Dư luận băn khoăn, tại sao các nạn nhân đứng tên sổ đỏ đã chết mà Kiều Quốc Huy vẫn thực hiện được các thủ tục sang nhượng.
|
Kiều Quốc Huy tại cơ quan điều tra (Ảnh: Công an Nhân dân) |
Theo thông tin từ Cơ quan Công an tỉnh Lâm Đồng, ngày 20/8, Huy gọi anh Hoàng Thế Vinh (35 tuổi, tài xế taxi, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đánh xe đến Lâm Đồng đón về Buôn Ma Thuột. Trên đường đi, nghi can này dùng súng giảm thanh bắn chết anh Vinh rồi chở đến rừng thông bên đường ĐT725, gần nhà máy bauxite Tân Rai (huyện Bảo Lâm), đào hố chôn. 10 ngày sau, một người đàn ông chăn dê phát hiện hai chân nạn nhân trồi lên khỏi hố chôn, phân huỷ mạnh. Một ngày sau, các trinh sát ập vào nhà trọ bắt giữ Huy. Ngoài chiếc ôtô mà hắn cướp của anh Vinh, lực lượng công an còn phát hiện trong phòng trọ chưa tới 20 m2 của tên này là một kho vũ khí.
Đáng chú ý, từ vụ án tài xế Hoàng Thế Vinh, cơ quan chức năng khám phá một vụ việc khác. Quá trình khám xét nhà trọ của Huy, cơ quan điều tra còn phát hiện một số giấy tờ quan trọng, trong đó có bản phô tô 5 chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của vợ chồng Đỗ Hoàng Bình, Phạm Thị Mỹ Hạnh (cùng 31 tuổi) - ngụ tại tổ 15, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) - 2 người đang bị thông báo mất tích.
Nghi ngờ sự việc, Công an tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất lãnh đạo Bộ Công an cho phép mở rộng vụ án đấu tranh với đối tượng này để làm sáng tỏ vụ việc. Sau gần 10 ngày đấu tranh, tối 26/9, Kiều Quốc Huy mới khai nhận đã sát hại vợ chồng anh Bình, chị Hạnh cũng là bạn thân của Huy vào tháng 3/2012. Gây an xong, Huy ném xác 2 nạn nhân xuống giếng sau nhà nạn nhân rồi dùng gạch đá, rác ném xuống giếng để che giấu thật kỹ tội ác của mình.
Huy khai với cơ quan điều tra, sau khi giết vợ chồng Bình-Hạnh cùng một con chó ném xác xuống giếng chôn giấu phi tang, Huy vào nhà lục tìm, chiếm đoạt 5 Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất mang tên Phạm Thị Mỹ Hạnh, sổ hộ khẩu và CMTND của chị Hạnh rồi khóa cửa lại bình thường.
Điều đáng nói tháng 3/2015, toàn bộ 5 giấy chứng nhận đất này đều được sang tên hết cho Huy và đối tượng đã mang đi gán nợ.
Dư luận băn khoăn, tại sao không có mặt bên sang nhượng Kiều Quốc Huy vẫn thực hiện các thủ tục này.
Theo các luật sư, để sang nhượng quyền sử dụng đất phải qua rất nhiều thủ tục. Luật sư Nguyễn Thanh Bách (Văn phòng Luật sư Nhật Minh) cho rằng, nếu Kiều Quốc Huy có thể sang tên Giấy chứng nhận QSDĐ từ nạn nhân sang tên mình sau khi các nạn nhân đã chết, thực sự là vấn đề rất đáng quan tâm (trừ trường hợp y làm giả giấy tờ). Điều này xuất phát từ các quy định chặt chẽ của pháp luật khi các chủ thể thực hiện các di biến động liên quan đến Quyền sử dụng đất và sở hữu nhà.
Căn cứ các điều 124, điều 450 Bộ luật Dân sự 2005, việc bán nhà hoặc chuyển quyền sử dụng đất phải được thực hiện thông qua công chứng. Căn cứ điều 40 Luật Công chứng 2014, người yêu cầu công chứng phải nộp hồ sơ yêu cầu công chứng trong đó có các tài liệu chứng minh nhân thân để chống giả mạo (ví dụ CMTND...) đồng thời những người tham gia giao dịch phải tự đọc lại nội dung văn bản - hợp đồng để xác nhận nội dung và tự ký tên - điểm chỉ vào văn bản dưới sự chứng kiến của công chứng viên.
Vì những lý do đó, việc Kiều Quốc Huy có thể qua mặt cơ quan nhà nước và tổ chức có thẩm quyền để sang tên tài sản của nạn nhân sang mình một cách hợp pháp thì chắc chắn trong quy trình tiến hành các thủ tục có liên quan y đã có sự giúp sức của các cá nhân khác và dùng các tài liệu giả mạo để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản./.
>> Kế hoạch tàn độc của kẻ giết người hàng loạt ở Lâm Đồng
>> Đối tượng Kiều Quốc Huy có liên quan đến các vụ án mạng, mất tích bí ẩn tại Lâm Đồng?
Theo PV (VOV.vn)