Ngày 27/5/2020, lãnh đạo đội quản lý thị trường số 1, Cục quản lý thị trường TP. Hà Nội cho biết, đơn vị đã tiến hành kiểm tra đột xuất 4 cơ sở kinh doanh hàng hóa trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và Đống Đa, Hà Nội.
Cụ thể, các cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại: 67 Trần Đại Nghĩa do ông Nguyễn Xuân Quý làm chủ; 44 Trần Đại Nghĩa do ông Nguyễn Thanh Tùng làm chủ, 14A Trịnh Hoài Đức, Đống Đa do ông Phạm Ngô Đăng Hải làm chủ và 28 Khương Thượng, Đống Đa do bà Hứa Thị Mến làm chủ.
Khi lực lượng quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra và phát hiện, các sản phẩm được bày bán tại cửa hàng đều có dấu hiệu hàng giả nhãn hiệu Adidas và Manchester Uniter Limiter với tổng 1.547 sản phẩm. Các đối tượng đã sử dụng website aobongda.com và aobongda.net để thực hiện hành vi kinh doanh các loại sản phẩm nghi có dấu hiệu hàng giả như quần áo, giầy và các dụng cụ dùng trong tập luyện thi đấu bóng đá.
Theo ANTĐ, ông Hoàng Đại Nghĩa, đội trưởng đội quản lý thị trường số 1 cho biết, sau thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid 19, toàn xã hội và nền kinh tế đang cố gắng để phấn đấu đạt được trạng thái bình thường mới. Trong đó có hoạt động thể thao bóng đá, cùng với đòi hỏi đáp ứng về đồ dùng thi đấu, luyện tập bóng đá của xã hội.
Tuy nhiên, đã có một số đối tượng kinh doanh đã lợi dụng mô hình kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng online để ngang nhiên kinh doanh hàng giả là đồ dùng thi đấu, luyện tập bóng đá gây bức xúc cho xã hội nói chung và thiệt hại lớn cho người tiêu dùng và các chủ sở hữu hàng thật (trong đó có các chủ sở hữu quốc tế làm ảnh hưởng đến uy tín về môi trường kinh doanh của Việt Nam).
Hiện vụ việc đang được làm rõ.
Cũng liên quan đến quần áo nhái các thương hiệu, báo Bảo Vệ Pháp Luật thông tin, trước đó ngày 16/5, công an huyện Phúc Thọ cho biết, đơn vị này đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện cơ sở sản xuất quần áo Hải Hà do Nguyên Văn Hải ( SN 1982, trú tại thôn 6, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ) làm chủ có dấu hiệu sản xuất quần áo giả các hãng thương hiệu thời trang nổi tiếng như Adidas, Louis Vuitton số lượng lớn trên địa bàn.
Tiến hành kiểm tra tại cơ sở, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ hơn 4.000 bộ quần áo, 1.200 áo thể thao cộc tay có gắn nhãn hiệu Adidas, 240 áo gắn nhãn hiệu Louis Vuitton và một số tang vật khác có liên quan đến hành vi sản xuất quần áo giả mạo.
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở này đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Toàn bộ số quần áo thời trang mang các nhãn hiệu trên được Hải thuê công nhân gia công và mua gom trôi nổi tại thị trường trong nước từ đầu năm 2020 đến nay để bán kiếm lời.
Hải đã mua nguyên liệu vải tấm tại một số chợ đầu mối ở Hà Nội, đặt mua nhãn hiệu, mác vải, nhãn giấy qua mạng internet để sản xuất hàng giả mạo thương hiệu. Số quần áo sau khi thuê người gia công được Hải vận chuyển về xưởng, dùng máy là nhiệt và máy ghim gắn các nhãn Adidas, Louis Vuitton vào, sau đó chỉ đạo công nhân đóng gói sản phẩm để bán ra thị trường để kiếm lời.
Theo Đăng Khoa (Nguoiduatin.vn)