Ngày 18-10, TAND TP Thái Bình xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Xuân Đường (Đường “nhuệ”, sinh năm 1971, trú TP Thái Bình) cùng con nuôi là Bùi Mạnh Tiến (Tiến “trắng”, sinh năm 1995, trú huyện Vũ Thư) về tội xâm phạm chỗ ở của công dân. HĐXX đã tuyên phạt Đường và Tiến mỗi bị cáo một năm tù cùng về tội danh trên.
Chiếm giữ văn phòng công ty để đòi nợ
Theo cáo trạng, đầu năm 2017, ông Nguyễn Văn Lẫm (Giám đốc Công ty Lâm Quyết) cùng vợ là Phạm Thị Quyết vay của vợ chồng Đường 1,7 tỉ đồng.
Đến chiều 3-10-2017, biết tin vợ chồng ông Lẫm không có mặt tại Thái Bình, Đường cùng Tiến tới Công ty Lâm Quyết đòi tiền. Đến nơi, thấy có nhiều người cùng ô tô, xe cẩu đỗ ở công ty này, Đường nói mọi người không được lấy tài sản ra ngoài, phải chờ vợ chồng ông Lẫm về giải quyết.
Chờ đến cuối chiều không thấy vợ chồng ông Lẫm về, Đường giao cho Tiến ở lại chờ còn Đường về nhà. Sáng hôm sau, công nhân Công ty Lâm Quyết đến làm, thấy Tiến cùng một số người khác trong công ty nên ra về, chỉ còn hai em trai ông Lẫm ở tại khu nhà phía sau công ty. Đến chiều 6-10-2017, Đường đuổi hai người này ra khỏi công ty.
Cáo trạng xác định từ ngày 3 đến 19-10-2017, theo chỉ đạo của Đường, Tiến cùng một số người lạ đã xâm nhập, chiếm giữ trái phép, ăn ngủ, sinh hoạt tại văn phòng Công ty Lâm Quyết, cũng là nơi ở của vợ chồng ông Lẫm. Có đủ căn cứ truy tố Đường và Tiến về tội xâm phạm chỗ ở của công dân.
Đường “nhuệ” phủ nhận xâm phạm chỗ ở
Tại tòa, bị cáo Đường khai vợ chồng ông Lẫm vay của vợ chồng bị cáo 2,2 tỉ đồng gồm khoản vay trước 1,7 tỉ đồng, khoản sau 500 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng ông Lẫm còn vay của bố mẹ Đường 600 triệu đồng. Đường thừa nhận có chỉ đạo Tiến ở lại Công ty Lâm Quyết nhưng là để chờ vợ chồng ông Lẫm về. Đường cũng thừa nhận đã gọi điện thoại chửi bới, đe dọa ông Lẫm.
Đường khai không chỉ đạo lấy tài sản của Công ty Lâm Quyết. Theo bị cáo, gỗ tại Công ty Lâm Quyết đã được anh Hà (con trai ông Lẫm) đồng ý cho một người tên Kiên lấy đi. Đường biết số gỗ này được bán cho ai, nếu cơ quan tố tụng cần thì sẽ giúp làm rõ. Theo Đường, tới ngày 19-3-2017, thấy anh Nguyễn Trung Kiên lấy gỗ đi, Đường cho rằng ông Lẫm tẩu tán tài sản nên đã bảo Tiến: “Bố con mình thua rồi, lượn đi”.
Đường cho rằng Công ty Lâm Quyết thuê đất để làm nơi kinh doanh, không phải là chỗ ở nên Đường và Tiến không phạm tội xâm phạm chỗ ở công dân như cáo trạng của VKS truy tố.
Bị cáo Tiến thừa nhận đã ở lại Công ty Lâm Quyết theo chỉ đạo của cha nuôi là bị cáo Đường nhưng không có ý định xâm chiếm gì cả. Khi được tòa hỏi, bị cáo luôn nói không nhớ, ví như không nhớ đã ở chỗ nào trong công ty, không nhớ có những ai ở cùng, không nhớ ở lại bao lâu… Bị cáo không đập phá hay lấy tài liệu, tài sản gì của công ty. “VKS truy tố thế nào, bị cáo đồng ý như thế” - bị cáo Tiến nói.
Phía bị hại đề nghị trả hồ sơ, tòa bác
Tại tòa, anh Nguyễn Văn Hà (con trai ông Lẫm, bà Quyết, được triệu tập tới tòa với tư cách nhân chứng) cho biết đi cùng Tiến còn có những đàn em khác của Đường. Các nhân chứng là em trai ông Lẫm cũng khẳng định ngoài Tiến còn có 3-4 người khác thường xuyên có mặt tại Công ty Lâm Quyết thời điểm nhóm này chiếm giữ công ty.
Luật sư phía bị hại cho rằng đơn tố giác tội phạm của vợ chồng ông Lẫm tố cáo nhóm Đường “nhuệ” có bốn nội dung gồm chiếm giữ trái phép công ty, đe dọa giết người, cướp tài sản, hủy hoại tài sản tại Công ty Lâm Quyết. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình mới xác minh và khởi tố một nội dung xâm phạm chỗ ở của công dân, ba nội dung còn lại chưa ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự theo quy định. Do đó, luật sư và bị hại đều đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra lại.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã áp dụng đầy đủ các biện pháp cần thiết nên đề nghị điều tra lại là không có căn cứ. Theo tòa, mặc dù bị cáo Đường không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi tại tòa, có đủ cơ sở để xác định Đường đã chỉ đạo bị cáo Tiến xâm nhập, chiếm giữ trái phép, ăn ngủ, sinh hoạt tại văn phòng Công ty Lâm Quyết, cũng là nơi ở của vợ chồng ông Lẫm mà không được sự đồng ý của gia đình họ.
Truy tố Đường “nhuệ” vụ ăn chặn 2,5 tỉ tiền hỏa táng
Hồi tháng 6, VKSND tỉnh Thái Bình đã ra cáo trạng truy tố Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương (vợ Đường) cùng năm đàn em về tội cưỡng đoạt tài sản.
Đường bị cáo buộc ép các cơ sở tang lễ phải báo ca, nộp 500.000 đồng/ca hỏa táng về Công ty Đường Dương của vợ chồng Đường. Sau đó, Đường đe dọa, ép các cơ sở tang lễ phải ký hợp đồng với Công ty Đường Dương, hằng tháng nộp tiền báo ca vào ngày mùng 5 và 20 âm lịch. Để chiếm thế độc quyền, Đường còn cấm các cơ sở tang lễ ngoại tỉnh vào Thái Bình.
Cáo trạng xác định từ tháng 12-2017 tới tháng 4-2020, nhóm Đường đã chiếm đoạt 2,469 tỉ đồng của 25 cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Theo Đỗ Hoàng (Pháp Luật TPHCM)