Cục CSĐT tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu (Bộ Công an) vừa triển khai công tác nghiệp vụ đấu tranh làm rõ 3 đường dây buôn lậu hàng tấn vàng, trị giá hàng ngàn tỉ đồng từ Campuchia và Trung Quốc về Việt Nam qua khu vực biên giới các tỉnh Long An, An Giang và Lào Cai, đưa về tiêu thụ tại TP Hà Nội, TP HCM và nhiều địa phương trên cả nước.
Câu kết, thỏa thuận kỹ trước khi giao dịch
Ngày 27-12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 2 vụ án, đồng thời khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 19 đối tượng về tội "Buôn lậu", quy định tại điều 188 Bộ Luật Hình sự.
Theo đó, trong vụ án xảy ra tại tỉnh Long An, An Giang, công an đã khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 13 đối tượng, gồm: Nguyễn Minh Trí, Nguyễn Văn Sang, Cao Văn Chức, Nguyễn Hoàng Sa, Nguyễn Hữu Nghĩa, Huỳnh Ngọc Quang Trung, Ngô Việt Quốc Tuấn, Nguyễn Chí Khoa, Ôn Thế Hải, Lê Huy Phương, Huỳnh Cẩm Chương, Phạm Ngọc Thắng và Lê Thị Kim Xuyên.
Trong vụ án xảy ra tại Lào Cai, công an đã khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 6 đối tượng, gồm: Trần Thị Hoàn, Vàng Thị Phượng, Trần Thành Hiếu, Lương Thị Bích Hà, Nông Thị Thùy Linh, Liềng Thị Thực. Trong đó, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lương Thị Bích Hà, Nông Thị Thùy Linh và Liềng Thị Thực.
Theo công an, việc buôn lậu vàng đều có sự cấu kết giữa đối tượng trong nước với nước ngoài, chủ tiệm vàng trong nước với các chủ tiệm vàng Trung Quốc, Campuchia. Các đối tượng thỏa thuận về giá, số lượng trước khi mua bán, cả hành vi chuyển tiền trái phép để thanh toán.
Sau khi VKSND Tối cao (Vụ 5) phê chuẩn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành các quyết định, lệnh nêu trên đúng quy định của pháp luật, thu giữ một số hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án. Hiện, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang điều tra, củng cố tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố, đồng thời mở rộng điều tra làm rõ hành vi sai phạm của các đối tượng có liên quan và xác minh, thu hồi triệt để tài sản cho nhà nước.
Trước đó, cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây buôn lậu vàng từ nước ngoài chuyển về Việt Nam. Điển hình như vào tháng 7-2024, TAND TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng (43 tuổi, quê Bình Định), Nguyễn Thị Ngọc Giàu (44 tuổi, quê Tây Ninh) 18 năm tù; Nguyễn Thị Kim Phượng (39 tuổi, quê Tây Ninh) 15 năm tù. Liên quan vụ án, 21 đồng phạm của các bị cáo trên lãnh các mức án từ 4 - 15 năm tù.
Theo hồ sơ vụ án, Phụng, Phượng đều không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu (thỏi) từ Campuchia về Việt Nam để bán. Trong quá trình kinh doanh, các bị cáo thấy giá vàng trên thị trường Việt Nam cao hơn giá vàng bên Campuchia nên đã thỏa thuận, thống nhất, nhận đặt bán vàng lậu cho các chủ cửa hàng vàng trong nước.
Sau đó các bị cáo liên hệ với các đối tượng người Campuchia để đặt mua vàng lậu rồi liên hệ Nguyễn Thị Ngọc Giàu chuyển vàng lậu từ Campuchia qua cửa khẩu Chàng Riệc về bán lại trong nước kiếm lời. Các bị cáo đã thiết lập thành 2 đường dây buôn lậu vàng với số lượng vàng buôn lậu hơn 6 tấn, trị giá hơn 8.000 tỉ đồng.
Tháng 8-2023, TAND tỉnh An Giang đã tuyên phạt trùm buôn lậu Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường) 23 năm tù về 2 tội danh "Buôn lậu" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", trong vụ buôn lậu 51 kg vàng. Mười Tường bị cáo buộc đã làm trung gian vận chuyển 51 kg vàng từ Campuchia về Việt Nam.
Tác hại không hề nhỏ
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, phân tích từ nhiều năm trước, cơ quan quản lý và chuyên gia đã nhận định chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ cần ở mức 1 triệu đồng/lượng, đã xuất hiện vàng lậu. Vàng là mặt hàng có giá trị kinh tế cao, khối lượng nhỏ, dễ vận chuyển nên việc kiểm soát thường xuyên là rất khó.
Cơ quan chức năng thường lập những chuyên án lớn để triệt phá tình trạng buôn lậu vàng, còn việc chặn bắt hằng ngày khó triệt để trong bối cảnh rất nhiều mặt hàng giá trị thấp hơn vàng còn buôn lậu theo đường tiểu ngạch. Trong năm 2024, giá vàng trong nước, nhất là vàng miếng SJC thường xuyên cao hơn thế giới hơn chục triệu đồng/lượng, thậm chí nửa đầu năm mức chênh lệch còn lên tới 18-20 triệu đồng/lượng, khó tránh tình trạng buôn lậu vàng.
Hiện, giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn 99,99 cao hơn giá vàng thế giới khoảng 3-4 triệu đồng/lượng đã thu hẹp rất nhiều so với trước đó. "Buôn lậu vàng ảnh hưởng nhiều đến chính sách tiền tệ quốc gia, nhất là việc kiểm soát tỉ giá USD/VNĐ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nỗ lực ổn định tỉ giá trong bài toán ổn định chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khi vàng nhập lậu về nhiều, đối tượng buôn lậu vàng sẽ phải gom USD trên thị trường tự do từ đó làm tăng nguồn cầu ngoại tệ, tăng sức ép cho tỉ giá cũng như ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát" - TS Đinh Thế Hiển phân tích.
Nhìn ở góc độ khác, theo TS Đinh Thế Hiển, các chính sách quản lý thị trường vàng thời gian qua dần đem lại hiệu quả khi người dân không còn chộn rộn với vàng, tình trạng xếp hàng mua vàng miếng SJC cũng không còn. Đây cũng là cơ hội để NHNN sớm sửa đổi Nghị định 24/2012-NĐ-CP về quản lý thị trường vàng theo hướng phù hợp với tình hình thực tế, có thể cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất, tăng nguồn cung vàng miếng mà không lo ngại vàng hóa nền kinh tế.
Để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN cho biết đã phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương triển khai tổng thể các giải pháp. Cụ thể, yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định.
Hiện nay NHNN đang hoàn thiện báo cáo đề xuất sửa đổi Nghị định 24 trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Việc sửa đổi sẽ phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý thị trường vàng.
Theo Nguyễn Hưởng - Thái Phương (Nld.com.vn)