Hương gây án với địa bàn trải dài từ miền Tây cho đến miền Đông, dường như trong đầu bị cáo không có khái niệm “hoàn lương”.
Cho đến lần thứ 8 ra trước công đường và bị TAND huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai phạt tù về tội Trộm cắp tài sản, những người dự khán vẫn không khỏi băn khoăn liệu Hương có còn “tái xuất giang hồ” sau bản án này?
Cùng ra Tòa với Lê Minh Hương còn có bị cáo Nguyễn Trọng Hải (30 tuổi, quê Phú Yên). Có đến 17 người bị hại cũng được triệu tập ra Tòa để làm rõ hành vi phạm tội của hai bị cáo. Một điều rất khôi hài là trong các vụ trộm do Hương gây ra, bị cáo lại thường nhắm vào tài sản của những người đang... bảo vệ an ninh, an toàn cho các doanh nghiệp.
Theo cáo trạng, để có tiền tiêu xài, mỗi khi đêm xuống Hương và Hải chở nhau đến cổng bảo vệ tại các công ty trên địa bàn huyện để trộm cắp tài sản. Vụ thứ nhất xảy ra lúc 3h ngày 22/5/2017, hai bị cáo chở nhau trên xe môtô đến khu công nghiệp để trộm cắp tài sản.
Khi đến cổng bảo vệ của công ty B., hai bị cáo phát hiện nhân viên bảo vệ công ty đang say sưa ngủ. Lợi dụng tình cảnh đó, hai bị cáo phân công nhau, kẻ đứng cảnh giới, kẻ trèo qua tường rào vào trong phòng bảo vệ lén lút trộm 1 ti vi hiệu Samsung 32 inch rồi tẩu thoát.
Đến khoảng 3h ngày 28/5/2017, Hải tiếp tục lén lút đột nhập cổng bảo vệ Công ty J. Bị cáo phát hiện hai bảo vệ trong ca trực đang ngủ nên mở chốt của cổng đi vào bên trong phòng bảo vệ “chôm” 1 điện thoại iPhone 6 và 1 điện thoại Samsung Galaxy J7. Sáng hôm sau, Hải đem tang vật cầm cố được 3 triệu đồng để tiêu xài cá nhân hết.
Quá trình xét hỏi, thẩm tra tại Tòa cho thấy, Lê Minh Hương là tội phạm chuyên nghiệp, từng có quá khứ 7 lần ra Tòa với 5 biệt danh khác nhau. Ngày 20/12/1984, Hương từng bị TAND thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp xử phạt 24 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản công dân. Anh ta cải tạo tại Trại giam Cao Lãnh được hơn một năm rồi bỏ trốn.
Ba năm sau, ngày 28/9/1987, Hương lại bị TAND tỉnh Hậu Giang xử phạt 24 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản công dân. Hương cải tạo tại Trại giam Kênh 5, tuy nhiên “bổn cũ soạn lại”, đến ngày 31/11/1988, anh này lại bỏ trốn thành công.
Việc gây án, ra Tòa rồi bỏ trốn khỏi nơi giam lại tiếp diễn khi ngày 20/01/1990, Hương lại bị TAND TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang xử phạt 4 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân và trộm cắp tài sản công dân. Lần này, Hương chấp hành tại trại Tạm giam Định Thành. Vào ngày 22/4/1991, lợi dụng sơ hở của cán bộ, Hương lại bỏ trốn.
Chuỗi ngày tù tội tiếp tục kéo dài khi Hương bị TAND tỉnh An Giang tuyên án ngày 23/4/1992 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân và tội Trốn khỏi nơi giam giữ. Rút kinh nghiệm các lần trước, Hương bị giám sát chặt chẽ nên y đã “yên vị” tại Trại giam Định Thành tổng cộng hơn 8 năm 3 tháng.
Nếu là người có nhận thức pháp luật, Hương phải chí thú lao động để hoàn lương. Nhưng không, y tiếp tục đi lừa đảo và kết quả là bị TAND huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp kết án 3 năm tù vào năm 1999. Hương thụ án tại Trại giam Cao Lãnh đến ngày 27/6/2000 bỏ trốn.
Sau lần phạm tội này, Hương còn thêm 2 lần phải ra trước vành móng ngựa lãnh thêm các bản án về tội Trốn khỏi nơi giam, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đáng nói, mỗi lần gây án, Hương lại lấy một biệt danh khác nhau, tổng cộng bị cáo có đến 5 tên gọi.
Vị Thẩm phán chủ tọa nhận định bị cáo Lê Minh Hương có nhân thân xấu, từng nhiều lần phạm tội nhưng bị cáo không lấy đó làm bài học để tu dưỡng, rèn luyện mà tiếp tục tái phạm, thể hiện sự coi thường pháp luật. Do vậy, cần phải có mức hình phạt tương xứng mới đảm bảo tính răn đe, giáo dục, cải tạo để bị cáo trở thành người công dân tốt, sống có ích cho xã hội.
Hành vi phạm tội của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm tài sản hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ. Do đó, Hội đồng xét xử cần có mức án tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo và cách ly ra khỏi xã hội một thời gian nhằm cải tạo và giáo dục các bị cáo có ý thức tuân thủ pháp luật và răn đe phòng ngừa chung.
Từ đó, HĐXX phạt Nguyễn Trọng Hải 12 tháng tù; Lê Minh Hương 8 tháng tù. Không hiểu sau lần thứ 8 ra Tòa này, Hương có nhận thức được sai lầm để hoàn lương khi tuổi tác đã sang bên kia dốc của cuộc đời?
Theo An Dương (Công Lý)