu vườn của bà Hường có một cái giếng bỏ hoang. Cơ quan điều tra đã hút nước và cho người xuống tận đáy giếng để kiểm tra. Tuy nhiên không phát hiện điều gì liên quan đến sự mất tích của bà Hà vụ việc lại rơi vào bế tắc.
Đầu tháng 3/2013, cơ quan điều tra tiếp tục phát hiện chiếc lắc tay bằng vàng của bà Hà được bán cho một tiệm vàng trên địa bàn xã Xà Bang. Chủ tiệm vàng xác nhận, trước đó đã mua chiếc lắc tay này của bà Lê Thị Hường đây là một trong những tài liệu để cơ quan điều tra đấu tranh với và Lê Thị Hường.
Tiếp tục sử dụng nhiều các biện pháp nghiệp vụ theo hướng này cuối cùng Lê Thị Hường cũng phải cúi đầu nhận tội. Hường khai nhận, ngày 14/5/2012, Hường hẹn bà Hà đến nhà mình. Tại đây, Hường nhờ bà Hà ra vườn đóng cầu dao điện để bơm nước nhưng bà Hà bị điện giật chết.
Sợ bị liên lụy, Hường đưa xác bà Hà đi đốt trong nhiều giờ liền. Khi ngọn lửa tắt, thi thể của bà Hà chỉ còn là đống tro tàn, Hường lấy xương của nạn nhân đập vụn đổ ra gốc cây đầu vườn rồi lấy lá cây che lên. Sau đó, Hường lấy chiếc lắc vàng và điện thoại di động của bà Hà đem bán. Tại vườn nhà bà Hường, cơ quan điều tra đã đào và thu giữ được những mẩu xương cốt của bà Hà.
Tháng 3/2014, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên phạt Hường mức án tử hình vì đã dùng dao rựa chém 2 vợ chồng chủ nợ. Tiếp đó, tháng 12/2014, Hường tiếp tục bị tuyên phạt 5 năm tù về tội xâm phạm thi thể mồ mả liên quan cái chết của bà Hà. Lê Thị Hường sau đó, đã có đơn xin ân giảm án tử hình gửi Chủ tịch nước. Tháng 1/2017, TAND tối cao quyết định chuyển hình phạt của Lê Thị Hường từ tử hình xuống còn 20 năm tù. Hường thoát án tử là nhờ vào việc áp dụng các điều khoản mới của Bộ luật hình sự 2015 và Nghị quyết của Quốc hội.
Theo Gia Đạt (Kienthuc.net.vn)