Giám đốc người Anh khởi kiện CGV, đòi bồi thường gần 6 tỷ đồng

27/06/2023 13:51:09

Cho rằng CGV buộc mình thôi việc là vi phạm hợp đồng lao động nên ông Benedict Daniel Sullivan (nguyên Giám đốc kinh doanh và tiếp thị CGV Việt Nam) đã khởi kiện đòi bồi thường gần 6 tỷ đồng.

Ngày 27/6, TAND TP.HCM mở phiên xét xử vụ án “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa nguyên đơn là ông Benedict Daniel Sullivan (60 tuổi, quốc tịch Anh) và bị đơn là Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (CGV Việt Nam).

Đại diện ủy quyền của CGV Việt Nam đã có đơn xin hoãn phiên tòa vì lý do lãnh đạo công ty mẹ bên Hàn Quốc qua Việt Nam làm việc nên đại diện ủy quyền phải tham dự.

Bức xúc vì vụ việc kéo dài suốt 8 năm nay nên bị đơn đề nghị HĐXX sớm giải quyết dứt điểm vụ án.

Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa. 

Giám đốc người Anh khởi kiện CGV, đòi bồi thường gần 6 tỷ đồng
Đại diện nguyên đơn tại tòa

Theo đơn khởi kiện, ông Ben làm việc tại CGV từ 1/1/2014 đến ngày 30/4/2015 với chức vụ giám đốc kinh doanh và tiếp thị theo hợp đồng lao động số 0571.

Ngày 7/10/2014, Tổng giám đốc CGV Dongwon Kwak quyết định thuyên chuyển ông từ vị trí giám đốc kinh doanh và tiếp thị sang làm vị trí “Quản lý tầng” của chi nhánh CGV ở quận 7 mà không hề có bất cứ một thỏa thuận nào.

Do bị bệnh, ngày 16/12/2014, ông Ben đi khám và được bác sỹ yêu cầu phải tạm dừng công việc trong vòng nửa tháng để đảm bảo sức khỏe.

Ngày 17/12/2014, ông Ben làm đơn xin từ chức Giám đốc kinh doanh và tiếp thị từ ngày 19/1/2015 và xin nghỉ việc để điều trị bệnh từ ngày 16/12/2014 đến 1/1/2015 vì lý do sức khỏe.

Cũng theo đơn khởi kiện, đến ngày 20/1/2015, ông bị buộc chấm dứt làm việc tại CGV Việt Nam mà không hề nhận được quyết định nào về việc chấm dứt Hợp đồng lao động, ngoại trừ công văn về việc “chi trả cuối cùng”. 

Theo ông Ben, việc ông  xin từ chức Giám đốc kinh doanh và tiếp thị không có nghĩa đó là đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động.

Ông Ben cho rằng, căn cứ theo khoản 1, điều 4 của Hợp đồng lao động mà ông ký với CGV Việt Nam thì "trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn, công ty phải thông báo cho người lao động trước 4 tháng".

Vì vậy, ông Ben cho rằng CGV Việt Nam chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông là vi phạm thời gian báo trước. Từ đó, ông Ben đề nghị TAND TPHCM tuyên buộc CGV phải chi trả cho mình tổng cộng gần 6 tỷ đồng, bao gồm: lương và trợ cấp trong 5 tháng chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; vé máy bay hạng thương gia đến Anh; tiền hoa hồng trên doanh thu mang về cho CGV trong năm 2014; bồi thường thiệt hại do chấm dứt hợp đồng lao động.

Trước việc ông Ben khởi kiện, phía CGV cho rằng, ngày  17/12/2014, công ty đã nhận được thư điện tử có đính kèm hình chụp đơn xin nghỉ việc có chữ ký tay của ông Ben. Đến ngày 18/12/2014 thì công ty nhận được thư xin nghỉ việc của ông Ben gửi qua đường bưu điện.

Ngày 13/2/2015, công ty đã thanh toán toàn bộ các khoản tiền lương, phụ cấp và hoa hồng cho ông tính đến ngày nghỉ việc.

Theo CGV, việc ông Ben cho rằng "từ chức chứ không phải chấm dứt hợp đồng lao động" là không đúng, bởi thời điểm xin từ chức ông "hiểu và ý thức được là xin nghỉ việc" nên đã ký vào biên bản bàn giao công việc và tài sản cho công ty. Từ đó, CGV không chấp nhận các khoản yêu cầu bồi thường của nguyên đơn vì không có cơ sở.

Theo Thanh Phương (VietNamNet)