Ngày 29-12, Cơ quan CSĐT công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết đã ra quyết định giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Tin (ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai) và giữ nguyên quan điểm không khởi tố vụ án hình sự làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, ngày 8-11, cơ quan điều tra (CQĐT) ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với đơn của bà Tin tố ông Đinh Quang Hướng có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bà Tin không đồng ý với quyết định của công an TP Biên Hòa nên đã có đơn khiếu nại.
Tuy nhiên, lần trả lời khiếu nại này, Công an TP Biên Hòa xác định đối với vụ việc có dấu hiệu cùa tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, theo quy định đã hết hiệu lực truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì chưa có căn cứu để chứng minh vụ việc có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của CQĐT TP Biên Hòa, bà Tin bức xúc cho rằng sự việc hết sức rõ ràng nhưng công an đã không làm tròn trách nhiệm, có dấu hiệu bao che và bỏ lọt tội phạm.
“Công an đã điều tra xác định toàn bộ giấy tờ được ông Hướng làm giả rồi bán nhà của tôi chiếm đoạt số tiền gần 600 triệu đồng. Ngoài ra, trước đó công an xác định ông Hướng lừa chiếm đoạt tài sản căn nhà hơn 100m2 của tôi nhưng kết quả định giá có 32 triệu đồng, hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm. Bây giờ lại cho rằng chưa có căn cứ chứng minh vụ việc có dấu hiệu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản?” - bà Tin nói.
Như PLO đã phản ánh, năm 2010, vợ chồng bà Tin vay của ông Đinh Quang Hướng 400 triệu đồng. Ông Hướng yêu cầu giữ giấy tờ nhà, đất do vợ chồng bà Tin đứng tên.
Năm 2016, do kinh tế khó khăn, chồng qua đời nên bà Tin ở quê ngoài Bắc lo việc gia đình. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, khi bà Tin trở lại Đồng Nai thì phát hiện ông Hướng đã bán nhà, đất của bà nên tố cáo.
Công an TP Biên Hòa xác định những chữ ký, dấu vân tay của vợ chồng bà Tin trong hợp đồng mua bán cho ông Hướng đều là giả. Sau đó, ông Hướng đã sang tên nhà, đất cho chính mình trước khi bán cho người thứ ba với số tiền 570 triệu đồng.
Tuy nhiên CQĐT không khởi tố vụ án vì hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Kết quả định giá mảnh đất có diện tích 104 m2 theo giá Nhà nước quy định năm 2011, tại thời điểm ông Hướng làm giả giấy tờ chỉ có giá 32 triệu đồng. Căn nhà cấp bốn, do qua nhiều đời chủ, bị sửa chữa, thay đổi nên không định giá được. Giá trị tài sản bị thiệt hại dưới 50 triệu đồng thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, thời hạn truy cứu chỉ là năm năm đã hết...
Tuy nhiên, nhiều luật sư cũng như nhiều người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật không đồng tình với quyết định của Công an TP Biên Hòa.
Các luật sư cho rằng cơ quan Công an căn cứ vào giá đất do Nhà nước ban hành năm 2011 (thời điểm ông Hướng làm giả giấy tờ) để cho rằng giá trị tài sản bị chiếm đoạt dưới 50 triệu đồng mà không định giá theo giá thị trường là không đúng. Vì quy định nguyên tắc định giá phải phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá.
Cạnh đó, CQĐT còn cho rằng tài sản trên đất là căn nhà cấp bốn, do qua nhiều đời chủ, bị sửa chữa, thay đổi nên không định giá được và tài sản trong nhà quá lâu không thể xác định giá là sai.
Bởi nếu đã xác định được có căn nhà cấp bốn trên đất mà hiện nay nhà không còn thì căn cứ vào đơn giá nhà do UBND cấp tỉnh ban hành, dựa trên cơ sở năm xây dựng hoàn thành trừ đi phần khấu hao vẫn có thể xác định được giá trị căn nhà.
Theo Vũ Hội (Pháp Luật TPHCM)