Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Phú Thọ, ngoài số tài sản đã bị cơ quan điều tra (CQĐT) thu giữ, phong toả (gồm: 5 ô tô, 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và gần 800 tỷ đồng; hơn 76 tỷ đồng trong 5 tài khoản và một số bất động sản tại TP Hồ Chí Minh), Phan Sào Nam còn khai chuyển số vàng, đô la Mỹ trị giá 530 tỷ đồng cho Hoàng Thành Trung và Lê Văn Kiên để chi phí và cất giữ.
Ôm hàng trăm tỷ bỏ trốn
Vậy Hoàng Thành Trung, Lê Văn Kiên là ai, đóng vai trò như thế nào trong vụ án? Theo tài liệu điều tra, Hoàng Thành Trung (SN 1978, trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt.
Trung là người chủ động đề nghị và cung cấp phần mềm tổ chức đánh bạc trực tuyến trên internet cho Phan Sào Nam để tìm đối tác phát hành.
Sau đó, chính Hoàng Thành Trung đảm nhiệm tuyển đội ngũ kỹ thuật viên giỏi của Công ty VTC Intercom sang Công ty Nam Việt để cùng viết phần mềm đánh bạc Rikvip/Tip.Club; 23Zdo, Zon/Pen.
Ngoài ra, Hoàng Thành Trung còn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển, quản lý hệ thống “chân rết” 25 đại lý cấp 1 và 5.877 đại lý cấp 2 của đường dây đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ. Khi đường dây đánh bạc bị lộ sáng, Hoàng Thành Trung đã nhanh chân bỏ trốn.
Lê Văn Kiên là Kế toán trưởng Công ty VTC online, là người được Phan Sào Nam giao nhiệm vụ đối soát doanh thu với kế toán Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương và tiếp nhận tiền thu được do đánh bạc từ Công ty CNC chuyển tới.
Không chỉ Trung và Kiên được Phan Sào Nam tin tưởng đưa tiền, vàng cất giấu mà Phan Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công nghệ Công ty VTC cũng được Nam đưa 150 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ cho biết, do 3 đối tượng nêu trên đều đang bỏ trốn nên CQĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra lệnh truy nã quốc tế, đồng thời đề nghị Ban thư ký Interpol ban hành lệnh truy nã quốc tế với 3 đối tượng này, khi nào bắt được sẽ phục hồi điều tra, xử lý sau.
Vợ Nguyễn Thanh Hóa nộp tiền khắc phục hậu quả cho chồng
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Phú Thọ cũng thể hiện, ngày 5/7/2018, bà Nguyễn Bích Hồng - vợ cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hoá đã tự nguyện nộp 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả cho chồng.
Trước đó, ngày 12/3/2018, cơ quan điều tra thi hành lệnh khám xét phòng làm việc của ông Nguyễn Thanh Hoá tại địa chỉ 47 Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội), ngoài một số tài liệu liên quan đến vụ án bị thu giữ, ông Hoá còn tự nguyện giao nộp 4 điện thoại di động.
Trong khi đó, gia đình cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh mới giao nộp tài liệu về thành tích của ông Vĩnh. Tài liệu của cơ quan tố tụng cho thấy, ngoài một hộp cát-tông tài liệu và 6 USB thu giữ sau quá trình khám xét đối với ông Vĩnh thì CQĐT chưa thu giữ, kê biên hoặc phong toả tài sản nào của bị can này.
Vẫn theo cáo trạng, tại cơ quan điều tra, bị can Nguyễn Văn Dương khai cho ông Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng và 1.750.000 USD; cho ông Nguyễn Thanh Hoá 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Vĩnh và Hoá đều không thừa nhận, do đó CQĐT đã bóc tách nội dung này để điều tra xử lý sau.
Đến nay, cơ quan chức năng đã tạm giữ, kê biên nhiều tài sản của ông trùm Nguyễn Văn Dương gồm: 6 điện thoại, trong đó có 1 chiếc Vertu, 3 iPhone; hơn 70 tỷ đồng, 1.327 USD, 32.000 Rup tiền mặt, phong tỏa 3 tài khoản ngân hàng, 2 sổ tiết kiệm tổng giá trị hơn 150 tỷ đồng.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng tạm giữ 4 ô tô hạng sang của ông trùm Nguyễn Văn Dương gồm: Mecedes Benz S500, Audi A8, Landcruiser và Lexus LX570.
Số tài sản của Phan Sào Nam đã bị cơ quan điều tra kê biên, thu giữ gồm: 5 ô tô (Ford Mustang, Kia Rondo, Kia Sedona, Audi Q5 và chiếc Landrover); 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gần 800 tỷ đồng do Phan Sào Nam tự nguyện giao nộp. CQĐT cũng đã phong tỏa 5 tài khoản với số tiền hơn 76 tỷ đồng và 15 bất động sản tại TP Hồ Chí Minh.
Theo Dương Lê (Tiền Phong)