Nguyên Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình vừa bị khởi tố vì liên quan đến "đại án" kinh tế Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỷ đồng là Chủ tịch HĐTV đầu tiên của VAMC. Ông Bình có 30 năm gắn bó với ngành tài chính ngân hàng.
Hôm nay, 8.9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, 63 tuổi, về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Bình giữ chức Phó Thống đốc NHNN từ năm 2005, đến năm 2014 thì nghỉ hưu.
Nguyên Phó thống đốc NHNN bị khởi tố vì liên quan đến "đại án" kinh tế Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Bình.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can Bình để điều tra hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Bình là người có 30 năm công tác trong ngành tài chính ngân hàng. Từ năm 1994, ông đã bắt đầu giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính. Đến năm 1997 ông chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2002, ông Đặng Thanh Bình được bổ nhiệm vào vị trí Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, NHNN. Đến năm 2005 được bổ nhiệm là Phó thống đốc NHNN cùng thời điểm với ông Nguyễn Đồng Tiến.
Với cương vị Phó thống đốc NHNN, ông Đặng Thanh Bình được giao chuyên trách về nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong một thời gian dài.
Tháng 7.2013, Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình được bổ nhiệm kiêm nhiệm Chủ tịch HĐTV VAMC. (Ảnh: I.T) |
Khi hệ thống ngân hàng lâm vào tình trạng nợ xấu quá cao buộc phải tái cơ cấu, NHNN đã thành lập Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) vào năm 2013. Trong giai đoạn chuẩn bị thành lập VAMC, ông Bình đã đảm nhiệm vị trí Trưởng ban trù bị thành lập công ty này.
Đến tháng 7.2013, Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình được bổ nhiệm kiêm nhiệm Chủ tịch HĐTV VAMC. Ông Bình đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐTV của VAMC chưa đầy một năm thì đến tuổi nghỉ hưu.
Trong 1 năm làm Chủ tịch HĐTV VAMC, tính đến cuối tháng 6.2014, tổng số nợ xấu đã được VAMC mua lại vào khoảng 51.000 tỷ đồng. Con số khiêm tốn này là do thời điểm đó các TCTD còn e ngại việc bán nợ xấu cho VAMC.
Tuy nhiên, nhiều vướng mắc đã được giải toả sau đó, nên 6 tháng cuối năm 2014, tổng số nợ xấu VAMC mua được từ các TCTD đạt 123.000 tỷ đồng dư nợ gốc, trong đó, VAMC đã xử lý nợ xấu được hơn 4.000 tỷ đồng.
Lũy kế đến năm 2015, VAMC đã mua được 228.416 tỷ đồng tổng số dư nợ gốc nội bảng. Với việc thu hồi được hơn 18.000 tỷ đồng nợ xấu, VAMC đã xử lý được gần 8% tổng số nợ xấu đã mua.
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, VAMC đã mua khoảng 241.000 tỷ đồng nợ xấu. Hầu hết khoản nợ xấu VAMC đã nhận từ các tổ chức tín dụng đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay, kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp... Trong đó, tài sản là bất động sản trị giá 268.872 tỷ đồng, chiếm 62%. Tài sản trên đất trị giá 31.308 tỷ đồng, chiếm 7,2%. Giấy tờ có giá trị giá 12.902 tỷ đồng, chiếm 3%. Máy móc thiết bị trị giá 22.097 tỷ đồng, chiếm 5,1%. Phương tiện vận tải trị giá 18.333 tỷ đồng, chiếm 4,2%. Quyền đòi nợ trị giá 11.610 tỷ đồng, chiếm 2,7%. Quyền phát sinh tài sản 34.805 tỷ đồng, chiếm 8,0%. Các loại tài sản khác trị giá 34.051 tỷ đồng, chiếm 7,8%. |
Theo Ngân Nguyễn (Dân Việt)