Theo Cáo trạng VKSND Tối cao vừa ban hành, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) được tuyển dụng vào lực lượng công an hồi tháng 10/2009, biên chế là nhân viên tình báo của Tổng Cục V, Bộ Công an. Ông ta được phép sử dụng 2 tên khác là Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ.
Theo nguyên tắc, mọi hoạt động của Vũ do Nguyễn Hữu Bách (Trưởng phòng, sau này là Phó Cục trưởng); Phan Hữu Tuấn (Cục trưởng, sau này là phó Tổng Cục trưởng) và Trần Việt Tân (Tổng Cục trưởng Tổng Cục V, sau này là Thứ trưởng Bộ Công an) chỉ đạo.
Để tạo điều kiện cho Vũ thực hiện nhiệm vụ, Tổng Cục V sử dụng hai công ty bình phong là Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 và Nova Bắc Nam 79 - đều do Vũ Nhôm làm Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật. Bộ Công an không đóng góp gì trong tổng vốn điều lệ hơn 792 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, Vũ Nhôm đã lợi dụng danh nghĩa công ty bình phong của Tổng Cục V để đề nghị các bộ ngành, chính quyền TP HCM và Đà Nẵng cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của các dự án nhà đất công không qua đấu giá.
Cụ thể, từ năm 2009 đến 2016, trên cơ sở đề xuất của Vũ Nhôm, Nguyễn Hữu Bách và Phan Hữu Tuấn đã duyệt, ký phát hành hoặc ký nháy trình Bộ Công an thông qua nhiều văn bản, đề nghị UBND TP HCM, Đà Nẵng cho công ty bình phong được nhận quyền sử dụng 7 khu đất công sản, dự án bất động sản có vị trí đắc địa. Tổng cộng là 6.700 m2 nhà và 26.800 m2 đất, trị giá hơn 2.517 tỷ đồng.
Tại Đà Nẵng có 4 địa chỉ: 319 Lê Duẩn (quận Thanh Khê, rộng 800 m2); gần 4.000 m2 nhà đất tại 16 Bạch Đằng (quận Hải Châu); 3.260 m2 trên đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà); khu đất hơn 15.500 m2 thuộc dự án Vệt du lịch ven biển từ Vegas Resort đến Khu du lịch Bến Thành Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn).
Ở Sài Gòn có: gần 5.000 m2 nhà đất số 15 Thi Sách, gần 1.300 m2 tại số 8 Nguyễn Trung Trực (quận 1) và nhà đất số 129 Pasteur (quận 3) rộng hơn 3.700 m2.
Nhà chức trách xác định, ngay sau khi hai công ty bình phong được giao quyền sử dụng và tài sản trên đất, Vũ Nhôm chuyển sang mình đứng tên, người thân trong gia đình, hoặc liên kết chuyển nhượng cho người khác. Mục đích này không có trong hoạt động nghiệp vụ nào mà nhằm thu lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng cộng 1.160 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, với vai trò Thứ trưởng Bộ Công an (2014-2018) phụ trách Tổng Cục hậu cần (đơn vị quản lý đất công sản), ngày 28/5/2015, ông Bùi Văn Thành đã ký tờ trình của Vũ Nhôm và đề xuất của Phan Hữu Tuấn, xin Thủ tướng được mua chỉ định lô đất tại 129 Pasteur (quận 3) "để phục vụ nghiệp vụ ngành công an". Từ đây, khu đất được chuyển quyền sử dụng sang cá nhân khác gây thất thoát cho Nhà nước hơn 222 tỷ đồng.
Ngày 24/10/2015, ông Thành ký công văn đề nghị Sở TNMT, Sở Tài chính TP HCM trình Hội đồng thẩm định giá đất, phê duyệt bán khu đất trên là 301 tỷ đồng - không đúng chức năng và thẩm quyền theo quy định.
Ông Thành cũng không chỉ đạo Tổng cục IV thông báo với Tổng cục V biết để quản lý, giám sát khu đất vào mục đích an ninh. Khi Vũ Nhôm chuyển nhượng nhà đất này ra ngoài, ông Thành không báo cáo cấp thẩm quyền ngăn chặn, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước - hơn 222 tỷ đồng.
Ông Trần Việt Tân là Tổng Cục trưởng Tổng cục V từ năm 2009 đến 2016, sau đó là Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp phụ trách tổng cục này. Sau khi các cấp dưới tham mưu, đề xuất, ông Tân ký văn bản gửi các cơ quan tổ chức cho công ty của Vũ Nhôm thuê 3 khu nhà đất phục vụ công tác ngành là: 16 Bạch Đằng (Đà Nẵng); 15 Thi Sách và 8 Nguyễn Trung Trực (TP HCM).
Khi Vũ Nhôm nắm trong tay các bất động sản, ông Tân đã thiếu trách nhiệm chỉ đạo Tổng cục V, không giám sát dẫn đến việc Vũ Nhôm lợi dụng danh nghĩa công ty bình phong của ngành được mua và thuê nhà đất công không qua đấu giá, gây thiệt hại cho Nhà nước 155 tỷ đồng.
Với các hành vi trên, ông Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân bị truy tố hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 285 BLHS 1999, khung hình phạt 3-12 năm tù.
Phan Văn Anh Vũ, Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách bị cáo buộc tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với khung hình phạt 10-15 năm tù.
Theo Quốc Thắng - Hoàng Khuê (VnEpress.net)