Vụ Việt Á bị phanh phui, nhiều người dân bức xúc trước hành vi lợi dụng tình hình nguy cấp của dịch bệnh Covid - 19 để trục lợi, nhét túi những đồng tiền không chính đáng. Có những kẻ nhận hối lộ tới vài chục tỷ đồng, rồi thu lợi cả ngàn tỷ đồng nhưng vẫn có những con người đủ bản lĩnh để từ chối những đồng tiền không trong sạch.
Họ đã được tòa án các cấp ghi nhận khi đưa vụ Việt Á ra xét xử. Trong số 38 bị cáo vụ Việt Á bị đưa ra xét xử, có 2 người được tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt, quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho họ.
Giai đoạn xét xử sơ thẩm, cựu Giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh được miễn trách nhiệm hình sự. Theo HĐXX, thời điểm xảy ra vụ án, ông Danh đã về hưu, nhưng khi được yêu cầu ở lại để tiếp tục chống dịch, ông đã tự nguyện ở lại.
Là lãnh đạo CDC Bình Dương, bị cáo nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm và có thể bị xử lý nhưng đã "dám nghĩ, dám làm", vì sức khỏe, tính mạng của đồng bào. Bị cáo không tư lợi cá nhân.
HĐXX cho rằng, bị cáo không vụ lợi cá nhân, đã nhiều lần từ chối tiền và quà cảm ơn của Việt Á. Thậm chí, ông đã cảnh tỉnh nhân viên cấp dưới không tiếp xúc, nhận quà cảm ơn, cẩn thận cân nhắc khi gặp gỡ, trao đổi với người của công ty này.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Nguyễn Thành Danh trình bày việc nhiều lần được nhân viên Việt Á đề nghị đưa tiền nhưng ông không nhận. Có những lần, nhân viên Việt Á mời bị cáo đi cà phê, uống bia, nhưng ông đều từ chối. “Việc tránh tiếp xúc đấy là một cách từ chối khéo việc nhận tiền của Việt Á”, lời bị cáo Danh.
Người thứ hai vừa được tòa án cấp phúc thẩm áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt, miễn trách nhiệm hình sự là cấp dưới của ông Danh, bị cáo Trần Thanh Phong (cựu Phó phòng Tài chính Kế toán CDC Bình Dương).
Theo HĐXX cấp phúc thẩm, ông Phong không hưởng lợi cá nhân, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, khai báo thành khẩn. Bị cáo thực hiện hành vi theo mệnh lệnh là chính và không được hưởng lợi.
Mặc dù vậy, bị cáo Phong vẫn tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả chung. So sánh với bị cáo Nguyễn Thành Danh, chức vụ quyền hạn mà bị cáo Phong đảm nhiệm là thấp hơn và bị cáo không hưởng lợi.
Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, đại diện VKS cũng đã đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Phong. HĐXX cấp phúc thẩm cân nhắc và thấy có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Việc miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Phong là thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
Sau khi được HĐXX cấp phúc thẩm tuyên miễn trách nhiệm hình sự, ông Trần Thanh Phong tỏ ra rất vui mừng. Ông Phong cám ơn luật sư Nguyễn Thanh Long đã đồng hành với mình. Ông cho biết, mình có 3 con nhỏ, nên rất muốn chứng minh bản thân mình trong sạch, để còn dạy con cái trở thành người tốt cho xã hội.
Ông Phong cho biết, giai đoạn xảy ra dịch Covid - 19, bản thân đã cố gắng hết mình và hiện ông vẫn đang làm việc tại CDC Bình Dương.
“Chống dịch, tôi chỉ cắm cúi vào công việc, cố gắng hạn chế gặp gỡ các đơn vị hỗ trợ, chỉ phối hợp thực hiện để phòng chống dịch tốt nhất…”, lời ông Trần Thanh Phong
Trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, thời hạn tạm giam, tạm giữ của bị cáo sẽ được bù trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, thời hạn cải tạo không giam giữ.
Tuy nhiên, đối với trường hợp bị cáo được tòa án miễn trách nhiệm hình sự thì thời hạn tạm giam này sẽ không được tính toán để bù trừ, bồi thường. Nếu tòa án tuyên bị cáo không có tội thì thời hạn tạm giam mới là căn cứ để tính toán về mức bồi thường thiệt hại do bị giam oan sai.
Theo luật sư, bản chất của miễn trách nhiệm hình sự là bị cáo có vi phạm pháp luật, hành vi cấu thành tội phạm, nhưng do chính sách khoan hồng, do nguyên tắc phân hóa phân loại nên được miễn trách nhiệm hình sự chứ không phải là không có tội.
Bởi vậy, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế là không sai và không được đền bù.
Theo T.Nhung (VietNamNet)