Ngày 12/4, Công an quận Tân Phú, TP.HCM bắt tạm giam Trần Đình Cường và sáu đồng phạm quê Bắc Ninh, Bắc Giang (tuổi từ 18 đến 28) để điều tra về hành vi Cho vay nặng lãi và Cưỡng đoạt tài sản.
Đây là các nghi can trong nhóm cho vay nặng lãi núp bóng trang web tài chính do Cường cầm đầu bị Công an quận Tân Phú xác lập chuyên án triệt xóa.
Dọa chặt chân con nợ
Thời gian gần đây, Công an quận Tân Phú nhận được thông tin về băng nhóm chuyên cho vay lãi nặng khắp các quận/huyện tại TP.HCM. Nhóm cho vay trên nhiều trang web, phát tờ rơi quảng bá việc cho vay nhanh chóng, lãi suất thấp. Khi có người liên lạc, các nhóm này cử người đến tận nhà lập hồ sơ cho vay để mua xe máy và người vay tiền chỉ phải đưa sổ hộ khẩu, CMND bản chính.
Số tiền vay có nhiều mức nhưng thông thường là gói 5-50 triệu đồng với hình thức trả góp (lãi suất 15%-90%/tháng). Khi người vay không kịp trả tiền góp hàng ngày thì bị bọn chúng gọi điện thoại, đến nhà đe dọa “chặt chân, chặt tay, đập nhà, đâm nát mặt” hoặc đánh người vay, bắt đóng phạt.
Trong số đó nổi lên là hai băng nhóm do Cường tổ chức và cầm đầu, chia thành các nhóm 4-6 người, thuê chung cư ở cùng. Cường cung cấp nguồn tiền chính cho Lê Văn Tư và Nguyễn Xuân Trường để hoạt động cho vay. Tư và Trường lại phân công đàn em đi cho vay và đòi nợ.
Cảnh sát cũng xác định “ông trùm” Cường có hai tiền án về tội Cướp tài sản và Gây rối trật tự công cộng.
Bắt cả băng cho vay lãi nặng
Sau khi thu thập đủ hồ sơ, công an đã bắt giữ bảy người và bước đầu họ thừa nhận cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản.
Cường khai nhận: Từ khoảng giữa năm 2017, Cường từ Bắc Ninh vào TP.HCM để xây dựng mạng lưới cho vay lãi nặng và rủ các thanh niên có “máu mặt” ở quê vào làm ăn chung. Sau đó Cường giao cho Trường, Tư mỗi người 400 triệu đồng để xây dựng hai nhóm. Đến lượt mình, Trường và Tư tổ chức cho đàn em rải khắp địa bàn TP.HCM, cho người dân vay với lãi suất 15%-90%/tháng.
Cường giúp Tư cập nhật, kiểm tra sổ sách người vay tiền, hướng dẫn cho vay và chỉ đạo việc lập các trang web như alovaytien, vaytiennongsaigon, vaytragop24h để quảng cáo và cùng đi phát tờ rơi.
Cảnh sát xác định với số tiền giao cho hai đàn em, trong gần năm tháng Cường thu lợi bất chính từ nhóm 203 triệu đồng.
Đến lượt mình, Trường và Tư tiếp tục đi cho vay với lãi suất cắt cổ. Đơn cử, tháng 12/2017, anh Thành (tên đã thay đổi, ngụ quận Tân Phú) và vợ vay của Tư 20 triệu đồng nhưng thực tế chỉ nhận được 15,2 triệu đồng. Mỗi ngày họ phải trả góp cả gốc và lãi cho Tư là 560.000 đồng. Đến ngày thứ 27, hai vợ chồng trả được 15.120.000 đồng thì chưa kịp đóng tiếp.
Liên tục trong hai ngày 15 và 16/1, Tư đến nhà vợ chồng anh Thành đòi tiền, chửi bới và dùng cây gỗ đánh đập hai vợ chồng gây thương tích. Sau đó, kẻ này liên tục gọi điện thoại đòi “chặt tay, chặt chân, đập nhà” để đe dọa. Hoảng sợ, vợ chồng anh Thành phải vay mượn nơi khác đóng tiền. Đến chiều 28/3, khi Tư đang thu tiền của hai vợ chồng ở quận Tân Phú thì bị mời về làm việc.
Cảnh sát đã làm việc được với hơn 60 bị hại bị Tư cho vay với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng, lãi suất 15%-90%/tháng, số tiền thu lợi bất chính của Tư là hơn 500 triệu đồng.
Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Thiếu tướng Phan Anh Minh: Sẽ thống nhất với VKS về việc xử lý
Ngày 12/4, tại buổi khen thưởng một số thành tích trong triệt phá ba chuyên án của Công an quận Tân Phú, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, nói đây là hành vi phạm tội không phải cá biệt, xảy ra tương đối nhiều ở các địa phương, gây ra nhiều vụ cưỡng đoạt tài sản hoặc cố ý gây thương tích. Có nhiều vụ không đến mức hình sự nhưng dư luận, người dân rất bức xúc như tạt sơn, chất bẩn vô nhà dân. Tuy nhiên, nếu bắt được cũng chỉ xử phạt rất nhẹ.
Ban Giám đốc Công an TP cũng có chỉ đạo xử lý rất nhiều nhưng kết quả chưa thỏa đáng. Tôi cũng nói rất nhiều về việc tờ rơi, quảng cáo về cho vay nặng lãi với các thủ tục đơn giản đầy ngoài đường.
“Riêng về vụ này, tôi sẽ cùng với PC45, PC44 xuống làm việc cùng với Công an quận Tân Phú rút kinh nghiệm để tham mưu nhân rộng ra các cơ quan khác. Bên cạnh đó, cũng cần thống nhất với VKS về những vướng mắc đã có từ lâu trong việc xử lý cho vay lãi nặng vì có nhiều điểm VKS chưa đồng thuận với cơ quan điều tra về tình tiết buộc tội” - ông nói.
Theo Nguyễn Tân (Pháp Luật TPHCM)