Tối 22-6, tin từ Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa phối hợp với Phòng 6, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) triệt phá một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet quy mô rất lớn, lên đến gần 120 tỉ đồng.
Trước đó, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục nhận được đơn trình báo của người dân về việc bị mất trộm tiền trong tài khoản ngân hàng, mà nạn nhân đều là những người bán hàng online.
Thủ đoạn của nhóm lừa đảo là giả danh người đang sống ở Mỹ, mua nhiều hàng bán online trên mạng. Sau khi đặt mua xong, nhóm lừa đảo gửi đường link chuyển tiền và đề nghị người bán hàng click vào, nhập thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng cùng mã OTP để chuyển tiền.
Sau khi người bán nhập các thông tin trên thì vài giây sau, số dư trong tài khoản người bán hàng sẽ "không cánh mà bay".
Qua điều tra, lực lượng công an xác định cầm đầu đường dây này là Lê Anh Tuấn (31 tuổi, trú tỉnh Quảng Trị).
Tuấn từng tốt nghiệp một trường đại học đào tạo về CNTT tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn một công việc đàng hoàng thì người này lại sử dụng những kiến thức học được để tạo một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng Internet.
Tuấn cấu kết với Nguyễn Tuấn Dũng (26 tuổi, trú huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) và Nguyễn Ngọc Thành (31 tuổi, trú tỉnh Quảng Trị) thuê trọ tại TP Huế để hoạt động.
Tuấn phân công nhiệm vụ cho Dũng và Thành lập nhiều Facebook ảo, lên mạng vào các diễn đàn, hội nhóm tìm kiếm thông tin của những người bán hàng online, nhắn tin trò chuyện mua hàng và rút tiền.
Riêng Lê Anh Tuấn, với trình độ CNTT sẵn có, đã trực tiếp thiết kế, tạo ra nhiều website giả mạo ngân hàng, website giả mạo dịch vụ chuyển tiền trung gian từ nước ngoài về Việt Nam như http://www.westers-unions.com/un...
Khi người bị hại nhập thông tin vào trang web trên, nhóm của Tuấn sẽ rút hết toàn bộ tiền trong tài khoản và chuyển về các tài khoản ngân hàng khác.
Sau khi lừa đảo trót lọt, Lê Anh Tuấn sẽ trả công cho Dũng và Thành 10-50% số tiền lấy được. Số tiền này được nhóm trên dùng ăn chơi, tiêu xài và đánh bạc.
Với thủ đoạn trên, đã có hơn 300 người sập bẫy đường dây này ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Có người bị lừa từ vài triệu lên đến vài tỉ đồng.
Ngay sau khi bị bắt giữ, cơ quan công an đã khám xét nơi ở của nhóm trên và phát hiện, thu giữ 6 điện thoại di động, 2 laptop lưu trữ tài liệu phạm tội và 1 hệ thống chỉnh âm thanh để tinh chỉnh, giả giọng nói.
Theo Nhật Linh (Tuổi Trẻ)