Giang hồ đất Mỏ “giải quyết” ân oán theo kiểu “nói trước làm sau”, giang hồ đất Cảng “vừa nói vừa làm” còn giang hồ Nam Định thì “không nói mà làm luôn”. Vậy đâu là bản chất của giang hồ Thành Nam?
Giang hồ! 2 tiếng thôi nhưng cũng khiến người ta không khỏi ớn lạnh đến ghê người. Có một thời, nói đến giang hồ đất Mỏ là người ta nhắc tới kiểu hành xử, giải quyết ân oán “nói trước làm sau”, giang hồ đất Cảng “vừa nói vừa làm” còn giang hồ Nam Định thì “ không nói mà làm luôn”.
|
Cán bộ công an tỉnh Nam Định trong một buổi họp bàn tác chiến (báo Nam Định) |
Nếu như nhìn vào thực tế tình hình an ninh trật tự ở Nam Định hiện nay, không nhiều người có thể tưởng tượng được rằng, trước kia, vào thời kỳ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, thành phố này là xứ sở của giới lưu manh, trộm cắp, cướp bóc. Trăm xứ xưng tên, nghìn kẻ xưng hùng, giới thanh niên Nam Định trong một khoảng thời gian sau năm 1975 đã đua nhau đi làm… tướng cướp. Không ít băng nhóm với những tên tuổi đình đám, giang hồ Nam Định trong thời kỳ này được coi là hưng thịnh nhất khi ở bất kỳ nơi đâu người ta cũng nhắc đến những câu chuyện xoay quanh chuyện cướp và cướp.
Nam Định vẫn được nhiều người gọi là thành phố dệt vì ở đây, công nghiệp dệt may đã được phát triển từ khá sớm. Đây cũng là một địa phương có tuyến đường sắt Bắc-Nam chạy qua nên việc các tiểu thương tập trung đông đúc ở Nam Định cũng là một điều dễ hiểu. Sau năm 1975, khi mà tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống nhân dân rơi vào trạng thái thiếu thốn đã kéo theo tình hình mất tự chủ về vấn đề an ninh trật tự. Nam Định chẳng phải là một ngoại lệ trong bối cảnh thiếu thốn, khi ở nơi đây tình hình trộm cắp, cướp bóc bỗng nhiên nở rộ. Địa bàn phức tạp nhất chính là thành phố Nam Định, nơi đây bỗng nhiên xuất hiện cả chục, thậm chí vài chục băng nhóm lưu manh xưng danh với những cái tên rất đình đám.
Giới lưu manh Nam Định trong thập niên 80, 90 không đơn thuần là những đám ăn cắp vặt mà đã biết tập hợp thành những ổ nhóm và hoạt động ở những địa bàn khác nhau. Có thể khẳng định, khái niệm hoặc thế giới của giang hồ thành Nam cũng bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ này và sau đó nó đã biến thiên ra nhiều dạng khác.
Thời “sơ khai”, giang hồ thành Nam chủ yếu là những nhóm chuyên đi trộm cắp trên các chuyến tàu hỏa Bắc Nam. Khi đó, ở bất kỳ toa, chuyến tàu nào cũng xảy ra tình trạng trộm cắp, móc túi của hành khách và điều đặc biệt là hung thủ phần lớn có nguồn gốc ở Nam Định. Những đối tượng hoạt động trộm cắp này cũng có những tổ chức nhất định khi có những kẻ đứng ra cầm đầu, bảo kê để tránh những xung đột, tranh chấp nhất định.
Điểm mặt các “băng” khét tiếng
|
Ga Nam Định một thời là điểm nóng về tình hình an ninh trật tự |
Các băng nhóm hoạt động một cách công khai và tỏ ra “coi thường pháp luật”, khắp các nơi, đặc biệt là những chỗ tập trung đông người đều có sự xuất hiện của giới lưu manh. Mỗi ngày có tới cả chục, thậm chí vài chục vụ cướp bóc diễn ra tại địa phận tỉnh Nam Định. Không dừng lại ở đó, một số các băng nhóm cướp còn vươn vòi bạch tuộc ra những tỉnh thành khác như Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, thậm chí là vào tận Thanh Hóa, Nghệ An… Đi đến đâu, các băng đảng giang hồ Nam Định gây ra tội ác đến đó và dường như những kẻ lưu manh này đã tạo ra hẳn một thành phần trong xã hội, một thế giới riêng nơi mà chỉ có sức mạnh của dao kiếm là kiểm soát được.
Và cũng dễ hiểu vì sao không ít tên tuổi những băng nhóm cướp bắt nguồn từ Nam Định nổi đình, nổi đám trong thời kỳ này như “Phi Đội đường 9”, “Gió lộng”, “Sầu thương hận”, “Anh em”… Dù chỉ là những cái tên do các băng nhóm tự đặt cho nhau nhưng hễ khi nhắc đến người dân Nam Định lại cảm thấy choáng váng và vô cùng hoảng sợ. Thậm chí, mức độ ảnh hưởng của các băng nhóm này còn mạnh tới mức, nhiều thanh niên hư đốn muốn ra oai với đám đông liền vô ngực mình ở nhóm này, băng hội kia để mọi người khác phải nể sợ mình. Và cái tên "Phi đội đường 9" cũng bắt đầu xuất hiện từ đây.
Theo Phạm Dũng (Nguoiduatin.vn)