Lên án gay gắt
Liên quan đến vụ bắt giữ vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (49 tuổi, còn gọi là Đường “Nhuệ”, ở TP.Thái Bình) và 4 đồng phạm để điều tra hành vi cố ý gây thương tích xảy ra tại Công ty TNHH Đường Dương (do Đường làm chủ). Mới đây, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình cho biết đang mở rộng điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản của Đường do có thông tin về việc bị can này thu tiền bảo kê liên quan hoạt động hỏa táng của người dân tại Thái Bình.
Theo tố cáo của người dân, mỗi trường hợp hỏa táng Nguyễn Xuân Đường cho đàn em thu phí 500 nghìn đồng. Nếu không được hợp tác, nhóm này sẽ hành hung, đe dọa không cho tồn tại. Việc làm của Nguyễn Xuân Đường đang khiến dư luận phẫn nộ, lên án gay gắt.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung (Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bức xúc: “Mấy ngày hôm nay tôi cũng tìm hiểu 2 “nhân vật” ở Thái Bình qua các phương tiện thông tin đại chúng và thấy đây là công ty khoác áo doanh nhân, hoạt động theo kiểu xã hội đen. Những việc làm của vợ chồng Đường “Nhuệ” cần lên án mạnh vì trong lúc nhà nước đang giữ gìn trật tự an ninh, đảm bảo cuộc sống người dân được yên ổn thì lại có những con người hoạt động phi pháp khi thu cả tiền hỏa táng của người đã chết là 500 nghìn đồng”.
Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, người Việt Nam vốn tương thân, tương ái, luôn giúp đỡ lẫn nhau nhưng tại sao lại xuất hiện một người khoác áo “doanh nhân” có hành động phi văn hóa như vậy. Nếu xét dưới góc độ đạo đức thì đây là con người vô đạo đức. Xét ở góc độ văn hóa là bất nhân, bất nghĩa khi kinh doanh, trấn lột tiền trên cả những gia đình đang có chuyện đau buồn. Họ bất chấp mọi điều để thu những khoản tiền phi pháp.
“Tôi cho rằng đây là loại tội phạm điển hình ở mức độ nhẫn tâm không thể dung thứ, sống không có tình người. Họ không nghĩ đến bất kỳ điều gì ngoài lợi nhuận. Người chết mà vẫn thu tiền giống như đang đi thu thuế thì rõ ràng đây là việc quá tàn ác. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ và trừng trị những con người này thật nghiêm khắc trước pháp luật để đảm bảo cuộc sống yên bình cho người dân”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nêu quan điểm.
Cùng nói về hành vi này của Đường “Nhuệ”, luật sư Nguyễn Văn Hùng (Công ty Luật CHDLAW) cho hay, đây là hành động táng tận lương tâm. Bởi, nghĩa tử là nghĩa tận, đến người chết Đường “Nhuệ” cũng không để yên. Tâm lý của nhiều người dân là tôn trọng những người đã mất, nên các gia đình có người mất sẽ làm mọi cái được yêu cầu để người mất được yên nghỉ. Có lẽ, vì điều đó mà Đường “Nhuệ” cũng dễ dàng lộng hành hơn trong thời gian qua.
“Hành vi ăn chặn đến tiền an táng là việc làm thiếu tình người, chúng ta cực lực lên án bất kể ai có hành động này”, luật sư Hùng nói.
Cần làm rõ dấu hiệu hành vi cưỡng đoạt tài sản
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hùng cho biết: “Dựa trên cơ sở đơn tố cáo, nếu CSĐT Công an tỉnh Thái Bình chứng minh được có hành vi thu phí an táng người đã mất thì hoàn toàn có thể ra quyết định khởi tố bổ sung tội Cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170, BLHS năm 2015. CSĐT Công an tỉnh Thái Bình căn cứ vào thực tế số tiền thu lợi bất chính trong những năm qua thì sẽ có mức án và bản ản thích đáng đối với hành vi vi phạm pháp luật của Đường “Nhuệ”".
Luật sư Nghiêm Quang Vinh (Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang, đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: “Vợ chồng Đường – Dương cùng “đàn em” đã bị bắt giữ để điều tra về tội danh Cố ý gây thương tích. Nhân sự việc này bùng phát lên một loạt những tố cáo khác liên quan đến công ty của cặp vợ chồng đã từng “làm mưa, làm gió” tại đất Thái Bình. Cụ thể là thu tiền hỏa táng của đơn vị tiến hành hỏa táng tại đài hóa thân và tính theo số lượng để trả tiền. Nếu có dấu hiệu phạm tội mới thì cơ quan công an sẽ tiến hành khởi tố bổ sung thêm tội danh”.
Theo luật sư Nghiêm Quang Vinh, trước hành động phi pháp này, CSĐT Công an tỉnh Thái Bình điều tra cần xác minh các lần chuyển tiền cho Đường “Nhuệ” chuyển như thế nào, để xác định ra số tiền chuyển. Sau khi xác minh rõ sự việc đúng như người dân phản ảnh, hành vi của cặp vợ chồng này có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170, BLHS năm 2015.
Theo quy định tại Điều 170 – Bộ luật hình sự năm 2015 về tội cưỡng đoạt tài sản như sau:
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Theo M.T (Nguoiduatin.vn)