Khi vụ án cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản xảy ra tại ngân hàng OceanBank được đưa ra xét xử, dư luận đặc biệt quan tâm về việc ngân hàng này đã chi hơn 1.500 tỷ đồng lãi ngoài cho các tổ chức, cá nhân nào.
Mặc dù tại phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm vấn đề này chưa được làm rõ, song đại diện VKS đã “tiết lộ” danh sách các tổ chức nhận tiền chi lãi ngoài của OceanBank. Ngoài số tiền chi lãi suất ngoài hợp đồng cho các khách hàng là cá nhân, Oceanbank còn chi lãi ngoài cho các tổ chức kinh tế có vốn của Nhà nước, nhưng thực chất là chi cho các cá nhân là lãnh đạo của những tổ chức này.
Theo đại diện VKS, các bị cáo khẳng định đã chi tiền cho lãnh đạo của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP); Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin); Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower); Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC); Tổng Công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam và các Công ty thành viên (PVI); Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Long Phú 1 và Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2…
“Điều này cho thấy có dấu hiệu của việc móc nối, lợi dụng tài sản chung để trục lợi cá nhân, tạo ra lợi ích nhóm, vi phạm pháp luật, tiếp tay cho tham nhũng nên kiến nghị CQĐT làm rõ hành vi vi phạm của các cá nhân, tập thể tại các đơn vị đã khởi tố vụ án và một số tổ chức kinh tế khác, nếu có căn cứ thì xử lý theo đúng quy định để đảm bảo nghiêm minh của pháp luật” - đại diện VKS nói tại phiên toà phúc thẩm.
Theo đó, CQĐT đã bóc tách vụ án để điều tra làm rõ, các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chi lãi ngoài của Oceanbank. Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã lần lượt khởi tố, bắt giam gần 10 bị can là lãnh đạo, cán bộ, kế toán của các Công ty BSR; VSP; PVEP, Vinashin, Viện Dầu khí Việt Nam.
Gần đây nhất, cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trương Văn Tuyến, nguyên Tổng Giám đốc và Phạm Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin, nay là SBIC) về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Bị can Tuyển và Sơn có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, ký duyệt gửi tiền có kỳ hạn của Vinashin vào Ngân hàng Oceanbank trái quy định pháp luật; đồng phạm với Trần Đức Chính, kế toán toán trưởng Tập đoàn Vinashin trong việc chiếm đoạt hơn 105 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất từ Oceanbank.
Trước đó, cơ quan CSÐT Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với Hà Văn Thắm; Vũ Thị Thùy Dương - nguyên Giám đốc khối kế toán Oceanbank và Lê Thị Thu Thủy - Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính kế toán của Oceanbank về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thông tin ban đầu cho biết, trong quá trình xét xử đại án kinh tế tham nhũng xảy ra tại Oceanbank, cơ quan tố tụng xác định Hà Văn Thắm đã có hành vi chỉ đạo Lê Thị Thu Thủy và Vũ Thị Thùy Dương tạo dựng các hợp đồng dịch vụ khống, rút tiền chuyển vào tài khoản của Vũ Thị Thùy Dương để hoàn ứng tiền chi lãi ngoài, chi tiếp khách và chi đối ngoại.
Từ chỉ đạo này, các đối tượng đã lập khống hợp đồng, nâng khống giá trị hợp đồng để rút hơn 80 tỷ đồng. Khoản tiền này sau đó đã được chi một phần cho Hà Văn Thắm, chi lãi ngoài cho Lọc Hóa dầu Bình Sơn, PVI và PVPower.
Từ năm 2010 đến ngày 31/11/2014, tổng số tiền OceanBank đã chi trả lãi ngoài cho các khách hàng gửi tiền là 1.576 tỷ đồng, trong đó chi cho VSP: 24,27 tỷ đồng; Công ty BSR: 19,36 tỷ đồng và PVEP là 76,78 tỷ đồng… Được biết, cơ quan điều tra xác định có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tiết kiệm tại Oceanbank và nhận các khoản tiền chi lãi ngoài lãi suất hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do Oceanbank chi trả.
Theo Dương Lê (Lao Động)