Gia đình tan nát, tương tàn từ những "đường dây ma túy anh em"

15/04/2017 10:07:00

Mua bán trái phép ma túy khi bị bắt thường đối mặt với một bản án nghiêm khắc, có người bị loại ra khỏi đời sống xã hội. Đó là một hệ lụy đau lòng và là một kết cục báo trước với những ai chọn con đường "gieo rắc cái chết trắng". Nhưng càng đau lòng hơn, khi trong nhiều vụ án, có nhiều người thân trong gia đình cùng chịu sự trừng phạt của pháp luật…

Mua bán trái phép ma túy khi bị bắt thường đối mặt với một bản án nghiêm khắc, có người bị loại ra khỏi đời sống xã hội. Đó là một hệ lụy đau lòng và là một kết cục báo trước với những ai chọn con đường "gieo rắc cái chết trắng". Nhưng càng đau lòng hơn, khi trong nhiều vụ án, có nhiều người thân trong gia đình cùng chịu sự trừng phạt của pháp luật…

Trước khi tham gia mua bán trái phép chất ma túy, Kiên là một người hiền lành, tần tảo sớm hôm lao động để nuôi vợ, con. Nhưng trái ngược với Kiên, Hảo lại là người ham mê cờ bạc, sống hưởng thụ, từng bị phạt tù về tội trộm cắp tài sản. Có lẽ vì muốn kiếm tiền bằng mọi giá, Kiên đã lao vào con đường mua bán ma túy.

Cơ quan điều tra xác định, Kiên có vai trò tích cực trong vụ án này và phải chịu trách nhiệm về việc mua bán 1.269 bánh heroin. Mức hình phạt với Kiên là tử hình. Đối với Nguyễn Thị Thu Hảo (vợ Kiên) nhận mức án 18 tháng tù giam về tội "Không tố giác tội phạm".

 Hai anh em Lê Văn Kiểm và Lê Văn Hạnh bị TAND tỉnh Bình Dương tuyên mức án cao nhất. Ảnh: CTV.

Hai anh em Lê Văn Kiểm và Lê Văn Hạnh bị TAND tỉnh Bình Dương tuyên mức án cao nhất. Ảnh: CTV.

Vừa nghe Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Dương tuyên án, tiếng khóc nức nở vang lên trong phòng xử án, bản thân bị cáo cũng hối hận không kìm được nước mắt khi bị tước đi mạng sống vì những tội lỗi đã gây ra với xã hội. Trong đường dây mua bán 600 bánh heroin này có 5 bị cáo thì 3 bị cáo là người thân trong gia đình. Nếu bị cáo Lê Văn Kiểm và anh trai Lê Văn Hạnh lĩnh án tử hình, thì bị cáo Đặng Thị Thanh (vợ Kiểm) cũng chịu mức án 23 năm tù giam.

Bằng thủ đoạn mua ma túy từ Nghệ An vận chuyển vào Bình Dương tiêu thụ, mỗi bánh heroin, anh em Kiểm thu lợi từ 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng, chính từ mức "siêu lợi nhuận" này, đã kéo vợ Kiểm là Thanh cùng tham gia. Cơ quan điều tra xác định, chỉ trong vòng 8 tháng, số tiền lời anh em Kiểm thu được lên tới hơn 4 tỷ đồng; chính vì đồng tiền kiếm được quá dễ dàng đã khiến các bị cáo mê muội, để đến lúc hối hận thì đã quá muộn.

Trong một vụ án khác, TAND TP Hà Nội đã xét xử tuyên phạt 3 anh em về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy" là Trần Văn Tú, Trần Văn Khuyến và Trần Xuân Khoát, cùng trú tại xã Quang Trung, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Trong đó, Tú là anh họ, nhận mức án tử hình; Khuyến và Khoát là hai anh em ruột, người nhận án tử hình, người lĩnh án chung thân.

