Ngày 4/6, Trưởng phòng tham mưu (Công an Hà Giang) Lê Văn Canh cho biết Cơ quan An ninh điều tra đã hoàn tất kết luận điều tra vụ gian lận thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh này.
Công an tỉnh Hà Giang đề nghị truy tố bà Triệu Thị Chính (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng ban chấm thi) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo điều 358 Bộ luật Hình sự 2015; bị can Phạm Văn Khuông (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang), Lê Thị Dung (Cán bộ Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) về tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, theo điều 366.
Bị can Vũ Trọng Lương (Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng), Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, điều 365.
Kết luận điều tra xác định, trước khi chấm thi, Hoài đã bàn bạc và đưa danh sách các thí sinh cần được nâng điểm cho Lương. Một mình Lương trực tiếp thao tác trên máy tính để sửa kết quả, nâng điểm cho 309 bài thi các môn của 107 thí sinh.
Không được phân công nhiệm vụ liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2018 nhưng Dung đã nhờ Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh là con, cháu của người quen. Bị can Khuông nhờ Hoài nâng điểm cho con trai.
Nhà chức trách xác định Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Triệu Thị Chính đã nhờ bị can Hoài nâng điểm bài thi môn ngữ văn cho 13 thí sinh.
Từ dấu hiệu điểm thi THPT quốc gia 2018 cao bất thường ở Hà Giang, Bộ Công an cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vào cuộc xác minh. Sau chấm thẩm định, 3 em trượt tốt nghiệp; 39 em dùng điểm chấm thẩm định để xét tuyển đại học, và hiện học tại 23 đại học, cao đẳng. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sau khi kết thúc quá trình điều tra của công an, nếu xác định thí sinh nào trong số này có gian lận thì sẽ bị buộc thôi học.
Theo Phạm Dự (VnExpress.net)