Hành trình dẫn đến kết cục đau lòng này bắt nguồn từ việc muốn kiếm nhiều tiền một cách dễ dàng. Do làm nghề lái xe taxi, Tú có quen Nguyễn Văn Ninh. Đối tượng Ninh thuê Tú vận chuyển ma túy từ Mai Châu (Hòa Bình) lên Lạng Sơn, tiền công 80 triệu đồng một chuyến. Choáng ngợp với số tiền lớn, Ninh rủ Khuyến cùng tham gia.

Trong gần 1 năm, Tú và Khuyến đã vận chuyển 10 chuyến “hàng trắng” cho Ninh. Sau đó, Ninh nâng công vận chuyển lên 100 triệu đồng/chuyến và yêu cầu Tú tìm thêm người. Thấy vậy, Khuyến rủ em ruột là Trần Xuân Khoát cùng tham gia. Khi cả nhóm đang vận chuyển 30 bánh heroin từ Hòa Bình về thì bị Công an bắt giữ .

Các vụ án nêu trên chỉ là 3 trong số nhiều vụ án, các mắt xích trong đường dây mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy có quan hệ vợ chồng, anh em ruột, hoặc họ hàng thân thích trong gia đình.

Có nhiều nguyên nhân để lý giải thực trạng này. Nguyên tắc của các đường dây ma túy là phải bảo đảm tính bí mật, trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào nhau. Một mắt xích trong đường dây bị bắt, có thể sẽ không khai ra đồng bọn, bởi vì, tâm lý các đối tượng ma túy khi bị bắt đều xác định "một ăn cả, ngã về không", nếu các đối tượng là người thân thích trong gia đình thì những nguyên tắc trên sẽ được đảm bảo hơn.

Một nguyên nhân khác, là khi đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì người thân trong gia đình hơn ai hết biết được hành vi vi phạm pháp luật của họ; nếu không cùng tham gia thì bị phát hiện, người thân cũng bị xử lý về hành vi "Không tố giác tội phạm" hoặc "Che giấu tội phạm". Trường hợp này thường xảy ra đối với người thân là vợ hoặc chồng.

Cũng còn nguyên nhân nữa là do mức lợi nhuận quá cao, người dễ bị kích thích vì "siêu lợi nhuận" ma túy chính là người thân trong gia đình, nên các đối tượng phạm tội ma túy rất hay lôi kéo người thân cùng tham gia; bản thân người thân cũng rất dễ sa ngã bởi sự lôi kéo của đối tượng là người trong gia đình…

Ở các vụ án mua bán, vận chuyển ma túy, mà đối tượng là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng cao, tính gắn kết cộng đồng lớn, thì tình trạng bố con, vợ chồng, anh em ruột thịt, hoặc họ hàng nội tộc, thậm chí nhiều người trong thôn bản hình thành đường dây ma túy lớn.

Người thân trong gia đình tham gia vào đường dây ma túy, xét về mặt pháp luật, đều bị xét xử một cách công bằng, không có tình tiết chiếu cố, giảm nhẹ. Tuy nhiên, xét về mặt xã hội để lại những hệ lụy đau lòng: Trong một gia đình, cả bố lẫn mẹ đều bị cách ly khỏi xã hội, để lại đàn con nheo nhóc, không người chăm sóc; trong một gia tộc, nhiều người có quan hệ huyết thống phải chịu vòng lao lý, thậm chí bị tước đi mạng sống, làm ảnh hưởng đến thanh danh dòng họ.

"Gia đình là tế bào của xã hội", gia đình cũng là một "xã hội thu nhỏ", vì vậy, để tránh những hệ lụy đau lòng như trên, mỗi thành viên trong gia đình, dòng tộc hãy ngăn ngừa những thành viên trong gia đình mình đừng sa vào con đường ma túy; dũng cảm tố giác hành vi của họ chính là bảo vệ cho gia đình, dòng tộc mình tránh khỏi những cái kết thương tâm như những vụ án nêu trên.

Theo Đào Minh Khoa (CAND Online)

Nổi bật